Thỏa thuận quân sự với Philippines và bước đi chiến lược của Mỹ

Thỏa thuận mới cho phép Mỹ triển khai thêm quân và khí tài lên nhiều căn cứ ở Philippines.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận mở rộng hiện diện quân sự ở Philippines. Theo đó, lực lượng Mỹ được phép sử dụng bốn căn cứ mới ở những vị trí chiến lược, đồng thời củng cố năng lực tại năm căn cứ mà họ đang triển khai quân.

Hiện đại hóa liên minh Mỹ - Philippines

Giới quan sát cho rằng thỏa thuận này được xem là sự hàn gắn tích cực của hai nước sau giai đoạn căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin, đây không phải thỏa thuận đồn trú vĩnh viễn đối với lực lượng Mỹ nhưng thực sự là một thỏa thuận lớn, nằm trong nỗ lực hiện đại hóa liên minh hai nước.

Lính Mỹ thuộc Trung đoàn pháo binh dã chiến số 7, Sư đoàn pháo binh 25 nạp một khẩu lựu pháo kéo hạng nhẹ M119A3 105 mm trong cuộc tập trận bắn đạn thật, phối hợp Balikatan 2022 tại căn cứ không quân Ernesto Rabina, tỉnh Tarlac (Philippines) ngày 31-3-2022. Ảnh: US ARMY

Lính Mỹ thuộc Trung đoàn pháo binh dã chiến số 7, Sư đoàn pháo binh 25 nạp một khẩu lựu pháo kéo hạng nhẹ M119A3 105 mm trong cuộc tập trận bắn đạn thật, phối hợp Balikatan 2022 tại căn cứ không quân Ernesto Rabina, tỉnh Tarlac (Philippines) ngày 31-3-2022. Ảnh: US ARMY

Kênh CNBC nhận định thỏa thuận nói trên thực tế là sự mở rộng của một thỏa thuận trước đó mang tên EDCA mà hai nước ký năm 2014. Thỏa thuận này cho phép diễn ra các hoạt động huấn luyện chung giữa quân đội hai nước. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự ở Philippines.

Ngoài việc mở rộng thỏa thuận EDCA, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Philippines hiện đại hóa quân đội. Gần đây hai bên đã nhất trí thực hiện hơn 500 hoạt động quân sự chung trong năm 2023. Đơn cử, quân đội Philippines vừa thông báo 16.000 binh sĩ của nước này và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên Balikatan dự kiến diễn ra vào tháng 4.

Hiện chưa có thông tin cụ thể về những căn cứ mới mà Mỹ chuẩn bị gửi quân. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr từ chối tiết lộ vị trí cụ thể của các căn cứ mới, lưu ý thêm rằng chính phủ nước này vẫn cần tham khảo ý kiến của người dân địa phương.

Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Gregory Poling nhận định rằng các địa điểm mới sẽ nằm trong “khu vực chiến lược” và có khả năng bao gồm các căn cứ hải quân và thủy quân lục chiến.

Tháng 11 năm ngoái, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines - tướng Bartolome Vicente Bacarro cho hay Washington đã xác định năm địa điểm tiềm năng ở Philippines để đặt căn cứ - gồm hai ở tỉnh Cagayan, một ở tỉnh Palawan, một ở tỉnh Zambales và một ở tỉnh Isabela.

Cagayan và Isabela đều nằm ở miền Bắc Philippines, trong đó Cagayan nằm rất gần đảo Đài Loan. Trong khi đó, Palawan là vị trí nhìn ra khu vực tây nam Biển Đông, theo tờ South China Morning Post.

Tác động ra sao?

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc (TQ) ngày càng tăng áp lực lên Đài Loan cũng như đẩy nhanh việc dựng căn cứ tại các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông đã làm cho Mỹ và Philippines phải tăng cường hợp tác. Chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Austin cũng khẳng định rằng chuyện Mỹ và Philippines nỗ lực hiện đại hóa liên minh “đặc biệt quan trọng khi TQ tiếp tục theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cáo buộc việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “hành động làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định khu vực”.

Trả lời South China Morning Post, cựu chuyên gia thuộc Không quân TQ - ông Phú Quảng Sao đánh giá rằng các căn cứ mới của Mỹ ở Philippines “tiềm ẩn mối đe dọa lớn với TQ” do nằm rất sát Đài Loan và Biển Đông.

“Nếu quân đội Mỹ đồn trú lâu dài ở các căn cứ này thì nó sẽ tác động lớn tới kế hoạch thống nhất Đài Loan của TQ, cũng như hoạt động của TQ trên Biển Đông” - ông Phú nói, đồng thời không loại trừ khả năng Mỹ gia tăng sức ép bằng cách triển khai tên lửa tầm trung ở các căn cứ mới.

Ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự ở Hong Kong, cho rằng việc được tiếp cận các căn cứ chiến lược như ở Palawan sẽ cho phép Mỹ giám sát các hoạt động của máy bay, tàu chiến, tàu ngầm TQ trên Biển Đông và gần quần đảo Trường Sa. Nếu Mỹ đưa tên lửa tầm trung tới các căn cứ này, đó sẽ là thông điệp “nhắm trực diện vào TQ”. Tên lửa đặt ở Palawan hoàn toàn có thể phong tỏa eo biển Ba Sĩ nằm giữa cực bắc của Philippines với Đài Loan. Đây là cửa ngõ tàu chiến cỡ lớn các nước thường sử dụng khi di chuyển từ Thái Bình Dương vào Biển Đông.

Trong khi đó, chuyên gia Jeffrey Hornung thuộc RAND Corporation (Viện Nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ) cho hay việc Mỹ tăng mạnh hiện diện quân sự tại Philippines sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới TQ và đóng vai trò rất quan trọng về mặt chiến lược, đặc biệt nếu các căn cứ mới được đặt ở phía cực bắc Philippines.

Philippines là mắt xích quan trọng của Mỹ ở châu Á

Trang tin Naval News dẫn một báo cáo mới đây của CSIS cho rằng Philippines được Mỹ xem là “địa điểm tiềm tàng để Mỹ tập trung lực lượng cho các động thái can thiệp” chống lại bất kỳ hành động nào từ TQ nhằm vào Đài Loan.

Theo báo cáo của CSIS, Mỹ sẽ không thể xây dựng được chiến lược khả thi nào để ứng phó với Bắc Kinh nếu không nhận được sự hợp tác mạnh mẽ từ các đồng minh khu vực như Philippines và Nhật. “Hai nước này cũng rất quan trọng trong việc vạch ra phản ứng với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra với Đài Loan” - theo CSIS.

Theo chuyên gia Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, việc tăng cường hiện diện của binh sĩ Mỹ còn có tác dụng trấn an và củng cố niềm tin cho đồng minh Philippines “trong bối cảnh an ninh nhiều rủi ro như hiện nay”.

Nguồn: [Link nguồn]

Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự trên Biển Đông

Lo ngại trước tình hình căng thẳng leo thăng ở khu vực, Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Manila trên Biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN