Tổng Giám đốc WHO nói về câu hỏi khi nào hết dịch COVID-19
Ông Tedros cho rằng thế giới có đủ công cụ để chống dịch COVID-19, còn các chuyên gia WHO nhấn mạnh các nước cần tiếp tục những biện pháp phòng dịch và quyết tâm hơn.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thế giới có đủ công cụ để chống dịch, kể cả biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) và điều cần làm là quyết tâm chống dịch theo các biện pháp đã được chứng minh là hiệu quả.
Trong cuộc họp báo ngày 30-7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết chỉ trong vòng một tuần, số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu đã tăng thêm hơn 4 triệu. Ông Tedros cho rằng trong vòng hai tuần tới, tổng số ca nhiễm sẽ chạm mức 200 triệu hoặc thậm chí cao hơn, theo nội dung toàn văn buổi họp báo được WHO đăng tải trên trang web chính thức.
Sự gia tăng nay được cho là liên quan tới biến thể Delta - biến thể nguy hiểm đã xuất hiện tại 132 quốc gia. Điều này đang đe dọa những thành tựu chống dịch mà nhiều nước không dễ dàng đạt được trong thời gian trước đó và làm quá tải hệ thống y tế ở nhiều nước. Nhu cầu oxy y tế đã tăng cao tại ít nhất 29 quốc gia và nhiều nước không đủ trang thiết bị cơ bản cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS
Ông Tedros nhắc tới câu hỏi mà cả thế giới đang quan tâm là khi nào đại dịch này sẽ kết thúc. Tổng Giám đốc WHO cho rằng đại dịch sẽ kết thúc “khi chúng ta chọn kết thúc” và câu trả lời “nằm trong tay chúng ta” bởi vì “chúng ta có tất cả những công cụ cần thiết” để phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị COVID-19.
Cũng trong buổi họp báo, Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, Maria van Kerkhove nhắc lại rằng Delta là một trong bốn biến thể đã được WHO xếp vào danh sách gây lo ngại toàn cầu. Biến thể Delta “đã chứng minh khả năng lây nhiễm tăng lên”, cao hơn cả khả năng lây nhiễm của biến thể Alpha đã gây ra đợt dịch hồi cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, bà Kerkhove nói rằng WHO “chưa nhận thấy sự gia tăng trong tỉ lệ tử vong” trên tổng số ca mắc COVID-19 liên quan tới biến thể Delta, dù số bệnh nhân nặng phải nhập viện đã gia tăng. Chuyên gia này lưu ý rằng các biện pháp chẩn đoán và phòng ngừa, bao gồm vaccine, COVID-19 hiện tại vẫn hiệu quả trước biến thể Delta.
Bà Kerkhove lưu ý rằng cần thêm thời gian để nghiên cứu về biến thể Delta và WHO đang hợp tác với các nước và các chuyên gia bên ngoài tiến hành hàng loạt thí nghiệm về biến thể này.
Bà Kerkhove nhấn mạnh rằng tất cả các loại vaccine đã được WHO phê duyệt khẩn cấp vẫn hiệu quả trong việc phòng ngừa tình trạng tử vong hoặc bệnh nặng ở người mắc COVID-19.
Giám đốc điều hành Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nhấn mạnh rằng dù virus SARS-CoV-2 biến đổi nhưng cách chống dịch “vẫn không thay đổi" khi “vaccine và tất cả các biện pháp khác vẫn rất hiệu quả, nếu được áp dụng một cách toàn diện, công bằng, bình đẳng và nhanh chóng”.
Ông Ryan cho rằng thế giới cần chống dịch tích cực hơn, hiệu quả hơn vì không có “viên đạn bạc”, bài thuốc tiên hay ma thuật nào giúp chống lại COVID-19. Ông Ryan nói rằng tuy vaccine được coi là cứu cánh, việc tiêm chủng phải được tiến hành một cách đồng đều trên khắp thế giới nếu không nỗ lực này sẽ phản tác dụng.
Ông Ryan cũng đề cập các biện pháp phòng dịch khác như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, khử khuẩn tay và giữ không gian sống thông thoáng.
Theo chuyên trang thống kê worldometers.info, toàn thế giới đã phát hiện gần 197,965 triệu ca nhiễm COVID-19, cao hơn con số thống kê của WHO. Trong số này, hơn 4,22 triệu trường hợp đã tử vong.
Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với tổng cộng gần 35,69 triệu ca nhiễm. Số ca mắc mới mỗi ngày tại Mỹ đã tăng nhanh từ đầu tháng 7 và đang cao gấp ít nhất hai lần so với số liệu tương ứng của bất kỳ nước nào khác. Tại các ổ dịch khác như Ấn Độ, Indonesia, Brazil… diễn biến dịch cũng xấu tương tự.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù biến chủng Delta đang lây lan ra khắp nơi trên thế giới, WHO vẫn cho rằng biến chủng này không chết chóc như tốc độ...