Sự trỗi dậy và sụp đổ của đế chế tội phạm ở Laukkaing

Trước những năm 2000, nhiều người Myanmar không hề biết đến sự tồn tại của một thị trấn hẻo lánh mang tên Laukkaing ở gần biên giới giữa nước họ và Trung Quốc. Vậy mà từ hơn 10 năm trở lại đây, danh tiếng của thành phố này đã vượt ra biên giới Myanmar và lan ra khắp Đông Nam Á.

Laukkaing được mệnh danh là “Las Vegas của Myanmar” và là tụ điểm của những con bạc đến từ Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, v.v... Người đem lại sự phồn thịnh cho Laukkaing là đầu lĩnh Bành Gia Thắng, một “lãnh chúa” theo đúng nghĩa giữa thời hiện đại. Tuy vậy, sau 2 năm kể từ cái chết của Bành Gia Thắng, đế chế tội phạm Laukkaing mà ông ta xây dựng đã đến giờ sụp đổ.

“Thủ đô lừa đảo”

Laukkaing còn có một biệt danh khác: “Thủ đô lừa đảo”. Theo ước tính của cảnh sát Trung Quốc, có ít nhất 100.000 người nước ngoài đang làm việc cho các “trung tâm lừa đảo” ở Laukkaing. Đa số các cá nhân này là người trẻ, biết ngoại ngữ, có kiến thức công nghệ nhưng lại không tìm được việc ở nước họ. Các tập đoàn tội phạm ở Laukkaing bèn đăng tin tuyển lao động nước ngoài, rồi khi chở được nạn nhân đến biên giới Myanmar thì ép buộc họ phải đi làm việc lừa đảo cho chúng.

Một trong các nạn nhân bị mafia Laukkaing lừa là Dương Vệ Tân (35 tuổi) vốn làm nghề mát xa ở Đài Loan. Sau khi cha anh bị đột quỵ, Vệ Tân buộc phải đi tìm công việc khác. Đúng lúc đó, anh nhìn thấy quảng cáo tuyển nhân viên mát xa ở thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia. Vệ Tân bèn đăng ký và được nhận vào làm ngay.

Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ Minh Chân Chân và Minh Quốc Bình (hai người bị còng tay) tại biên giới.

Cảnh sát Trung Quốc bắt giữ Minh Chân Chân và Minh Quốc Bình (hai người bị còng tay) tại biên giới.

Nạn nhân kể lại những gì xảy ra sau đó: “Tôi vừa xuống sân bay Phnom Pênh thì có 4 người đàn ông đưa ngay lên ô tô. Chúng tôi chạy xe lâu lắm. Cuối cùng, họ dừng xe trước một ngôi nhà dài 3 tầng trên con đường vắng gần như chẳng có người ở. Họ đưa tôi vào một căn phòng trống rỗng, lấy hết tiền bạc và giấy tờ tùy thân của tôi, rồi nói là nếu tôi muốn trở về nhà thì phải làm việc cho họ”.

Các nạn nhân như anh Dương Vệ Tân bị buộc ngồi trước máy tính hơn chục giờ mỗi ngày. Bọn mafia bắt họ phải đi lừa người nước ngoài qua mạng internet, quản lý các sàn cá độ, đánh bài online, thậm chí là tham gia quy trình rửa tiền. Một thanh niên Việt Nam bị lừa nói với phóng viên hãng tin BBC: “Họ bắt tôi hằng ngày giả làm đàn bà để làm quen được với ít nhất 15 người trên mạng, sau đó mời chào họ chuyển tiền vào các tài khoản đánh bạc và chơi xổ số online... Người quản lý tôi nói rằng phải luôn ở trong phòng, còn nếu tôi có bất kỳ hành động đào thoát nào thì sẽ bị đưa đến phòng tra tấn”.

Các nạn nhân khác cũng cho biết, nếu họ không đạt đủ quota của bọn tội phạm thì sẽ bị bỏ đói, đánh đập và chích điện. Một nạn nhân người Việt giấu tên chỉ mới 15 tuổi bị đánh đến mức khuôn mặt biến dạng. Tuy cô bé đã trở về nhà nhưng phải bỏ học vì xấu hổ trước bạn bè. Một người đàn ông Việt Nam khác bị buộc tay vào thành giường, bị đánh và chích điện, rồi bị chụp ảnh để đòi tiền chuộc. Nhiều gia đình nạn nhân phải trả hơn 2.000 $ gọi là “trả nợ” cho thân nhân thì mới đưa được người thân về.

Jan Santiago, phát ngôn viên của Tổ chức Chống lừa đảo quốc tế (GASO) đặt trụ sở ở Singapore, cho biết: “Những trung tâm lừa đảo ở miền Bắc Myanmar hoạt động không khác gì các doanh nghiệp. Chúng cũng có giám đốc, các phòng ban IT, kế toán, có quota và chỉ tiêu bán hàng, thậm chí còn tổ chức đào tạo “nhân viên” đi lừa đảo nữa”.

Lừa đảo và rửa tiền tại Laukkaing có quan hệ trực tiếp đến ngành kinh doanh cờ bạc ở đây. Không những mafia Tam Hoàng kiểm soát cả các sòng bạc lẫn trung tâm lừa đảo, mà lợi nhuận thu được từ lừa đảo cũng được đem đi “rửa” ở sòng bạc và ngược lại. Các website đánh bạc đặt server ở sòng bài trở thành bình phong cho những kẻ rửa tiền. Nạn nhân của bọn buôn người thì bị buộc hoặc là trở thành kẻ lừa đảo, hoặc là đi làm ở các sòng bạc. Các tập đoàn tội phạm ở Laukkaing đã tạo ra một bộ máy kiếm lời trị giá hàng trăm triệu USD chạy bằng xương máu các nạn nhân của chúng.

Mảnh đất hỗn loạn

Quay trở lại câu chuyện Bành Gia Thắng, trước hết chúng ta phải nói về thân thế của hắn. Gia Thắng sinh năm 1931 ở Kokang, miền Bắc bang Shang của Myanmar. Thời trẻ Gia Thắng là tổng chỉ huy quân đội dưới quyền vua người Shan Sao Edward Yang Kyein Tsai. Chính phủ quân sự ở Yangon lật đổ vua người Shan, Gia Thắng bèn đứng lên lãnh đạo lực lượng kháng chiến chống quân đội trung ương.

Bạch Sở Thành được bàn giao cho cảnh sát Trung Quốc áp giải ở sân bay quốc tế Naypyidaw.

Bạch Sở Thành được bàn giao cho cảnh sát Trung Quốc áp giải ở sân bay quốc tế Naypyidaw.

Bành Gia Thắng lập ra nhóm vũ trang của riêng mình mang tên gọi Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA). MNDAA ký hiệp định ngừng bắn với quân đội chính phủ để đổi lại việc Bành Gia Thắng và gia đình của hắn được trực tiếp cai quản vùng tự trị Kokang.

Người Shan luôn sống trong cảnh đói nghèo bởi đất đai của họ không màu mỡ. Chỉ có trồng cây anh túc thì người Shan mới kiếm đủ ăn. Nhà báo Bertil Lintner (Thụy Điển) đã có nhiều năm thường trực tại Myanmar, cho viết: “Bành Gia Thắng mở nhà máy chế biến thuốc phiện đầu tiên tại Kokang vào thập niên 1970. Sau khi hắn trở thành “lãnh chúa” chính thức của Kokang thì lập tức ra lệnh hợp pháp hóa việc trồng, chế biến và mua bán ma túy. Điều đó đặt Chính phủ Myanmar vào thế khó xử. Họ muốn Myanmar thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào ma túy để hội nhập quốc tế, nhưng cũng không muốn làm phật lòng Bành Gia Thắng và MNDAA.

Cuối cùng thì vào đầu những năm 2000, Bành Gia Thắng phải giảm quy mô ngành sản xuất, buôn bán ma túy trong lãnh thổ của mình do bị Yangon gây sức ép. Hắn quay sang phát triển ngành đánh bạc. Các sòng bài tại Laukkaing “ăn nên làm ra” bởi Trung Quốc cấm đánh bạc, các con bạc người Hoa đổ hết sang Myanmar để thỏa mãn nhu cầu của mình. Tội phạm có tổ chức tại Kokang hình thành và mở rộng nhanh chóng, một số là của người bản địa, số khác do thành viên Hội Tam Hoàng từ Trung Quốc sáng lập ra. Các phe phái liên minh hay tranh đấu với nhau đến lúc chỉ còn 4 gia đình mafia đứng đầu “thế giới ngầm” Laukkaing. Chúng được lãnh đạo bởi 4 ông trùm lần lượt là Bạch Sở Thành, Duy Siêu Nhân, Lưu Quách Hi và Lưu Chưng Tương.

Bạch Sở Thành vốn là phó tổng chỉ huy của MNDAA. Hắn và Bành Gia Thắng vừa tranh chấp quyền lực, vừa bất đồng quan điểm. Bành Gia Thắng và đa phần quân tướng của MNDAA phản đối việc sát nhập nhóm vũ trang này vào quân đội chính phủ, nhưng Bạch Sở Thành lại ủng hộ việc đó. Vào ngày 8/8/2009, quân đội Myanmar bất ngờ đột kích nhà riêng và nhà máy sản xuất súng của Gia Thắng do nghi ngờ có chứa chấp ma túy. Căng thẳng dâng cao giữa quân đội chính phủ và quân MNDAA. Đến ngày 27/8/2009 thì quân chính phủ tiến vào chiếm đóng Laukkaing. Xung đột nổ ra giữa hai bên.

Bạch Sở Thành đến tận thời điểm trên mới chịu “ra mặt” phản bội Bành Gia Thắng. Hắn dẫn quân quy phục tướng Min Aung Hlaing, khi đó là chỉ huy của Bộ chỉ huy vùng Tam giác Vàng ở bang Đông Shan. Bành Gia Thắng và quân MNDAA không chống đỡ nổi quân đội chính phủ nên đành phải chạy qua Trung Quốc. Bạch Sở Thành cùng 3 ông trùm mafia kia bèn lên nắm quyền cai quản khu tự trị Kokang.

Dưới chế độ cai trị của mafia, Laukkaing trở nên giàu có vô kể. Những khu xóm lụp xụp được thay bằng nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Siêu xe đi lại tấp nập trên đường phố Laukkaing, còn đằng sau bức tường biệt thự các ông trùm là khu vườn “thượng uyển” nuôi nào là hổ, công, trăn, v.v... Bọn tội phạm lấy lợi nhuận từ cờ bạc, lừa đảo và rửa tiền để đầu tư vào công trình cơ sở hạ tầng trong và ngoài Myanmar. Chúng còn liên kết với các tập đoàn tội phạm ở Macao, Malaysia, Australia, v.v... để phục vụ việc lừa bán người nước ngoài.

Sự sụp đổ

Những tưởng quyền lực của 4 gia đình mafia Laukkaing đã lên đến đỉnh điểm khi tướng Min Aung Hlaing trở thành Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar sau cuộc đảo chính năm 2021, nhưng chính ông Hlaing là người đã phát động chiến dịch diệt trừ tội phạm ma túy ở biên giới phía Bắc. Chính phủ Bắc Kinh từ lâu đã muốn “nhổ tận gốc” các tập đoàn tội phạm ở Kokang, nhưng phải đến tận năm 2023 thì họ mới gây đủ sức ép lên chính phủ quân sự Myanmar để mở chiến dịch.

Trong nửa đầu năm 2023, nhà chức trách Trung Quốc và Myanmar đã đóng cửa hàng chục trung tâm lừa đảo và bắt giữ hơn 80 đối tượng có liên quan. Giữa lúc đó thì xảy ra vụ việc ngày 20/10. Vào sáng sớm hôm đó, bọn mafia dưới quyền chỉ huy của Minh Học Xương (cấp dưới của Bạch Sở Thành) chuẩn bị chuyển một nhóm nạn nhân từ khu biệt thự “Ngọa Hổ” đi nơi khác nhằm tránh cảnh sát Trung Quốc. Một toán nạn nhân khoảng 50-100 người chớp lấy thời cơ bỏ chạy và bị bọn mafia bắn vào sau lưng. Số nạn nhân tử vong không dưới 30 người, trong đó nhiều người mang quốc tịch Trung Quốc.

Vụ thảm sát ngày 20/10 là “giọt nước tràn ly” đối với Bắc Kinh. Họ một mặt ra lệnh truy nã các đối tượng lãnh đạo đế chế tội phạm Laukkaing, mặt khác điều cảnh sát cơ động truy quét toàn bộ tỉnh Vân Nam sát biên giới. Naypyidaw chịu áp lực từ Bắc Kinh nên cũng phải đưa ra hành động mạnh tay. Cuối cùng thì Minh Học Xương bị quân đội Myanmar bắt vào cuối năm ngoái. Quân đội sau đó tuyên bố Học Xương đã tự tử ngay sau khi bị bắt. Con trai là Minh Quốc Bình và cháu gái Minh Chân Chân của hắn bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ vào tháng 1 vừa qua. Nhưng, chiến tích lớn nhất của cảnh sát hai nước là bắt được Bạch Sở Thành. Hắn cùng với 9 đối tượng tội phạm khác đã bị Myanmar trục xuất sang Trung Quốc vào ngày 30/1/2024. Vì Lưu Quách Hi đã mất vào năm 2020 nên chỉ còn hai ông trùm Duy Siêu Nhân và Lưu Chưng Tương còn ở ngoài vòng pháp luật. Cả hai đang lẩn trốn không rõ tung tích.

Ngoài nhà chức trách thì các tập đoàn tội phạm Laukkaing còn phải đối phó với một kẻ thù khác: MNDAA. Bành Gia Thắng dành những năm cuối đời mình để gây dựng lại lực lượng MNDAA. Quân hắn thậm chí từng tiến đánh bất thành vùng Kokang vào năm 2015. Bành Gia Thắng mất năm 2022. Đám tang linh đình của hắn có sự hiện diện của cả những kẻ thù cũ như Bạch Sở Thành. Con của hắn lên thay cha nắm quyền. Con trai Bành Đại Huân là tổng chỉ huy MNDAA, con rể Ngô Tái Lâm là chủ tịch chính trị.

Sau khi nội chiến Myanmar nổ ra, MNDAA liên minh với 2 nhóm nổi dậy khác ở bang Shang là Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang (TNLA) để thành lập cái gọi là “Liên minh anh em”. Sau nhiều tháng giao tranh, cuối cùng Liên minh anh em đã đánh bật quân đội chính phủ khỏi Laukkaing và chiếm được đô thị này vào ngày 5/1 vừa qua.

Quân MNDAA ra tuyên bố sẽ diệt trừ toàn bộ các tổ chức tội phạm ở Laukkaing và trao trả hết các nạn nhân bị lừa trở về nước. Quả thật, đã có hàng trăm nạn nhân người Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia v.v... được trở về từ “địa ngục” Laukkaing. Giới quan sát tuy vậy vẫn tỏ ra thận trọng về Laukkaing nói riêng và khu tự trị Kokang nói chung. Họ không rõ liệu tình hình ở đây sẽ sớm trở lại bình thường và liệu MNDAA có giữ đúng lời hứa của mình hay không.

Nguồn: [Link nguồn]

Liên minh vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số Myanmar vừa giành được một thị trấn phía bắc của nước này, nơi khét tiếng với hoạt động lừa đảo trực...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Công Vũ ([Tên nguồn])
Tin tức Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN