Rồng không có thật, vì sao được chọn làm con giáp?

Trong số 12 con vật được chọn làm con giáp, chỉ có rồng là sinh vật hư cấu nhưng cũng mạnh mẽ nhất.

Đối với người xưa, rồng là con vật có thật (ảnh: Sina)

Đối với người xưa, rồng là con vật có thật (ảnh: Sina)

Theo Sohu, hệ thống 12 con giáp bao gồm tý (chuột), sửu (trâu), dần (hổ), mão (mèo/thỏ), thìn (rồng), tỵ (rắn), ngọ (ngựa), mùi (dê), thân (khỉ), dậu (gà), tuất (chó), hợi (lợn), đã được người xưa chọn ra từ hàng nghìn năm trước. Việc đưa rồng – loài thú chỉ xuất hiện trong thần thoại – vào làm con giáp cũng không phải ngẫu nhiên.

1. Niềm tin rằng rồng có thật

Người hiện đại có thể không tin rằng rồng có thật, nhưng người phương Đông xưa thì ngược lại. Họ có thể đã tận mắt nhìn thấy con rồng bằng xương bằng thịt, hay ít nhất là sinh vật nào đó mà họ coi là “rồng”, theo Sohu.

Trong lịch sử Trung Quốc, cũng có không ít ghi chép về những lần rồng xuất hiện.

Cuốn “Niên sử Khang Hy Từ Châu” (thời nhà Thanh) chép, năm Gia Tĩnh thứ 43 (năm 1564), ở Thiệu Gia Khẩu, huyện Bảo Ứng (nay thuộc thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) xuất hiện một con rồng bơi ngược sông, đầu nhô cao mấy thước, thân dài 60, 70 thước, mặt đen, râu trắng, mũi to như mũi bò, lưỡi dài hơn 1 thước (1 thước Trung Quốc bằng 0,33 mét).

Khi rồng xuất hiện, thuyền bè trên sông phải neo đậu. Hai bên bờ có rất nhiều người dân tới xem rồng.

Cổ vật hình rồng có niên đại hơn 3.700 năm tuổi (ảnh: Xinhua)

Cổ vật hình rồng có niên đại hơn 3.700 năm tuổi (ảnh: Xinhua)

Cuốn “Ký sự Lâm An” biên soạn thời Gia Khánh đế (nhà Thanh) chép, năm Sùng Trinh thứ 4 (năm 1631), có một con rồng lớn xuất hiện ở hồ Kỳ Long, thuộc địa phận tỉnh Vân Nam. Nhiều người đã nhìn thấy con rồng bơi trên mặt hồ.

Trong “Sơn Hải kinh” (cuốn sách cổ ghi chép về địa lý, thần thoại và các sinh vật kỳ lạ của Trung Quốc) cũng nhắc đến Ứng Long – một con rồng thần có cánh.

Theo Sơn Hải kinh, Ứng Long đã giúp Hiên Viên hoàng đế đánh bại Xi Vưu, đặt nền móng cho sự tồn tại của người Hán ở Trung Hoa. Hiên Viên trị vì vào khoảng năm 2689 – 2599 TCN.

Năm 2005, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện ra một vật trang trí hình rồng có niên đại khoảng 3.700 năm tuổi. Vật này được tạo tác từ hơn 2.000 mảnh ngọc lam, được xác định là cổ vật hình rồng cổ nhất Trung Quốc.

Món đồ cổ này được xác định ở khu di tích Erlitou, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc. Theo các nhà khảo cổ, Erlitou từng là thủ phủ của triều đại nhà Hạ (tồn tại vào khoảng năm 2.100 - 1.600 TCN). Đây cũng là triều đại quân chủ đầu tiên ở Trung Quốc.

Theo Sohu, niềm tin rằng loài rồng có thật đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước công nguyên. Người xưa tin rằng, rồng là sinh vật có thật và sở hữu sức mạnh của thần linh nên ít khi xuất hiện trước “người phàm”. Bởi niềm tin này, việc đưa rồng vào hệ thống 12 con giáp là dễ hiểu.

Rồng là sinh vật gắn bó, gần gũi của người nông dân (ảnh: Sohu)

Rồng là sinh vật gắn bó, gần gũi của người nông dân (ảnh: Sohu)

2. Rồng là sinh vật gắn bó với người nông dân

Nguồn gốc 12 con giáp hay ai là người sáng tạo ra cách tính thời gian bằng hệ thống 12 con giáp đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Theo Sina, từ hàng nghìn năm trước, khi người nông dân chưa biết cách tính thời gian, họ chỉ có thể dựa vào chuyển động của mặt trời để tính ngày công lao động. Mặt trời mọc thì ra đồng làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi.

Nhưng trong những ngày thời tiết xấu, không thể quan sát mặt trời, người nông dân không biết dựa vào đâu để xác định thời gian làm việc. Qua chiêm nghiệm, người xưa đã sáng tạo hệ thống 12 canh giờ/ngày (1 canh giờ = 2 tiếng đồng hồ) để tính thời gian.

12 canh giờ được đặt theo tên 12 loài vật vốn gần gũi với đời sống của người nông dân, bao gồm:

- Giờ Tý (23 giờ - 1 giờ sáng), là lúc chuột hoạt động mạnh nhất.

- Giờ Sửu (1 giờ - 3 giờ), là lúc trâu đang nhai lại thức ăn.

- Giờ Dần (3 giờ - 5 giờ), là khoảng thời gian hổ đang đi săn trong rừng.

- Giờ Mão (5 giờ - 7 giờ), là lúc mèo/thỏ hoạt động, đi kiếm ăn.

- Giờ Thìn (7 giờ - 9 giờ), là lúc rồng làm mưa.

- Giờ Tỵ (9 giờ - 11 giờ), là lúc rắn vào hang.

- Giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ), là lúc ngựa chạy khỏe nhất.

- Giờ Mùi (13 giờ - 15 giờ), là lúc dê ăn cỏ.

- Giờ Thân (15 giờ - 17 giờ), là lúc khỉ nhảy nhót, hú khắp rừng.

- Giờ Dậu (17 giờ - 19 giờ), là thời điểm gà lên chuồng.

- Giờ Tuất (19 giờ - 21 giờ), là lúc chó tỉnh táo giữ nhà.

- Giờ Hợi (21 giờ - 23 giờ), là lúc lợn ngủ say.

Theo Sina, người xưa cho rằng rồng có thể hô mưa gọi gió, thay đổi thời tiết và khí hậu – những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, họ đưa rồng vào làm con giáp. Điều này phản ánh mong muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu của xã hội nông nghiệp cổ đại.

Theo Secret China, rồng là sinh vật hư cấu, được sáng tạo dựa trên hình ảnh nhiều loài động vật khác nhau. Suốt hàng ngàn năm, rồng được chọn làm biểu tượng cho sự cao quý, quyền lực của vua chúa. Nhưng ít người biết rằng, rồng cũng mang “dáng dấp” của những con vật vốn gắn bó với người nông dân.

Ví dụ, đầu rồng giống đầu lạc đà, tượng trưng cho khả năng chịu hạn. Răng rồng giống răng ngựa, tượng trưng cho sự chăm chỉ, bền bỉ. Tai rồng giống tai bò, tượng trưng cho đức tính hiền lành, chịu thương chịu khó.

12 con giáp được chọn ra sau một cuộc chạy đua, theo truyền thuyết (ảnh: New.qq)

12 con giáp được chọn ra sau một cuộc chạy đua, theo truyền thuyết (ảnh: New.qq)

3. Nguồn gốc con giáp rồng theo truyện dân gian

Có nhiều câu chuyện nói về sự xuất hiện của rồng trong 12 con giáp.

Câu chuyện nổi tiếng nhất kể rằng, Ngọc Hoàng (vua của các thần tiên trên thiên đình) trong một lần cao hứng đã gọi tất cả các loài động vật tới để tổ chức một cuộc chạy đua.

Ngọc Hoàng phán rằng, ông sẽ chọn ra 12 con vật đưa vào danh sách 12 con giáp cao quý. Con vật nào chạy tới cổng thiên đình trước sẽ đứng đầu danh sách 12 con giáp, theo New.qq.

Xét về khả năng chạy đua đến thiên đình, rồng là ứng cử viên sáng giá nhất. Rồng có thể bay trong mây, cũng có thể bơi lặn dưới biển.

Tuy nhiên, rồng chỉ về đích thứ 5 trong cuộc đua, qua đó giữ vị trí thứ 5 trong 12 con giáp.

Nguyên nhân là trên đường bay đến thiên đình, rồng đã dừng lại để làm mưa và giúp đỡ các loài vật khác trong cuộc chạy đua.

Câu chuyện này giải thích về nguồn gốc, vị trí của 12 con giáp và cũng thể hiện đức tính của loài rồng.

Đối với người phương Đông, rồng là biểu tượng cho “phúc thần”, cho các đức tính tốt đẹp và cho mùa màng bội thu, ấm no. Người phương Đông rất tôn trọng rồng, vì vậy, trong 12 con giáp, vị trí của rồng là không thể thiếu, theo Sohu.

Nguồn: [Link nguồn]

Ở phần lớn các nước châu Á có lịch âm như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thỏ được chọn làm con giáp thứ 4 trong 12 con giáp. Người xưa quan niệm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Quốc – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN