'Sự bành trướng của Bắc Kinh đe dọa hệ sinh thái Biển Đông'

Theo Viện ORF, các hoạt động bành trướng của Trung Quốc gây tổn hại đến hệ sinh thái tại Biển Đông, ảnh hưởng an ninh lương thực và năng lượng của các nước khu vực.

Hãng tin ANInews (Ấn Độ) ngày 10-3 dẫn báo cáo của Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) đánh giá các hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây tổn hại đến hệ sinh thái tại vùng biển này, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của các quốc gia khu vực.

Báo cáo của ORF, do chuyên gia Pratnashree Basu và Aadya Chaturvedi thực hiện, đã phân tích tác động từ các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đến môi trường sinh thái.

Theo báo cáo, việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo, hoạt động khoan, khai thác dầu khí và hoạt động đánh bắt cá quá mức tại Biển Đông đã đẩy hệ sinh thái biển tại khu vực xuống mức tổn hại nghiêm trọng, dẫn đến sự phá hủy các rạn san hô và các sinh vật biển.

Đe dọa nguồn thủy hải sản tại Biển Đông

Hệ sinh thái biển tại Biển Đông đang chịu áp lực khi đây được xem là một trong những tuyến đường biển quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới.

Biển Đông hiện đối mặt tình trạng Trung Quốc đánh bắt thủy sản quá mức, khai thác ngao, hoạt động nạo vét để xây dựng các đảo nhân tạo trái phép và tình trạng khai thác dầu khí bằng phương pháp thủy lực cắt phá (hydrofracking).

Thuyền đánh cá mang cờ Trung Quốc tại một bến cảng ở tỉnh Hải Nam. Ảnh: REUTERS

Thuyền đánh cá mang cờ Trung Quốc tại một bến cảng ở tỉnh Hải Nam. Ảnh: REUTERS

Hơn nữa, nhiệt độ nước biển và mực nước biển tăng do biến đổi khí hậu càng dẫn đến những thiệt hại lâu dài tại khu vực này.

Đối với Trung Quốc, thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực phục vụ dân số đang phát triển của nước này. 

Ước tính đến năm 2030, nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 38% lượng tiêu thụ cá toàn cầu. 

Tình trạng đánh bắt cá quá mức, bất hợp pháp và không được kiểm soát đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng trữ lượng cá ở những khu vực ven biển Trung Quốc.

Quốc gia này đã mất một nửa diện tích đất ngập nước ven biển, 57% rừng ngập mặn và 80% rạn san hô trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của mình - những yếu tố rất quan trọng đối với việc sinh sản, nuôi dưỡng và kiếm ăn của các loài thủy hải sản.

Hơn nữa, ngư dân Trung Quốc đang tiến ra các vùng biển xa hơn và sâu hơn, cũng như sử dụng các kỹ thuật đánh bắt cá như dùng hóa chất Cyanide hay sử dụng chất nổ. Điều này đã và đang gây ra thiệt hại đến sinh vật biển.

Các phương pháp như nổ mìn hay sử dụng hóa chất Cyanide sẽ giết chết hoặc tác động đến hệ thần kinh của cá cùng một lúc, từ đó ngư dân có thể tăng sản lượng cá mỗi lần đánh bắt. 

Các vụ nổ không chỉ giết chết các loài thủy sản mà còn phá hủy các rạn san hô, vốn là nơi sinh sản các các loài sinh vật biển. 

Trong khi đó, hóa chất Cyanide sẽ đẩy nhanh quá trình tẩy trắng các rạn san hô và đôi khi giết chết chúng hoàn toàn. Ngư dân Trung Quốc còn sử dựng các phương pháp này ở những vùng biển sâu hơn, khiến đáy biển cũng chịu ảnh hưởng.

Hệ quả từ hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc

Theo báo cáo, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông với cái gọi là "đường chín đoạn", cải tạo các đảo và đá ngầm bằng cách mở rộng kích thước hoặc tạo ra các bãi đá mới.

Báo cáo nêu rõ việc Trung Quốc xây dựng phi pháp các khu cảng, tiền đồn quân sự và đường băng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã dẫn đến việc phá hủy các bãi đá ngầm.

Một rạn san hô tại quần đảo Trường Sa bị tàu cá có gắn chân vịt của Trung Quốc tàn phá năm 2016. Ảnh: BENARNEWS

Một rạn san hô tại quần đảo Trường Sa bị tàu cá có gắn chân vịt của Trung Quốc tàn phá năm 2016. Ảnh: BENARNEWS

Việc nạo vét tại những hòn đảo này theo chuyển động tới lui, cắt xuyên qua mọi loại vật chất từ đá cứng đến trầm tích mềm đã “phá hủy mọi sự sống trên đường đi của nó”.

Sự gia tăng trầm tích trong các cột nước của những rạn san hô này cũng làm giảm khả năng hấp thụ và chất diệp lục trong khu vực, vốn cần thiết cho sự tồn tại của thực vật phù du - nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều loại sinh vật biển, báo cáo của ORF cho biết.

Những hoạt động này đã làm tăng độ đục và bồi lắng trên các đầm phá xung quanh các rạn san hô này. Điều này khiến các loài san hô sống bị chôn vùi và chết dưới các bãi đá ngầm do các hoạt động xây dựng. Một khi rạn san hô đã bị chôn vùi dưới hàng tấn cát và sỏi, nó gần như đã chết.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tiến hành hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi với phương pháp thủy lực cắt phá cũng gây ra mối nguy hiểm đáng kể cho môi trường. 

Các hoạt động này thải ra một lượng lớn chất lỏng, chất rắn và khí vào nước, gây tổn hại đến hệ sinh thái và gây nguy hiểm cho các loài sinh vật sống dưới biển, ORF báo cáo.

Các cuộc khảo sát địa chấn sơ bộ, việc lắp đặt và khoan, sản xuất hydrocacbon hay vận chuyển dầu và khí tự nhiên cũng tác động đến đáy biển.

Các hoạt động khoan thải loại các loại chất thải như bùn, mảnh vỡ và nước thải vào đại dương, cũng như thải ra các loại khí thải độc hại.

Biển Đông là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn dầu khí và hải sản phong phú, là tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá 5.000 tỉ USD mỗi năm.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, gồm cả những vùng biển của các láng giềng Đông Nam Á, và hàng năm áp đặt lệnh cấm đánh cá trái phép trong phạm vi lên tới hai phần ba diện tích vùng biển này.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc “thà một lần đau”, giải quyết cho xong vấn đề Hong Kong?

Trung Quốc được cho là đã sẵn sàng đón nhận nỗi đau trong ngắn hạn và thậm chí là phản ứng từ phương Tây để cải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN