Trung Quốc gửi đi tín hiệu nguy hiểm trên biển Đông

Trong một tuyên bố mạnh mẽ hiếm thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/8 cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “chiến thuật bắt nạt” trên biển Đông, dẫn ra chuyện nước này “can thiệp cưỡng ép” vào hoạt động dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang muốn gửi đi một tín hiệu nguy hiểm.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên biển Đông Ảnh: Reuters

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên biển Đông Ảnh: Reuters

“Gần đây, Trung Quốc sử dụng lại cách can thiệp cưỡng ép vào các hoạt động dầu khí từ lâu của Việt Nam trên biển Đông”, Reuters dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc.

Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, các hoạt động của Bắc Kinh đi ngược lại cam kết mà Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đưa ra trong bài phát biểu tại Singapore vào tháng 6 năm nay rằng, nước này sẽ “đi đúng con đường phát triển hòa bình”. 

“Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu duy trì chiến thuật bắt nạt”, tuyên bố của Lầu Năm Góc nói. Sau tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hôm qua vẫn nói Mỹ “thổi phồng ác ý” tình hình biển Đông và đưa ra “chỉ trích không có cơ sở”. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng, Mỹ hết lần này đến lần khác “đưa ra những bình luận thiếu suy nghĩ, chỉ trích vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc, hoàn toàn bóp méo sự thật và nhầm lẫn đúng sai”. “Trung Quốc thúc giục Mỹ dừng kiểu thổi phồng ác ý này, và đóng vai trò tích cực và xây dựng cho các vấn đề quốc tế và khu vực”, ông Cảnh Sảng nói. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7 và tiến hành các hoạt động khảo sát địa chấn trái phép kéo dài nhiều tuần, bất chấp việc Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp và yêu cầu Trung Quốc phải rút tất cả các tàu này. 

Thông điệp nguy hiểm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) trụ sở tại Mỹ, nói rằng hoạt động khảo sát của nhóm tàu Hải dương 8 trong vùng biển của Việt Nam dường như để gửi đi một thông điệp, không chỉ với Việt Nam mà với cả khu vực rằng, Trung Quốc không chấp nhận các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương của các nước Đông Nam Á trong vùng biển của họ. 

Hoạt động thăm dò địa chấn của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam bắt đầu chỉ vài tuần sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối hoạt động khoan dầu khí của tập đoàn Rosneft tại lô 06-01 gần bãi Tư Chính.

Tương tự, một tàu khảo sát của nhà nước Trung Quốc cũng hoạt động trái phép trong vùng biển của Malaysia, cùng khu vực mà tập đoàn Shell đang khoan giếng dầu mà tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối hồi tháng 5 năm nay. Không thể ép các nước khu vực hủy hoạt động khoan dầu, Trung Quốc cố ý tiến hành trái phép các hoạt động khảo sát dầu khí đơn phương trái phép trong vùng biển của Việt Nam và Malaysia, ông Poling nói.

Theo chuyên gia này, đây sẽ là điều bình thường mới: Trung Quốc sẽ tìm cách phản đối tất cả các hoạt động kinh tế hợp pháp của Việt Nam, Malaysia và Philippines trong vùng biển của họ, và Bắc Kinh sẽ sử dụng lực lượng tàu hải cảnh và dân quân để làm điều đó.

Khi Malaysia hay Việt Nam không chịu xuống nước, Trung Quốc dùng cách hăm dọa nhưng không sử dụng quân đội. 

Cộng đồng quốc tế cần có biện pháp để lên án các hành động của Trung Quốc và buộc họ phải trả cái giá về kinh tế và ngoại giao cho những hành động như vậy. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ ủng hộ Việt Nam bằng lời nói. Cần phải tạo ra sức mạnh lớn hơn để thực sự khiến Bắc Kinh từ bỏ những hành động như hiện nay, ông Poling nói. 

Pháp lý việc Trung Quốc muốn ‘ăn chia’ 60/40 ở biển Đông

Đối chiếu với luật pháp Philippines, rất có thể chủ trương của Manila trong việc bắt tay với Bắc Kinh để khai thác chung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN