UAV Ukraine ráo riết tấn công, dầu khí Nga thiệt mức nào?
Chiến lược của Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công nhà máy lọc dầu Nga được đánh giá là đã tạo áp lực đáng kể lên ngành dầu khí của Moscow.
Thời guan qua Ukraine phát động làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào các nhà máy lọc dầu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Các đợt tấn công này đẩy Moscow vào thách thức kép: Vừa chạy đua để bảo vệ lãnh thổ, vừa tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine.
Bên cạnh đó, các đợt tấn công của Ukraine cũng đẩy giá nhiên liệu trong nước ở Nga tăng cao, tăng áp lực đáng kể lên Moscow.
Làn sóng UAV Ukraine tấn công nhà máy lọc dầu Nga
Vào ngày 19-1, một UAV của Ukraine đã tấn công một kho dầu ở thị trấn Klintsy, tỉnh Bryansk (phía tây Nga), đốt cháy 4 thùng xăng và khoảng 1,6 triệu gallon dầu. Cuối tuần đó, một cuộc tấn công khác đã gây thiệt hại cho nhà máy lọc dầu Rosneft ở TP Tuapse, tỉnh Krasnodar Krai (Nga, cách lãnh thổ Ukraine hơn 950 km).
Vào tháng 3, UAV Ukraine đã tấn công bốn nhà máy lọc dầu Nga trong hai ngày. Tháng 4, một UAV Ukraine cũng đã tấn công vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga, nằm sâu trong TP Elabuga ở CH Tatarstan (thuộc Nga). Cuối tháng 4 là loạt cuộc tấn công nhà máy lọc dầu Nga ở hai TP khác của Nga là Smolensk và Ryazan.
Theo trang Foreign Affairs, Ukraine đã tiến hành hơn 20 cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga kể từ tháng 10-2023. Các quan chức an ninh Ukraine nói rằng mục tiêu của các cuộc tấn công là cắt nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga và cắt giảm doanh thu xuất khẩu mà Moscow sử dụng để tài trợ cho hoạt động chiến đấu.
Nga gần đây đã tấn công liên tục vào các cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine với lý do đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào ngành năng lượng Nga. Ngày 5-5, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine - ông Herman Halushchenko nói rằng các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã khiến Ukraine thiệt hại hơn 1 tỉ USD.
Đến cuối tháng 3, Ukraine đã phá hủy khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga và buộc chính phủ Nga phải đưa ra lệnh cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng (từ ngày 1-3 đến ngày 1-9). Các cuộc tấn công của Kiev đã khiến Nga, vốn là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, hiện phải nhập khẩu xăng.
Lính cứu hỏa làm việc tại một vụ cháy nhà máy lọc dầu ở tỉnh Bryansk (Nga) hồi tháng 1. ẢNH: SHUTTERSTOCK
Đòn tấn công có mục tiêu
Ukraine cho đến nay vẫn tập trung tấn công vào nhà máy lọc dầu Nga chứ không phải các mỏ dầu hay cơ sở sản xuất dầu thô. Theo các chuyên gia, sự khác biệt là rất quan trọng.
Sau khi dầu được khai thác từ giếng, dầu mỏ được vận chuyển qua đường ống để đến các nhà máy lọc dầu, sau đó sẽ chuyển thành sản phẩm để phân phối cho người dùng.
Năm 2023, Nga khai thác khoảng 10,1 triệu thùng/ngày. Trong đó, khoảng 50% được xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài, 50% còn lại được tinh chế trong nước, tạo ra các sản phẩm như xăng, dầu diesel, nhiên liệu hàng không và nguyên liệu hóa học. Một nửa số sản phẩm tinh chế này được tiêu thụ trong nước, trong đó một tỉ lệ lớn được dùng cho hoạt động chiến đấu.
Nga cũng bán các sản phẩm dầu đã tinh chế ra nước ngoài nhưng hầu hết các nước phương Tây đã ngừng nhập khẩu nhiên liệu đã tinh chế của Nga. Các điểm đến hàng đầu của các sản phẩm dầu tinh chế của Nga hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Brazil.
Các cuộc tấn công của Ukraine đã giáng một đòn đáng kể vào khả năng lọc dầu của Nga với sản lượng giảm tới 900.000 thùng/ngày. Việc sửa chữa cơ sở lọc dầu thường sẽ chậm và tốn kém do máy móc có cấu tạo phức tạp cũng như thiếu thiết bị thay thế do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lửa bùng phát sau khi UAV Ukraine tấn công nhà máy lọc dầu Nga tại thị trấn Yartsevo tỉnh Smolensk (Nga) vào tháng 4. Ảnh: REUTERS
Bên cạnh đó, Nga cũng gặp hạn chế trong việc lưu trữ dầu thô. Do đó, khi một nhà máy lọc dầu bị phá hủy hoặc hư hỏng, dầu thô đã lấy lên từ giếng không thể được dự trữ để sử dụng sau này. Điều này khiến các nhà sản xuất dầu Nga chỉ có hai lựa chọn: tăng xuất khẩu dầu thô hoặc đóng cửa giếng và giảm sản xuất.
Cả hai lựa chọn đều bất lợi cho Moscow. Cụ thể, Nga chỉ có thể xuất khẩu dầu thô sang một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - những quốc gia có cơ sở dùng để sử dụng các loại dầu cụ thể của Nga. Do đó, các quốc gia này thường tạo đòn bẩy với Nga để mua dầu với giá thấp hơn trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi dầu đã tinh chế và bán ra, Nga phải trả mức giá theo giá thị trường để mua lại các sản phẩm này.
Trường hợp Nga chọn đóng cửa giếng thay vì tăng xuất khẩu, giá dầu thô toàn cầu thực sự sẽ tăng nhưng sau đó giá dầu tinh chế cũng sẽ tăng theo.
Moscow đã lựa chọn phương án thứ nhất, tăng xuất khẩu dầu thô. Bằng chứng là từ tháng 2 đến tháng 3, xuất khẩu dầu thô hàng tháng của Nga đã tăng 9% - mức cao nhất trong 9 tháng qua. Trong khi đó, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga chạm mức thấp gần như lịch sử, với mức xuất khẩu dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác trong tuần cuối cùng của tháng 4 là khoảng 712.000 tấn, giảm so với hơn 844.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Hệ quả từ câu chuyện này là giá xăng và dầu diesel tại thị trường trong nước ở Nga tăng mạnh. Theo số liệu của chính phủ Nga, giá dầu diesel dành cho người tiêu dùng Nga đã tăng vọt, tăng gần 10% trong tuần cuối tháng 4. Giá xăng cũng tăng hơn 20% so với đầu năm.
Việc này buộc Nga phải nhập khẩu 3.000 tấn nhiên liệu từ Belarus trong nửa đầu tháng 3 (tăng từ con số 0 vào tháng 1). Moscow cũng đã đề nghị Kazakhstan cung cấp 100.000 tấn xăng trong trường hợp người tiêu dùng Nga thiếu hụt.
Một chiến lược hiệu quả Giới quan sát cho rằng chiến lược của Ukraine khi tấn công nhà máy lọc dầu Nga đang làm được điều mà các lệnh trừng phạt của phương Tây không làm được. Theo đó, từ những ngày đầu khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, các nước phương Tây đã tìm cách áp giá trần lên dầu thô xuất khẩu của Nga. Ý tưởng đằng sau việc áp giá trần là giữ cho giá dầu đủ cao để Nga tiếp tục xuất khẩu, nhằm tránh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng cũng đủ thấp để làm giảm nguồn thu của Moscow. Tuy nhiên, thực tế áp dụng của giá trần đã không hiệu quả khi doanh thu của Nga về xuất khẩu dầu tăng vọt lên mức kỷ lục 320 tỉ USD vào năm 2023. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga không ảnh hưởng nguồn cung năng lượng toàn cầu hay đẩy giá lên cao, mà làm giảm khả năng của Nga trong việc chuyển dầu thô thành xăng phục vụ cho các xe tăng trên chiến trường và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, chiến lược tấn công nhà máy lọc dầu Nga này đi kèm ít rủi ro vì UAV Ukraine thường tấn công mục tiêu vào ban đêm và gây ra rất ít thương vong dân thường. “UAV giống như một con muỗi - khi bạn không thể tìm thấy nó, không thể giết nó và nó cứ quay trở lại hết đêm này sang đêm khác và bạn sẽ kiệt sức. Đó là một cách rất tốt để Ukraine giảm bớt áp lực từ tiền tuyến” - ông Philip Ingram, cựu sĩ quan tình báo quân đội Anh, nói với tờ Politico. |
Ukraine hôm 9/5 đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) tự sát tầm xa để tấn công một nhà máy lọc dầu ở nước Cộng hòa Bashkortostan thuộc Nga.
Nguồn: [Link nguồn]