Sai lầm khiến Singapore "nếm trái đắng" vì Covid-19

Singapore là một trong những quốc gia Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sớm nhất khi một du khách Trung Quốc dương tính với virus đến nước này vào ngày 23.1. Những ngày sau đó, Singapore được đánh giá là có những phản ứng khá tốt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, tuy nhiên, sai lầm nghiêm trọng đã khiến dịch bệnh bùng phát trở lại tại đảo quốc sư tử.

Khi dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện tại Singapore, nước này đã nỗ lực kiểm tra dịch tễ tại các sân bay, địa điểm công cộng, truy vết và theo dõi chặt chẽ những người có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19…

Tất cả những cố gắng của Singapore đã được đền đáp xứng đáng khi số ca nhiễm giảm mạnh vào đầu tháng 3. Tổng Giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từng ca ngợi và gọi mô hình chống dịch Covid-19 của Singapore là “một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận phòng chống Covid-19”.

Trong nhiều tuần, Singapore đã duy trì số ca nhiễm mới virus ở mức thấp và có thể kiểm soát. Nước này cũng không áp dụng quy định nào thực sự được coi là hạn chế tiếp xúc xã hội và cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường.

“Tình hình dịch bệnh tại Singapore được kiểm soát và đã duy trì cho đến giữa tháng 3”, giáo sư Yik-Ying Teo, chuyên gia y tế tại Đại học Y tế công cộng Saw Swee Hock (Singapore), nhận xét.

Người dân Singapore đeo khẩu trang gần tượng sư tử mình cá nổi tiếng (ảnh: BBC)

Người dân Singapore đeo khẩu trang gần tượng sư tử mình cá nổi tiếng (ảnh: BBC)

Tuy nhiên, khi dịch bệnh bắt đầu lây lan với quy mô rộng hơn tại nhiều nước trên thế giới, các quốc gia bắt đầu hối thúc công dân của họ trở về nhà. Hàng ngàn người đã trở về Singapore từ vùng có dịch và trong số đó, ít nhất đã có hơn 500 người mang theo virus.

Singapore bắt buộc người trở về phải tự cách ly tại nhà trong 2 tuần, thay vì cho họ ở trong các cơ sở y tế. Thêm vào đó, thành viên trong gia đình của những người đang cách ly vẫn được tiếp tục cuộc sống thường ngày của mình, nếu không biểu hiện triệu chứng nhiễm virus.

Điều này đã khiến Covid-19 bùng phát trở lại tại Singapore vì theo các chuyên gia y tế, những người nhiễm Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao cho người thân của họ khi sống chung một nhà.

Phần lớn các ca nhiễm mới Covid-19 trong nước tại Singapore đều có liên quan đến người nhập cảnh, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng dễ dàng tìm được nguồn lây lan.

Khu tập thể lao động đang là ổ dịch tại Singapore (ảnh: SCMP)

Khu tập thể lao động đang là ổ dịch tại Singapore (ảnh: SCMP)

Giáo sư Teo cho rằng, sai lầm dễ thấy nhất của Singapore đó là không giới hạn một cách tối đa sự tiếp xúc của những trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch về với người trong nước.

“Hiện tại, chúng ta đã biết rõ về dịch bệnh này hơn so với hồi đầu tháng 3. Sự lây nhiễm virus từ những người không có triệu chứng là hoàn toàn có thể xảy ra và đó có thể nguyên nhân khiến Covid-19 lây lan nhanh chóng”, giáo sư Teo cho biết.

Singapore hiện đã thắt chặt hơn việc quản lý các trường hợp nhập cảnh từ vùng có dịch. Người nhập cảnh về nước sẽ được đưa tới các cơ sở kiểm dịch của chính phủ. Hôm 7.4, Singapore đã đưa ra một đạo luật mới, gần như là một lệnh phong tỏa cả nước.

Người dân sẽ bị cấm rời khỏi nhà trừ các trường hợp thực sự cần thiết. Nếu vi phạm có thể bị phạt tiền tới 7.000 USD, thậm chí là 6 tháng tù giam.

Giáo sư Teo cho rằng, các biện pháp đang được thực hiện sẽ sớm phát huy hiệu quả mặc dù số lượng các ca nhiễm vẫn có thể gia tăng trong những ngày tới.

Một quán cà phê tại Hồng Kông hôm 29.3 (ảnh: Reuters)

Một quán cà phê tại Hồng Kông hôm 29.3 (ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng theo cấp số nhân trong tuần vừa qua tại Singapore là rất đáng báo động, đặc biệt là trong các khu ở tập thể của lao động nhập cư.

Gần 500 ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận xuất phát từ một số khu ở tập thể của người lao động nhập cư tại Singapore, chiếm 15% tổng số người nhiễm virus cả nước.

Singapore phụ thuộc rất lớn vào lao động nhập cư để duy trì sản xuất kinh tế và biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội đối với nhóm này rất khó thực hiện.

Ngày 9.4, Singapore đã phải phong tỏa 2 khu tập thể lao động S11 Punggol và Westlite Toh Guan, sau khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm virus tại địa điểm chật chội là nơi sinh sống của hơn 20.000 lao động.

Theo tờ Bloomberg, tình hình bùng phát dịch Covid-19 của Singapore có nhiều điểm tương đồng với Hồng Kông trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, Hồng Kông đã chứng kiến thành công khi số ca nhiễm mới giảm dần, còn Singapore lại đang phải trả giá cho một chiến lược chống dịch thực hiện một cách gián đoạn và thiếu mạnh tay.

Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Singapore đã tăng 180% trong vòng 2 tuần qua với các ổ dịch xuất hiện từ các trường mầm non đến khu tập thể lao động nhập cư.

Khẩu hiệu kêu gọi người dân đoàn kết chống dịch Covid-19 tại Hồng Kông (ảnh: Reuters)

Khẩu hiệu kêu gọi người dân đoàn kết chống dịch Covid-19 tại Hồng Kông (ảnh: Reuters)

Đến ngày 10.4, Singapore ghi nhận tổng cộng 1.910 ca nhiễm Covid-19, gấp đôi so với Hồng Kông (974 người nhiễm).

Điều này đã khiến tình thế đảo ngược ở 2 trung tâm kinh tế hàng đầu của châu Á. Hồng Kông và Singapore từ lâu đã là đối thủ về cạnh tranh nguồn vốn, nhân công.

Trong giai đoạn đầu khi Covid-19 bắt đầu lây lan từ Trung Quốc ra một số khu vực, Hồng Kông đã chịu nhiều áp lực khi trước đó phải giải quyết các cuộc biểu tình của người dân rồi ngay sau đó là dịch bệnh. Nhiều công ty tại Hồng Kông đã tính đến phương án dời nguồn lực tới Singapore.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn so với Singapore cùng với đó là kinh nghiệm chống SARS từ 17 năm trước, Hồng Kông đã dần kiểm soát được dịch bệnh.

“Ngay từ đầu, Hồng Kông lựa chọn thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt để bảo vệ người dân, còn Singapore thì có vẻ thận trọng hơn và muốn giảm thiểu tác động của việc kiểm soát dịch bệnh tới kinh tế và xã hội. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn khi 2 khu vực này đối phó với làn sóng lây nhiễm lần hai đến từ các trường hợp nhập cảnh.

Trong cách tiếp cận ứng phó với dịch bệnh, ngay cả sự khác biệt nhỏ nhất cũng cho chúng ta thấy những kết quả khác nhau”, ông Yanzhong Huang, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại New York (Mỹ), nhận xét.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 2 Đông Á đối mặt với ”đại di tản” 2,5 triệu dân

Quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 2 Đông Á đối mặt với “đại di tản“ 2,5 triệu dân

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – BBC News, Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN