Trung Quốc có thực sự hồi phục thần tốc hậu Covid-19?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Theo SCMP, Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên phồi phục sau đại dịch nhưng đó là sự hồi phục chắp vá.

Trung Quốc đang thúc đẩy hình ảnh về một quốc gia hồi phục kinh tế rất nhanh sau đại dịch. Thế nhưng, ngay những người trong cuộc lại không thực sự nghĩ vậy.

Cảnh xét nghiệm hàng loạt tại Nam Kinh, Trung Quốc ngày 8/8/2021

Cảnh xét nghiệm hàng loạt tại Nam Kinh, Trung Quốc ngày 8/8/2021

Những triệu chứng tổn thương kéo dài hậu Covid-19

Mùa hè này, quán cà phê được cải tiến từ container chở hàng của cô Zhang Loulou kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 nhưng chỉ có vài người khách. Dẫu ảm đạm nhưng Zhang vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác ở khu phố nghệ thuật tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Rất nhiều hàng quán xung quanh một thời tấp nập, đã lần lượt đóng cửa.

Kể từ khi được mở cửa trở lại sau 3 tháng phong tỏa chặt chẽ phòng dịch, tháng 4/2020, Zhang đã kỳ vọng lượng khách nhanh chóng phục hồi nhưng thực tế thì không.

Một năm qua, Zhang cùng nhiều bạn trẻ khác kinh doanh tại đây tìm mọi cách từ chuyển đổi mô hình bán hàng chú trọng cách thức mang về, giảm giá, trang trí lại không gian nhưng mọi nỗ lực đều bất thành.

Những hộ kinh doanh nhỏ như Zhang đang phải chịu đựng những ảnh hưởng nghiêm trọng, dai dẳng hậu Covid-19 chẳng khác nào những triệu chứng lâu dài mà người nhiễm Covid-19 phải chịu đựng.

Câu chuyện của Zhang và khu phố nghệ thuật Vũ Hán là tấm gương phản chiếu cho số phận kinh tế nhiều vùng tại Trung Quốc sau thời gian chống chọi vì dịch bệnh.

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời các chuyên gia trong nước cho biết, Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên phồi phục sau đại dịch nhưng đó là sự hồi phục chắp vá. Dữ liệu thực tế chỉ ra sự chia rẽ phân biệt giữa các vùng kinh tế tại Trung Quốc ngày càng sâu sắc.

Đúng là kinh tế có tăng trưởng nhưng chỉ tập trung vào các tỉnh có thu nhập và tiêu dùng cao còn những vùng nghèo thì lại càng tụt lại phía sau.

Nhà kinh tế trưởng của Công ty TNHH Quản lý tài sản Pinpoint, Zhang Zhiwei, đánh giá: “Tác động của đại dịch với sự phát triển của nền kinh tế có thể còn lâu dài hơn những gì chúng ta tính toán. Mọi người đều nghĩ dịch bệnh đã chấm dứt, mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng bây giờ, chúng ta thấy, thực tế không phải vậy”.

Sau hơn một năm vắng bóng, dịch bệnh ập trở lại Vũ Hán với sự xuất hiện của biến chủng nguy hiểm Delta. Nhiều nơi khác tại Trung Quốc cũng đang vật lộn với Delta vài tuần qua, buộc giới chức địa phương phải tái áp đặt nhiều hạn chế. Người tiêu dùng và doanh nghiệp một lần nữa bị ảnh hưởng.

Chia rẽ vùng càng sâu sắc

Sự chia rẽ kinh tế vùng thể hiện rõ nhất qua con số tăng trưởng chính thức 6 tháng đầu năm 2021 vừa được 29/31 tỉnh, thành công bố.

Theo phân tích của báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), tăng trưởng GDP của mỗi tỉnh phản chiếu chính xác mức độ phục hồi doanh số bán lẻ địa phương.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc tăng 5,3% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số bán lẻ toàn quốc, chỉ số quan trọng đo lường mức chi tiêu tiêu dùng, tăng 4,4% trong cùng kỳ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, mức lạm phát của Trung Quốc trong tháng 7/2021 là 1%.

6 trong 8 tỉnh hàng đầu, chủ yếu ở phía Nam Trung Quốc, có doanh số bán lẻ tăng trưởng cao hơn hoặc bằng nửa đầu năm 2019 (trước khi có dịch). Ngoại trừ tỉnh Chiết Giang nơi chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu và Tây Tạng không công bố số liệu.

Trong đó, Hải Nam, hòn đảo rộng 35 nghìn km2 nằm ở phía Nam Trung Quốc đã đạt được tỉ lệ tăng trưởng GDP trung bình cao thứ 2 toàn quốc (7%) nhờ tỉ lệ tiêu dùng tăng trung bình 10,7%.

Cùng lúc, tất cả 5 tỉnh có tỉ lệ tăng trưởng chậm nhất đều có doanh số bán lẻ trong nửa đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể là Hồ Bắc, nơi bị ảnh hưởng vì dịch và các tỉnh vành đai phía Bắc như: Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Nội Mông, Hà Bắc.

Qua các số liệu trên, có thể thấy, một lần nữa, sự chia rẽ kinh tế giữa hai miền Bắc - Nam của Trung Quốc đã tồn tại từ lâu, nay càng sâu sắc.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Zhang Zhiwei nhấn mạnh, điểm mới và đáng ngại nhất chính là mức độ phân hóa về tỉ lệ tiêu dùng giữa hai khu vực. Bởi vì, trước dịch, dù tăng trưởng kinh tế Bắc - Nam có lệch nhưng tỉ lệ tăng trưởng tiêu dùng rất ổn định và gần như không chênh nhiều. Nhưng nay, dù đã 1,5 năm sau thời điểm dịch bệnh được khống chế, một số khu vực vẫn không thể gượng dậy lại như trước.

Tỉ lệ tiêu dùng chênh lệch là rất đáng quan ngại vì đằng sau đó chính là mức thu nhập và việc làm.

Các vùng nghèo càng nghèo thêm

“Kể từ khi đại dịch bùng phát, tỉ lệ tăng trưởng thu nhập của các gia đình nghèo ngày càng thấp hơn so với mức trung bình. Khoảng cách ngày càng rộng. Đây là một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng “thắt lưng buộc bụng” như hiện tại”, ông Zhang nói.

Thị trường công việc đô thị cũng chắp vá. Trong quý thứ 2/2021, tại khu vực phía Đông, miền Trung và Tây Trung Quốc, lượng việc làm sẵn có vượt số lượng đơn xin việc nên môi trường tìm việc tại đây dễ thở hơn.

Song, tại khu vực phía Bắc và hầu hết các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, tình cảnh việc làm lại đối lập, theo khảo sát do Viện Nghiên cứu việc làm Trung Quốc thuộc Đại học Renmin và trang web tìm kiếm việc làm Zhaopin thực hiện.

Tại các tỉnh phía Bắc, môi trường đầu tư hạ tầng, từng là động lực thúc đẩy kinh tế cũng đã giảm sút vì chiến dịch giảm nợ của chính quyền Trung ương.

Do đó, các nhà phân tích chỉ ra, những thách thức lớn hơn vẫn còn đang chờ ở nửa sau của năm 2021 khi đại dịch đang hoành hành trở lại. Chưa kể, thời gian này, một số cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng nước ngoài đã phục hồi nên Trung Quốc sẽ chịu cạnh tranh mạnh hơn, khó có thể duy trì mức xuất khẩu mạnh như đã thấy trong nửa đầu năm.

Quan trọng nhất, sức tiêu thụ chỉ có thể khôi phục hoàn toàn khi không còn ổ dịch lớn bùng phát. Đây là điều không thể trong bối cảnh SARS-CoV-2 liên tục biến chủng, nguy hiểm và “lỳ” hơn với vaccine.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc, đến đầu tuần này, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên tiếp tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng qua (94 ca), nâng tổng số ca nhiễm tại nước này tăng lên 93.826 ca. Hầu hết ca mới được ghi nhận tại tỉnh Hà Nam và Tô Giang. Riêng tại Vũ Hán, chính quyền thành phố đã hoàn tất xét nghiệm toàn bộ 11 triệu dân, trừ trẻ em dưới 6 tuổi, sau 5 ngày kể từ thời điểm phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Theo số liệu gần nhất, đến cuối tuần qua, Vũ Hán ghi nhận 37 ca lây nhiễm trong cộng đồng và phát hiện thêm 41 ca không có triệu chứng nhờ xét nghiệm toàn thành phố.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc chấp nhận trả giá đắt để diệt Covid-19?

Cách tiếp cận "loại bỏ hoàn toàn dịch Covid-19" có thể khiến Trung Quốc tự cô lập trong nhiều năm tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN