Quốc gia từng mất trắng 74.000km2 đất, kênh đào chiến lược rơi vào tay Mỹ

Với sự hậu thuẫn và hỗ trợ quân sự của Mỹ, phe ly khai ở Colombia tuyên bố độc lập vào ngày 4.11.1903, lập ra nhà nước Panama. Hai tuần sau, Panama ký thỏa thuận cho phép Mỹ xây dựng, kiểm soát và sở hữu một trong những kênh đào chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới.

Tranh biếm họa sự kiện Panama tách khỏi Colombia năm 1903.

Tranh biếm họa sự kiện Panama tách khỏi Colombia năm 1903.

Kể từ khi độc lập khỏi đế quốc Tây Ban Nha năm 1821, Panama trở thành một phần của Colombia.

Chính quyền Colombia gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì kiểm soát Panama vì cơ sở hạ tầng nghèo nàn, không có tuyến đường bộ trực tiếp kết nối đến Panama.

Kể từ năm 1841, Panama luôn xảy ra bất ổn, phe ly khai trỗi dậy, dẫn đến cuộc khủng hoảng Panama năm 1885.

Vùng đất có vị trí chiến lược

Năm 1513, một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên Vasco Balboa trở thành người da trắng đầu tiên từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương bằng cách đi qua Panama. Đây là vùng đất hẹp có một đầu kết nối với Bắc Mỹ, đầu kia kết nối với Nam Mỹ, bên trái là Thái Bình Dương và bên phải là Đại Tây Dương, chỗ rộng nhất cách nhau 80km, theo Digital History.

Năm 1870, kỹ sư tài ba người Pháp, Ferdinand de Lessups được chính quyền Colombia chỉ định xây kênh đào ở Panama. Ở tuổi 74, Lessups trở thành Chủ tịch công ty kênh đào Panama. Ông cũng chính là người nổi danh toàn thế giới khi đóng vai trò quan trọng giúp xây xong kênh đào Suez.

Lessups đề ra phương án xây kênh đào Panama không cần các âu tàu, giống như kênh đào Suez để tiết kiệm chi phí. Năm 1880, kênh đào chính thức được khởi công. Nhưng điều kỹ sư tài ba người Pháp không lường trước là điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Panama, dịch sốt rét và vàng da diễn ra thường xuyên.

Lãnh thổ Colombia năm 1890 bao gồm cả Panama.

Lãnh thổ Colombia năm 1890 bao gồm cả Panama.

Kết quả là một số lượng lớn lao động, nô lệ mà người Pháp đưa đến Panama lần lượt bỏ mạng. Không chỉ lao động chân tay mà cả những nhân viên kỹ thuật cao cấp cũng bị chết tại nơi thi công.

Trong nhiều năm, dự án rơi vào tình cảnh thiếu nhân công trầm trọng. Trong 8 năm xây dựng, có tới 20.000 công nhân và kỹ sư đã bỏ mạng, bao gồm cả những kỹ sư tinh hoa tốt nghiệp từ các trường Đại học Pháp.

Dường như thiên nhiên đã không ủng hộ người Pháp, hoạt động đào đất mất nhiều ngày hơn bình thường. Khí hậu nóng ẩm khiến máy móc nhanh rỉ sét, hư hỏng. Kết quả là De Lessups đã phải từ bỏ dự án. Ở thời điểm đó, dự án đã tiêu tốn gấp đôi số tiền dự kiến ban đầu là 131 triệu USD. Kênh đào cũng chỉ mới hoàn thiện được 30%.

Sau sai lầm khi chọn Pháp là nhà thầu cho dự án đầy tham vọng, chính quyền Colombia càng đối mặt với làn sóng ly khai gia tăng ở Panama, đến mức nước này phải đặt quân đội trong tình trạng báo động.

Người Mỹ nhảy vào cuộc

Từ những năm 1890, người Mỹ đã rất quan tâm đến việc xây dựng kênh đào nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.  Trong cuộc chiến với đế quốc Tây Ban Nha, chiến hạm Mỹ đã phải đi vòng xuống eo biển Magellan và phía bắc Cuba.

Kết quả là hành trình dài thêm tới 6.000km và 20 ngày trên biển. Vấn đề khi đó không phải là Mỹ có cần kênh đào hay không, mà là khi nào và bằng cách nào.

Năm 1901, Theodove Roosevelt trở thành Tổng thống Mỹ. Ông nắm quyền trong hai nhiệm kỳ, từ năm 1901-1909 và là người đề ra chiến lược xây kênh đào ở Panama.

Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt là người giúp Mỹ sở hữu kênh đào Panama.

Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt là người giúp Mỹ sở hữu kênh đào Panama.

Chính quyền Colombia thẳng thừng tuyên bố chỉ bán quyền xây nốt kênh đào cho Mỹ nếu nhận được 40 triệu USD tiền mặt.

Ngược lại, Mỹ chỉ đồng ý trả trước 10 triệu USD và 250.000 USD mỗi năm cho đến năm 2000. Sau thời hạn, kênh đào sẽ được bàn giao về Colombia.

Quốc hội Colombia đưa vấn đề này ra biểu quyết. Quốc vụ khanh Mỹ Hay John Milton đe dọa: “Nếu thỏa thuận bị phủ quyết, Mỹ sẽ có những hành động, khiến mỗi người Colombia đều cảm thấy đáng tiếc”.

Quốc hội Colombia một mặt cảm thấy bị Mỹ xem thường, mặt khác muốn kéo dài thời gian để bán quyền xây kênh đào với giá cao hơn, nên đã phủ quyết thỏa thuận.

Khi tin tức đến tai Roosevelt, Tổng thống Mỹ đã hết sức tức giận. Ông cảnh báo Panama sẽ không còn là lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Colombia.

Tổng thống Mỹ Roosevelt đã không nói suông. Ông thường xuyên trao đổi với Philppe Bunau-Varrilla, một người trung gian sắp xếp để phe ly khai ở Panama nổi dậy tuyên bố độc lập.

Vào giữa tháng 10, Guerreo Amador, Tổng thống tương lai của Panama rời thành phố New York, trở về Panama phát động nổi dậy. Amador mang theo quốc kỳ Panama, tuyên ngôn độc lập, mã bí mật và lời hứa về khoản tiền 100.000 USD nếu cuộc nổi dậy thành công.

Chiến hạm Mỹ US Nasville theo bước Amador và neo tại vùng biển ngoài khơi Panama. Ngày 3.11.1903, tàu Nasville gửi thông điệp về Washington, nói rằng cuộc nổi dậy ở Panama đã diễn ra. Nhận được lệnh từ sở chỉ huy, tàu Nasville đã đổ quân xuống cảng Panama, ngăn quân đội Colombia trấn áp.

Tàu thuyền đi qua kênh đào Panama.

Tàu thuyền đi qua kênh đào Panama.

3 chiến hạm khác của Mỹ sau đó cũng tiến vào Panama, được lệnh nổ súng nếu quân chính phủ Colombia hành động.

Ở Panama, lực lượng đồn trú Colombia hoàn toàn tê liệt vì một đô đốc đã nhận 8.000 USD tiền vàng, cùng nhiều món quà khác. Một tướng Colombia nhận 65.000 USD tiền hối lộ.

Chỉ 3 ngày sau, Mỹ tuyên bố công nhận Panama là quốc gia độc lập. Bunau-Varrilla trở thành đại sứ Panama tại Mỹ. Chính quyền mới của Panama trao cho Mỹ quyền xây dựng, sở hữu kênh đào và Mỹ cũng toàn quyền kiểm soát vùng đất xung quanh kênh đào chiến lược.

Chính phủ Mỹ giữ đúng cam kết trả trước 10 triệu USD và mỗi năm trả 250.000 USD cho Panama. Tiếp nhận phần còn lại của kênh đào, Mỹ đã cho xây dựng thần tốc, đến năm 1914 thì kênh đào chính thức được hoàn tất.

Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt có công lớn giúp nước Mỹ nắm trong tay kênh đào chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới. Nhưng ông cũng hứng chịu nhiều chỉ trích vì chiến lược đã khiến Colombia mất 74.000km2 đất.

Đối với Colombia, quốc gia Nam Mỹ chỉ công nhận Panama độc lập vào năm 1909, sau khi nhận được khoản tiền bồi thường 500.000 USD từ vùng lãnh thổ bị mất.

Ngày 31.12.1999, Mỹ chính thức trả kênh đào và vùng lân cận cho Panama, nhưng giữ quyền can thiệp quân sự vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia.

Nguồn: [Link nguồn]

Thái Lan đột ngột ”quay lưng”, gây sốc với Trung Quốc

Tham vọng vươn ra biển lớn của Trung Quốc sẽ tạm thời bị kẹt lại ở eo biển Malacca, khi Thái Lan công khai ý định tìm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN