Phía sau vụ máy bay Nhật Bản chở 379 người bốc cháy

Hãng hàng không Japan Airlines từng hứng chịu một trong những thảm kịch rơi máy bay bi thảm nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Nhưng cũng nhờ đó, họ có các quy tắc "viết bằng máu", góp phần tạo nên "phép lạ" trong vụ cháy máy bay mới nhất.

Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng Japan Airlines năm 1985. Ảnh: Kyodo News

Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng Japan Airlines năm 1985. Ảnh: Kyodo News

Theo CNN, ngày 12/8/1985, máy bay số hiệu JAL123 của hãng Japan Airlines (JAL) bị rơi khi đang trong hành trình từ thủ đô Tokyo đến thành phố Osaka. Vụ việc khiến 520 trong tổng số 524 người có mặt trên máy bay thiệt mạng.

Cho đến nay, đó là một trong những vụ rơi máy bay chết chóc nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Thảm kịch xảy ra sau khi các kỹ thuật viên của Boeing, không phải của hãng Japan Airlines, sửa lỗi ở phần đuôi máy bay sau một sự cố trước đó.

Graham Braithwaite, giáo sư nghiên cứu về điều tra an toàn và tai nạn, thuộc Đại học Cranfield (Anh), cho rằng, vụ tai nạn thảm khốc năm 1985 đã giúp Japan Airlines trở thành hãng hàng không an toàn như ngày nay.

"Rõ ràng, vụ tai nạn năm đó đã tác động sâu sắc tới hãng hàng không JAL", giáo sư Braithwaite nói. "Ở một nền văn hóa như Nhật Bản, họ nhận trách nhiệm như một tập thể và muốn đảm bảo lịch sử đau buồn không lặp lại. Vì vậy, khi có sự cố xảy ra, họ xem đó là cách để học hỏi. Mọi chuyện xảy ra đều là cơ hội để cải thiện an toàn".

Năm 2005, nhận thấy nhiều nhân viên mới vào hãng không còn ký ức về vụ tai nạn 20 năm trước, JAL đã tạo một không gian trong trụ sở của hãng để trưng bày các mảnh vỡ cũng như lưu lại các câu chuyện về phi hành đoàn và hành khách.

"Mọi người đều phải hiểu cần bao nhiêu nỗ lực để có được sự an toàn như ngày nay", giáo sư Braithwaite nói.

Theo vị giáo sư này, gần 4 thập kỷ trôi qua, vụ tai nạn máy bay năm 1985 vẫn ảnh hưởng sâu đậm tới tâm lý của các thành viên trong công ty.

"Họ có văn hóa rất nghiêm ngặt về các quy trình vận hành tiêu chuẩn và thực hiện mọi thứ đúng cách. Đó là một trong những lý do khiến phi hành đoàn của JAL trong vụ cháy máy bay mới nhất đã làm rất tốt nhiệm vụ sơ tán hành khách", giáo sư Braithwaite chia sẻ.

Vị giáo sư của Đại học Cranfield cho rằng việc sơ tán thành công "toàn bộ" 379 người trên máy bay bốc cháy là một điểm cộng cho hãng Japan Airlines.

Theo CNN, JAL thường xuyên được vinh danh trong danh sách các hãng hàng không an toàn nhất thế giới (bình chọn hàng năm) của Airlineratings - trang web nổi tiếng chuyên đánh giá chất lượng các hãng bay.

Geoffrey Thomas, tổng biên tập trang web Airlineratings, nói: "Japan Airlines đã đạt được kỷ lục an toàn khi bay kể từ năm 1985. Thảm kịch rơi máy bay năm 1985 cũng không phải lỗi của hãng này mà liên quan đến lỗi sửa chữa của Boeing".

"Hãng hàng không Nhật Bản này được trang web của chúng tôi đánh giá là hãng bay 7 sao hàng đầu và đáp ứng được tất cả các cuộc kiểm tra an toàn quan trọng", ông Thomas nói thêm.

Quy tắc an toàn "viết bằng máu"

Ngọn lửa bao trùm chiếc máy bay của hãng Japan Airlines chở 379 người. Ảnh: Saudi Gazette

Ngọn lửa bao trùm chiếc máy bay của hãng Japan Airlines chở 379 người. Ảnh: Saudi Gazette

CNN dẫn lời một phi công của JAL cho biết, các nhân viên trong hãng nắm rõ nguyên tắc "sự an toàn của hàng không hiện đại được viết bằng máu của những hành khách không may mắn".

Các tai nạn hàng không là những bài học đắt giá, được "chia sẻ trong toàn ngành để các phi hành đoàn có thể hoàn thành công việc tốt hơn".

Năm 1980, máy bay số hiệu 163 của Ả Rập Saudi, di chuyển từ Pakistan tới Ả Rập Saudi, hạ cánh khẩn cấp thành công sau khi gặp sự cố. Tuy nhiên, 301 người trên máy bay đã chết ngạt vì khói khi phi công không ra lệnh sơ tán. Bài học rút ra từ thảm kịch này là trao quyền tự quyết cho các tiếp viên và thành viên khác trong phi hành đoàn để sơ tán hành khách.

Một tai nạn hàng không khác có ảnh hưởng lớn đến sự an toàn về sau này là thảm họa hàng không của hãng British Airtours năm 1985 tại sân bay Manchester, Anh.

Chiếc máy bay khi đó cất cánh chậm, rồi bốc cháy. Dù máy bay đã dừng trên đường băng và lực lượng cứu hỏa khẩn trương có mặt, 55 người trên máy bay vẫn thiệt mạng. Phần lớn do ngạt khói.

"Rất nhiều khuyến nghị về an toàn bay được đưa ra sau vụ việc đó, tác động đến sự thay đổi tính năng trên máy bay hiện đại", giáo sư Braithwaite cho biết. "Có nhiều không gian xung quanh các lối thoát hiểm, có đèn dọc sàn máy bay, thành viên phi hành đoàn được lựa chọn người có đủ khả năng mở cửa để ngồi gần cửa thoát hiểm, cabin được làm từ vật liệu khó cháy. Tất cả những thay đổi đó góp phần tạo nên một cuộc sơ tán thành công".

"Còn quá sớm để bình luận về vụ việc nhưng điều rõ ràng là phi hành đoàn trên máy bay chở 379 người đã hoàn thành rất tốt việc sơ tán", Steven Erhlich, chủ tịch của PilotsTogether, một tổ chức từ thiện được thành lập trong thời kỳ đại dịch để hỗ trợ các phi hành đoàn, nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Bằng cách nào 379 người thoát chết vụ cháy máy bay ở Nhật Bản?

Việc 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn thoát chết trong vụ va chạm máy bay ở Nhật Bản được mô tả là “phép lạ“. Nhưng “phép lạ“ đó không tự dưng mà có.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lâm Nhã Du - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN