Trách nhiệm nặng nề của F-35 sau khi cường kích huyền thoại "Thần sấm" A-10 Thunderbolt II về hưu

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Trước việc cường kích huyền thoại "Thần sấm" A-10 Thunderbolt II có thể sớm ngừng hoạt động, không máy bay nào có thể đảm nhận vai trò của A-10 trong việc hỗ trợ không lực tầm gần cho lực lượng mặt đất một cách hiệu quả, kể cả F-35 hiện đại.

Một trong những máy bay độc đáo nhất thế giới có thể sớm ngừng hoạt động.

Theo trang Business Insider, tại buổi công bố ngân sách quốc phòng năm 2023 hồi tháng 3, ông Michael McCord, quan chức ngân sách dân sự hàng đầu của Lầu Năm Góc, cho biết không quân Mỹ hiện có kế hoạch cho nghỉ hưu toàn bộ phi đội gồm 286 máy bay A-10 Thunderbolt II (Thần sấm II) trong vòng 5-6 năm tới.

Máy bay A-10 Thunderbolt II (Thần sấm II). Ảnh: USAF

Máy bay A-10 Thunderbolt II (Thần sấm II). Ảnh: USAF

Được giới thiệu vào năm 1972, A-10 là cường kích cận âm hai động cơ, được thiết kế để cung cấp hỗ trợ không lực tầm gần cho lực lượng mặt đất.

Còn được gọi với cái tên Warthog (Lợn lòi), A-10 là máy bay duy nhất còn hoạt động của Mỹ ngay từ ban đầu được chế tạo cho nhiệm vụ đó và chưa từng được bất kỳ quốc gia nào khác sử dụng.

Trong nhiều năm, không quân Mỹ đã tìm cách loại biên A-10 và tập trung vào phát triển máy bay tiên tiến. Nỗ lực này đã bị chặn, phần lớn là do quốc hội Mỹ phản đối song với khả năng A-10 sẽ sớm bị ngừng hoạt động thì các dòng máy bay khác có thể phải đảm nhận vai trò này.

Máy bay có một không hai

A-10 được phát triển phần lớn nhằm phản ứng với lợi thế về quy mô của quân đội Liên Xô, đặc biệt là lực lượng xe tăng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

A-10 được thiết kế để loại bỏ lớp giáp của Liên Xô và bản thân máy bay này được trang bị pháo tự động đa nòng GAU-8 Avenger 30 mm đáng gờm.

Cường kích A-10 Thunderbolt trên đường băng sau khi hạ cánh khẩn tại căn cứ không quân Edwards năm 2008. Ảnh: US Air Force photo/Brad White

Cường kích A-10 Thunderbolt trên đường băng sau khi hạ cánh khẩn tại căn cứ không quân Edwards năm 2008. Ảnh: US Air Force photo/Brad White

Pháo GAU-8 Avenger sử dụng cả đạn cháy có sức công phá mãnh liệt lẫn đạn xuyên giáp, và có thể bắn 3.900 viên mỗi phút. Đạn xuyên giáp của Avenger chứa uranium nghèo để giúp chống lại áo giáp hiệu quả hơn. A-10 cũng có thể mang tên lửa được lắp bên ngoài và đạn thông minh chẳng hạn như tên lửa dẫn đường chống tăng.

A-10 có thân làm bằng titan và có thể chịu được hỏa lực trực tiếp từ đạn 23 mm và hỏa lực gián tiếp từ đạn 57 mm.

Nhờ bề mặt cánh lớn, A-10 có khả năng cơ động cực tốt ở độ cao và tốc độ thấp.

A-10 cũng được thiết kế để bảo trì dễ dàng và vận hành từ các đường băng ngắn hoặc đường băng làm vội vàng. Động cơ của máy bay được gắn cao trên thân máy bay, giữ cho chúng cách xa mặt đất hơn trong lúc hạ cánh cứng.

F-35 sẽ đảm nhận sứ mệnh của A-10?

Ngoài việc tuổi thọ của Thần sấm II A-10 ngày càng cao, việc thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ không lực tầm gần được dự đoán sẽ trở nên khó khăn hơn khi Mỹ chuyển trọng tâm sang Thái Bình Dương, nơi vũ khí phòng không của Trung Quốc có thể nhanh chóng bắn hạ A-10.

Phát biểu trước báo giới ngày 28-3, Thứ trưởng không quân Mỹ, bà Gina Ortiz Jones nói rằng A-10 bị hạn chế về khả năng đóng góp hiệu quả cho sứ mệnh của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tiêm kích F-35 bắn pháo cỡ 25 mm tại bãi thử nghiệm và huấn luyện Utah năm 2018. Ảnh: US Air Force/Todd Cromar

Tiêm kích F-35 bắn pháo cỡ 25 mm tại bãi thử nghiệm và huấn luyện Utah năm 2018. Ảnh: US Air Force/Todd Cromar

Không quân Mỹ muốn đảm bảo rằng họ có sự kết hợp phù hợp của loại máy bay có thể sống sót, hiệu quả và có thể cung cấp cơ hội chiến thắng tốt nhất tại khu vực đó, bà Jones nói.

Bên cạnh đó, khi tuổi thọ chiếc máy bay huyền thoại này bước sang năm thứ 50, việc bảo trì trở nên khó khăn hơn và tốn kém hơn. Việc thay thế cánh trên những chiếc A-10 còn lại đặc biệt tốn kém, khoảng 10 triệu USD một bộ.

Không quân Mỹ đã cố gắng cắt giảm phi đội A-10 và bắt đầu thay thế bằng F-35, song quốc hội Mỹ đã chặn nỗ lực này. Việc không quân Mỹ tiếp tục triển khai A-10 trong khi cắt giảm hoặc hủy các khoảng đầu tư và nâng cấp cho nó đã đưa tới những cáo buộc rằng không quân Mỹ đang phá hoại phi đội A-10.

Là một phần trong ngân sách thường niên của Lầu Năm Góc năm 2016 và 2017, quốc hội Mỹ yêu cầu không quân Mỹ đối chiếu khả năng hỗ trợ không lực tầm gần của A-10 và của F-35 trước khi cho cắt giảm phi đội A-10. Không quân Mỹ đã hoàn thành đánh giá đó vào năm 2019.

Không quân Mỹ hiện có kế hoạch cho ngừng hoạt động dần dần phi đội A-10 trong năm tài chính 2023, bắt đầu từ ngày 1-10-2022. Quá trình này sẽ bắt đầu với việc thoái vốn 21 chiếc A-10 và sẽ tạm thời thay thế bằng tiêm kích F-16 trước khi F-35 đảm nhận sứ mệnh của “Lợn lòi” A-10.

Không máy bay nào có thể thực sự thay thế được A-10

Việc thay thế vai trò của A-10 trong việc tiến hành hỗ trợ không lực tầm gần một cách hiệu quả ở độ cao thấp sẽ không dễ dàng.

Các phi công Mỹ đã học cách tiến hành hỗ trợ không lực tầm gần ở độ cao trung bình tại Afghanistan và Iraq và có một nơi cho phiên bản đó, ông Billie Flynn, cựu trung tá không quân Canada và phi công thử nghiệm F-35 cấp cao, cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn trang The Aviationist gần đây.

Đại úy Cody Wilton, phi công của Đội biểu diễn A-10, chuẩn bị cất cánh tại căn cứ không quân Davis-Monthan năm 2018. Ảnh: US Air Force/Senior Airman Mya M. Crosby

Đại úy Cody Wilton, phi công của Đội biểu diễn A-10, chuẩn bị cất cánh tại căn cứ không quân Davis-Monthan năm 2018. Ảnh: US Air Force/Senior Airman Mya M. Crosby

Hệ thống cảm biến hiện đại của F-35 giúp phi công sử dụng bom hiệu quả hơn khi hỗ trợ không lực tầm gần ở độ cao trung bình. Tuy nhiên, nếu binh sĩ tiếp xúc gần với kẻ thù thì F-35 sẽ phải bay thấp hơn và sử dụng pháo của nó, như cách mà Thủy quân Lục chiến Mỹ đã học cách thực hiện với F-35B, ông Flynn nói.

Thực tế là hỗ trợ không lực tầm gần ở độ cao trung bình không hiệu quả khi kẻ thù ở gần, ông Flynn nói thêm.

“Trong một kịch bản kiểu Iraq hay Afghanistan, khi bạn cần đạn hoặc vũ khí gần với binh sĩ thuộc quân bạn, việc thả vũ khí từ độ cao 7 km sẽ không được chấp nhận” – ông Flynn nói thêm.

F-35 sử dụng pháo nòng xoay GAU-22/A cỡ 25 mm – loại pháo mạnh hơn pháo cỡ 20 mm trên máy bay khác của Mỹ, trong đó có F-16, nhưng không mạnh bằng pháo Avenger của A-10.

Khả năng cơ động và tốc độ cao của F-35 đồng nghĩa rằng nó sẽ không dễ bị tấn công, song tiêm kích thế hệ thứ năm này không bền được như A-10.

“Có nhiều rủi ro khi bay tiêm kích tàng hình trị giá 80 triệu USD này ở độ cao thấp trong môi trường nhiều tranh chấp nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ binh sĩ dưới mặt đất” - ông Flynn nói.

Khi nói về nét đặc trưng của Thần sấm II A-10, không có máy bay nào có thể thực sự thay thế được A-10 một cách hiệu quả, ngay cả sau ngần ấy năm. Mọi người sẽ nói với bạn rằng A-10 đã được chứng minh là vô giá” – ông Flynn đánh giá.

Nguồn: [Link nguồn]

F-35 của Mỹ giáp mặt tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc trên biển Hoa Đông

Các máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần giáp mặt nhau trên biển Hoa Đông, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc vừa tiết lộ sau khi một vị tướng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN