Rời thành phố vì sợ đói, nhiều người Ấn Độ không ngờ điều chờ mình ở làng quê

Tại nhiều ngôi làng của Uttar Pradesh – bang đông dân nhất Ấn Độ, lao động về từ các thành phố lớn không được phép vào nhà vì bị người thân trong gia đình xua đuổi do lo ngại đem Covid-19 từ thành phố về.

Sau nhiều buổi tuyên truyền giữa quan chức địa phương với các hội đồng làng tại bang Uttar Pradesh, những người trở về từ thành phố được cho phép vào làng. Tuy nhiên, họ không được về nhà với người thân mà phải ở trong các trường học, lán trại dựng tạm để bác sĩ và cảnh sát quản lý, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan Covid-19 cho cộng đồng.

“Người dân ở đây rất sợ hãi. Nhiều thông tin giả cũng xuất hiện. Chúng tôi không chắc chắn người thân của mình có mang theo virus hay không nhưng không thể để họ ở cùng nhà với chúng tôi”, Malkhan Singh, trưởng làng Daipur (Ấn Độ), chia sẻ.

Những câu chuyện về việc lao động trở về từ các thành phố bị chính người thân ở quê “cấm cửa” đang trở nên phổ biến tại khắp các thị trấn nhỏ và những ngôi làng tại Ấn Độ.

Người dân Ấn Độ đi bộ về quê giữa thời tiết nắng nóng (ảnh: Bloomberg)

Người dân Ấn Độ đi bộ về quê giữa thời tiết nắng nóng (ảnh: Bloomberg)

Vùng nông thôn của Ấn Độ là nơi cư trú của 1/3 dân số nước này. Hệ thống y tế tại khu vực nông thôn của Ấn Độ được đánh giá là rất yếu, dễ rơi vào quá tải khi số ca nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng.

Nhiều người dân tại các ngôi làng đang vô cùng lo sợ việc bản thân có thể bị nhiễm virus khi hàng trăm nghìn lao động từ những thành phố lớn đổ về do không kiếm được việc làm.

Ông Steve Hanke, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng, những bệnh viện tại vùng nông thôn ở Ấn Độ đã hết giường bệnh khi dịch Covid-19 đang lây lan. Có khoảng 9 triệu người Ấn Độ di chuyển qua lại giữa thành phố và các ngôi làng mỗi năm và họ có thể mang theo Covid-19 từ thành phố về làng – nơi cơ sở y tế vô vùng thiếu thốn.

Những cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Bloomberg với các bác sĩ, nhân viên bệnh viện, trưởng làng, quan chức chính phủ đã cho thấy tình trạng vô vùng khó khăn tại vùng nông thôn của Ấn Độ.

Vật tư y tế thiếu hụt nghiêm trọng, các bộ xét nghiệm không đủ và chính quyền địa phương phải mạnh tay áp dụng các biện pháp để người dân hạn chế ra khỏi nhà.

Ấn Độ chuyển những toa tàu thành bệnh viện cho người nhiễm Covid-19 (ảnh: Bloomberg)

Ấn Độ chuyển những toa tàu thành bệnh viện cho người nhiễm Covid-19 (ảnh: Bloomberg)

Khả năng xét nghiệm Covid-19 thấp của Ấn Độ trong 2 tháng vừa qua đã làm tăng thêm sự hoang mang trong các cộng đồng dân cư. Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, đến ngày 9.4, nước này mới thực hiện được 144.910 xét nghiệm virus.

Tính đến ngày 10.4, bang Uttar Pradesh, nơi có dân số bằng cả nước Brazil mới thành lập được 11 cơ sở xét nghiệm Covid-19. Noida – thị trấn là một trong những điểm nóng lây lan virus của bang Uttar Pradesh, chỉ có duy nhất 1 cơ sở xét nghiệm Covid-19.

Những cuộc di tản khổng lồ của hàng trăm nghìn lao động nghèo từ các thành phố lớn đã khiến cho chính phủ Ấn Độ tăng thêm áp lực và khó khăn trong dịch bệnh.

Trong khi nhiều người tìm được đường về quê. Hơn 1 triệu lao động nhập cư còn ở lại tại các thành phố lớn đang sống trong 31.000 trại cứu trợ được lập bởi chính quyền tiểu bang và các tổ chức nhân đạo tại Ấn Độ.

Nếu hơn 1 triệu người này cũng tìm cách về quê, tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ nhiều khả năng không thể kiểm soát.

Tại vùng nông thôn Ấn Độ, chỉ có các bệnh viện tuyến huyện trở lên mới có chức năng điều trị cho người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, hầu hết bệnh viện huyện của nước này đang trong tình trạng quá tải và phải hoạt động với 110%, thậm chí là 150% công suất.

Chính phủ Ấn Độ đang rất lo ngại một cuộc di tản tiếp theo của hơn 1 triệu lao động còn ở lại tại các thành phố lớn (ảnh: Reuters)

Chính phủ Ấn Độ đang rất lo ngại một cuộc di tản tiếp theo của hơn 1 triệu lao động còn ở lại tại các thành phố lớn (ảnh: Reuters)

Mới đây, trường hợp của một cụ bà tên Lalita Devi, 75 tuổi, tử vong vì Covid-19 đã gây rúng động dư luận Ấn Độ. Theo người thân của bà Lalita Devi, nguyên nhân tử vong là do bà bị các bác sĩ từ chối điều trị sau khi nhập viện. Lý do đưa ra là bác sĩ quá sợ hãi Covid-19 và không dám chăm sóc cho bà Lalita Devi.

Hôm 9.4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, họ đã đặt hàng hơn 17 triệu bộ đồ bảo hộ và 49.000 máy thở để chống dịch Covid-19. Trong khi chờ đợi lô hàng về đến nơi, các y bác sĩ tại nước này vẫn phải chiến đấu với dịch bệnh trong sự lo sợ vì thiếu thốn thiết bị y tế.

Tính đến ngày 11.4, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 7.600 ca nhiễm Covid-19 với 249 người tử vong. Số người nhiễm virus tại nước này dự báo là vẫn sẽ tiếp tục tăng trong lệnh phong tỏa cả nước vì vẫn còn rất nhiều trường hợp không được làm xét nghiệm Covid-19.

Thủ tướng Ấn Độ - ông Narendra Modi, đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc vì dịch Covid-19 và không cho biết lệnh này sẽ tiếp tục kéo dài trong bao lâu.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Thảm họa khác sắp kéo đến trong dịch Covid-19 khiến nước Mỹ lo lắng

Các chuyên gia khí tượng Mỹ cho rằng, mùa mưa bão năm nay tại Mỹ có thể hoạt động mạnh hơn mức bình thường. Ngày 9.4,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN