Tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường gây tranh cãi ở Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Gần đây Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng "nền kinh tế hàng rong" là "huyết mạch của Trung Quốc". Tuyên bố này đi ngược với chính sách đối với hoạt động bán hàng rong lâu nay của Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm tỉnh Sơn Đông.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm tỉnh Sơn Đông.

Tạp chí Nikkei của Nhật Bản mới đây đã đăng bài phân tích sâu về tuyên bố khuyến khích người thất nghiệp chuyển sang bán hàng rong của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và những bất đồng đằng sau tuyên bố này.

Trong những năm 1980 và 1990, những quầy bán hàng rong được coi là dấu hiệu của nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc.

Nhà sáng lập tập đoàn Huawei, Nhậm Chính Phi bán các viên thuốc hỗ trợ ăn kiêng và bình chữa cháy trên phố. Tỷ phú jack Ma bán đồ vặt ở Chiết Giang, sau này lập ra "gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba.

Ngày nay, “nền kinh tế hàng rong” lại trở thành tâm điểm chú ý và là chủ đề nóng trong giới lãnh đạo Trung Quốc, theo Nikkei.

Hôm 1.6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Yantai, thành phố cảng ở tỉnh Sơn Đông và thăm những người bán rong. Ông gửi lời khen ngợi và nói rằng “nền kinh tế hàng rong” là “nguồn tạo việc làm quan trọng “và là “huyết mạch của Trung Quốc”.

Một người bán hàng rong ở Bắc Kinh bị cảnh sát yêu cầu rời đi hôm 8.6.

Một người bán hàng rong ở Bắc Kinh bị cảnh sát yêu cầu rời đi hôm 8.6.

Trước đó, ông Lý nhắc đến lợi ích tạo việc làm của nền kinh tế bán hàng rong, biến cụm từ này trở thành cơn sốt. Sau dịch Covid-19, tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao, nhiều người không tìm được việc làm. Vậy nên tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc mở đường để người thất nghiệp chủ động ra ngoài bán hàng rong.

Không giống như những người bán rong của thời trước, bán các mặt hàng chất lượng kém, những người bán hàng rong ngày nay đều tận dụng thế mạnh của công nghệ, thanh toán qua mã QR. Nếu người mua hàng có phàn nàn thì có thể truy lại nguồn gốc người bán.

“Nếu mọi người làm việc chăm chỉ, việc kinh doanh sẽ tăng trưởng, đất nước sẽ phát triển thêm”, ông Lý nói với một người bán rong trong chuyến thăm tỉnh Sơn Đông. 

Phát ngôn của ông Lý dường như đi ngược với chính sách đối với người bán hàng rong những năm gần đây của Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn xử lý nghiêm hoạt động bán hàng rong nhằm duy trì an ninh, trật tự.

Vài ngày sau, Bắc Kinh Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Bắc Kinh, đăng bài xã luận chỉ trích việc khuyến khích “nền kinh tế hàng rong”. Bài xã luận nêu rõ các quầy bán hàng rong “không vệ sinh, không văn minh”, không phù hợp với bộ mặt thủ đô. Ngày hôm sau, truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng bình luận tương tự.

Nhiều thành phố Trung Quốc nới lỏng quy định cho phép bán rong, số khác tỏ ra phân vân. Thành phố cảng Đại liên ở tỉnh Liêu Ninh cho phép chợ đêm hoạt động trở lại, nhưng sau đó chính quyền thành phố đã thu hồi lại quyết định.

Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ là người thân tín của ông Tập.

Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ là người thân tín của ông Tập.

Theo Nikkei, một trong những quan chức cấp cao nhất phản đối “nền kinh tế hàng rong” là Thái Kỳ - Bí thư thành ủy Bắc Kinh. Ông Thái là một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc.

Năm 2017, các nhà phân tích từng nhận định rằng ông Thái được bổ nhiệm vượt nhiều cấp trong thời gian ngắn để nắm giữ vị trí "trấn thủ" Bắc Kinh giúp ông Tập Cận Bình.

Gần như suốt sự nghiệp của mình, ông Thái đều phục vụ dưới quyền ông Tập. Khi ông Tập làm bí thư Phúc Kiến và Chiết Giang, ông Thái đều đảm nhiệm các chức vụ cao ở những tỉnh này.

Ông Thái từ lâu đã nỗ lực chấn chỉnh bộ mặt thủ đô Bắc Kinh, dẹp bỏ các tòa nhà tồi tàn của lao động nhập cư. Ông cũng cho dẹp bỏ các quầy bán hàng rong, với lý do an ninh và ô nhiễm môi trường. Một số tòa nhà có tầng 1 dùng làm nơi bán hàng cũng phải đóng cửa. Kết quả là nhiều người có thu nhập thấp đã phải rời thủ đô Bắc Kinh.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường lại được lòng những người dân nghèo. “Người bình thường cảm thấy rằng Thủ tướng nghĩ nhiều về sinh kế của họ hơn”, một người địa phương nói với Nikkei.

Ông Lý nhắc đến việc phần lớn người Trung Quốc làm việc trong các công ty nhỏ và một nửa dân số Trung Quốc sống ở nông thôn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

“Vẫn có khoảng 600 triệu người đang có thu nhập trung bình hoặc thấp, thậm chí thấp hơn”, ông Lý nói. “Thu nhập hàng tháng của họ chỉ dưới 1.000 tệ (khoảng 142 USD), không đủ để thuê một căn phòng tại một thành phố cấp trung của Trung Quốc”.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc sau đó ra thông báo đính chính lại lời Thủ tướng, rằng “600 triệu người nghèo mà ông Lý nhắc đến bao gồm cả người già và trẻ em không có thu nhập, nên mức thu nhập trung bình của 600 triệu người này bị kéo xuống. Trên thực tế, nhiều người trong số này kiếm được hơn mức 142 USD/tháng”.

Những sự tuyên bố mâu thuẫn diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang bước vào mùa chính trị quan trọng nhất trong một thập niên. Mùa hè này, phương hướng nhân sự cho đại hội đảng toàn quốc năm 2022 ở Trung Quốc sẽ được định đoạt.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ tung thêm đòn trừng phạt nhắm vào Trung Quốc

Hai trường Đại học Trung Quốc có mối quan hệ gần gũi với quân đội bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt, làm trầm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Nikkei ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN