Thăm "thánh địa ướp xác" chờ ngày sống lại ở Mỹ

Sự kiện: Bí ẩn khoa học

Có một số bằng chứng khoa học khiến không ít người cho rằng ướp xác đông lạnh chờ hồi sinh là việc khả thi. Thậm chí, một số nhà tài trợ còn chi hàng triệu USD để xây dựng một “thánh địa” cho “những người chờ hồi sinh”.

Ảnh minh họa: Steven Klein

Ảnh minh họa: Steven Klein

Cryonics (ướp xác chờ hồi sinh) là kỹ thuật đóng băng thi thể hoặc phần đầu thi thể, với hy vọng thi thể sẽ được chữa trị và hồi sinh nhờ công nghệ phát triển trong tương lai. Cryonics từng bị các chuyên gia y tế xem như một câu chuyện phiếm, hoang đường, nhưng trong nửa thế kỷ gần đây, khoa học về Cryonics đã phát triển mạnh và không còn bị xem là quá viển vông. Dẫu vậy, nó vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Loạt bài lần này sẽ mang tới cho độc giả cái nhìn chi tiết về quá trình "ướp xác chờ hồi sinh". 

Điều kiện khắt khe 

Trong nhiều thế kỷ, các nhà vật lý, nhà văn và nhà triết học trên thế giới đã tranh cãi về việc liệu du hành thời gian có khả thi hay không, và hầu hết đều đi đến kết luận rằng điều đó là không thể.

Tuy nhiên, trên một khu đất rộng hơn 300 hecta gần thị trấn nhỏ Comfort, bang Texas, Mỹ, một nhóm các kiến trúc sư, kỹ sư và nhà khoa học đã và đang chế tạo một Timeship (tạm dịch: Tàu Thời gian) mà họ cho rằng có thể đưa hàng chục nghìn người tới tương lai.

Cách tiếp cận của họ không liên quan tới việc di chuyển bằng cỗ máy thời gian, với tốc độ ánh sáng, xuyên qua các vết đứt gãy thời gian như trong phim khoa học viễn tưởng. Thay vào đó, Timeship được lập ra nhằm mục đích bảo quản thi thể người một cách toàn vẹn ở nhiệt độ thấp cho tới khi gặp một nền văn minh trong tương lai có đủ khả năng để hồi sinh họ. Đây cũng là phần chính trong khái niệm về kỹ thuật Cryonics (ướp xác đông lạnh chờ hồi sinh hay đóng băng thi thể chờ hồi sinh).

Stephen Valentine, giám đốc và kiến trúc sư chính của dự án Timeship, cho biết: "Cũng giống như một con tàu vũ trụ cho phép con người bay vào không gian, Timeship sẽ cho phép con người du hành đến một thời điểm trong tương lai".

Ông Valentine được trao một khoản ngân sách hàng triệu USD từ các nhà tài trợ ẩn danh để phát triển một "thánh địa" cho việc ướp xác chờ hồi sinh và kéo dài tuổi thọ.

Mô phỏng một khu vực ướp xác chờ hồi sinh trong Timeship. Ảnh: Timeship

Mô phỏng một khu vực ướp xác chờ hồi sinh trong Timeship. Ảnh: Timeship

Toàn bộ cơ sở trong dự án Timeship sẽ không kết nối với lưới điện mà sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời để tránh sự cố mất điện. Vị trí được lựa chọn cho dự án này cũng rất kỹ lưỡng, phải tránh các khu vực dễ xảy ra động đất, lốc xoáy, bão tuyết hay bất kỳ sự gián đoạn nào có thể ảnh hưởng tới Timeship trong nhiều thế kỷ.

"Bạn chắc chắn sẽ không muốn đặt Timeship gần một căn cứ quân sự hay một nhà máy hạt nhân", Valentine nói.

Vị kiến trúc sư chính của dự án Timeship đã dành 5 năm để tìm kiếm và thiết kế địa điểm của dự án Timeship, đồng thời dành thời gian nghiên cứu các kim tự tháp, mộ cổ, pháo đài thời Trung Cổ - bất cứ công trình kiến trúc nào tồn tại được trước sự khắc nghiệt của thời gian. Valentine thậm chí còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia về cách bảo vệ những "người du hành bị đóng băng" khỏi tác động nếu một quả bom hạt nhân 2 megaton phát nổ.

Thiết kế của Timeship là một sự kết hợp giữa tàu vũ trụ và lâu đài hoành tráng, với những bức tường dày, thấp, bao quanh một phòng giống lăng mộ ở giữa. Căn phòng đó là nơi lưu giữ các khoang chứa thi thể đông lạnh với độ bảo mật an ninh nghiêm ngặt.

Ông Valentine cho biết, các nhà khoa học sẽ sử dụng nitơ lỏng với nhiệt độ khoảng âm 130 độ C để bảo quản thi thể. Các khoang chứa này có thể duy trì nhiệt độ thấp mà không cần nguồn điện và không cần bảo dưỡng trong nhiều tháng.

Bằng chứng khả thi?

 Bên trong một cơ sở Cryonics ở thành phố Scottsdale, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: AP

 Bên trong một cơ sở Cryonics ở thành phố Scottsdale, bang Arizona, Mỹ. Ảnh: AP

Ý tưởng đóng băng thi thể chờ hồi sinh không phải mới. Vào tháng 1/1967, bệnh nhân ung thư James Bedford trở thành người đầu tiên được đóng băng thi thể. Thi thể của Bedford vẫn được bảo quản lạnh cho tới ngày nay trong một khoang chứa, do chuyên gia đông lạnh người Mỹ Edward Hope thiết kế. 

Kể từ đó, nhiều tổ chức và công ty khác nhau đã cung cấp các dịch vụ tương tự. Hầu hết sử dụng kỹ thuật đông lạnh thô sơ và bảo quản thi thể sai cách. 

Ngày nay, đông lạnh tế bào gốc của người, tinh trùng, trứng, phôi và các mô nhỏ là công nghệ thường thấy trong các nghiên cứu khoa học và y học sinh sản ở nhiều quốc gia. 

Vitrification (tạm dịch: Thủy tinh hóa) là kỹ thuật bước ngoặt của quá trình đóng băng thi thể chờ hồi sinh. Được phát triển vào đầu những năm 2000, kỹ thuật này là một cách để khắc phục tình trạng đóng băng ở trong và xung quanh tế bào. 

Tình trạng đóng băng khiến các nhà khoa học đau đầu vì nó có thể gây ra sự khác biệt đáng kể về nồng độ bên trong và bên ngoài tế bào, hút nước khỏi và phá hủy tế bào. 

Cuối năm 2002 và đầu năm 2003, một nhóm do nhà khoa học Gregory Fahy - người đi tiên phong trong kỹ thuật Vitrification - đã sử dụng một loại hỗn hợp, gồm chất chống đông và hóa chất để bảo quản lạnh một quả thận thỏ. Quả thận này dường như hoạt động bình thường sau khi được rã đông và cấy ghép trở lại vào con thỏ. 

Một số kết quả khác khiến nhiều người như Valentine ủng hộ dự án Timeship và cho thấy sự khả thi của đóng băng chờ hồi sinh. 

Năm 2015, một nhóm nhà khoa học tới từ công ty 21st Century Medicine (Mỹ) tuyên bố đã phát triển một kỹ thuật thủy tinh hóa mới, giúp bảo quản não lợn và thỏ mà không có bất kỳ tổn thương nào. Cùng năm đó, các nhà khoa học của Alcor, công ty liên kết với dự án Timeship, phát hiện những con giun cực nhỏ, được đông lạnh và rã đông, không những sống sót mà còn có thể "ghi nhớ" những gì chúng được huấn luyện trước khi bị đóng băng. 

Với Valentine và cộng đồng những người ủng hộ Cryonics, các phát hiện trên là bằng chứng cho thấy, nếu áp dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất thì các bộ phận cơ thể, não hay thậm chí cả ký ức cũng như tính cách của con người có thể tồn tại hoặc được giữ lại khi bị đóng băng chờ hồi sinh.  

Tuy nhiên, Cryonics khiến nhiều người hoài nghi ở chỗ nó phụ thuộc vào công nghệ chưa tồn tại. Bảo quản thi thể mới chỉ là một nửa chặng đường, nửa còn lại phụ thuộc vào công nghệ giúp hồi sinh thi thể. Đó là công nghệ không tồn tại ở thời điểm hiện tại.

Xử lý thi thể như thế nào?

Ảnh minh họa: Daily Beast

Ảnh minh họa: Daily Beast

Theo Sky News, khi một người được tuyên bố là đã chết một cách hợp pháp, điều đầu tiên mà đội xử lý thi thể phải làm là đảm bảo rằng máu của người đó vẫn tiếp tục được bơm khắp cơ thể.

Tốc độ là điều cốt yếu. Đội xử lý sẽ có mặt ở bệnh viện trước khi người đó qua đời để xử lý mọi việc kịp thời. 

Sau khi được xử lý, thi thể được tiêm nhiều hóa chất khác nhau để giảm nguy cơ đông máu và tránh tổn thương não. Thi thể sau đó được làm mát ở mức nhiệt gần 0 độ C và máu được loại bỏ khỏi thi thể. 

Các mạch máu được tiêm một chất chống đông để ngăn các bộ phận bên trong cơ thể và các mô bị đóng băng. Thi thể sau đó được giữ ở nhiệt độ âm 130 độ C. 

Khi xử lý xong, thi thể được đặt trong một khoang chứa. Khoang chứa này được ngâm trong một bình chứa nitơ lỏng, giữ nhiệt độ ở mức âm 196 độ C. Cuối cùng, khoang chứa có thi thể được chuyển tới cơ sở lưu trữ.

-----------------------

Trong tương lai, nếu được hồi sinh thành công, người "sống lại" có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức gì? Mời độc giả đón đọc trong bài tiếp theo đăng trên mục Thế giới, sáng sớm 21/11/2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Đóng băng chờ hồi sinh trong đại dịch Covid-19

Hàng triệu người tử vong vì dịch Covid-19 dường như thúc đẩy nhiều người hơn kỳ vọng vào việc đóng băng chờ hồi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN