Những cỗ xe tăng đáng sợ của Hitler
Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939 – 1945) chứng kiến sự trỗi dậy của các đơn vị xe tăng Đức hùng mạnh.
Thế chiến thứ hai chứng kiến sức mạnh của lực lượng thiết giáp Đức.Các đơn vị thiết giáp ưu tú của họ đã càn quét khắp lục địa châu Âu và Bắc Phi trong suốt 6 năm chiến tranh.
Bộ binh và xe tăng Đức xung kích ở Liên Xô, năm 1942 (Ảnh phục chế màu)
Khi tấn công, các đơn vị thiết giáp của họ sẽ xung kích mạnh mạnh mẽ nhằm mau chóng đột phá phòng tuyến và bao vây đối phương. Phương thức chiến tranh đó nổi tiếng với cái tên “Blitzkrieg” (Chiến tranh Chớp nhoáng). Họ đạt nhiều thành tích ấn tượng, nổi tiếng nhất với chiến tích hạ gục nước Pháp chỉ trong 6 tuần và tiến tới thủ đô Moskva của Liên Xô trong 5 tháng.
Quân Đức nổi tiếng với những người lính xe tăng được huấn luyện hết sức bài bản và kỹ càng. Các thiết kế xe tăng của họ hết sức nổi tiếng vì uy lực nó tạo ra trên chiến trường. Những thành tích lực lượng thiết giáp Đức tạo ra đã góp phần làm thay đổi chiến tranh hiện đại. Sau đây là một số xe tăng tiêu biểu của họ.
Panzer II
Panzer II chiến đấu ở Pháp năm 1940
Panzer II là xe tăng hạng nhẹ của quân đội Đức Quốc xã. Dòng xe tăng này bắt đầu phục vụ quân đội Đức từ năm 1936 cho đến khi kết thúc chiến tranh, với 1856 chiếc được sản xuất.
Cùng với điểm mạnh về sự cơ động và nhỏ gọn, Panzer II có khả năng tạo ra hỏa lực dày đặc để tiêu diệt các vị trí công sự và bộ binh của đối phương, với tháp pháo được lắp một khẩu pháo tự động cỡ nòng 20mm và một súng máy MG34. Ngoài ra Panzer II còn có một phiên bản lắp súng phun lửa thay cho pháo 20mm.
Đi kèm với sự linh hoạt, các mẫu Panzer II có điểm yếu là lớp giáp xe tăng chỉ đủ để chống lại các loại đạn nhỏ từ vũ khí bộ binh. Các loại pháo chống tăng cũng như xe tăng của đối phương nếu bắn trúng có thể tiêu diệt Panzer II khá dễ dàng. Ngoài ra, khẩu pháo 20mm của nó cũng không thực sự hiệu quả khi đối đầu trực diện với xe tăng đối phương.
Trong 2 năm đầu tiên của Thế chiến thứ hai, Panzer II đóng vai trò chủ lực của lực lượng thiết giáp Đức. Nó góp phần vào những chiến thắng vang dội của quân đội Đức ở Ba Lan, Đan Mạch, Na Uy, Pháp và Bắc Phi. Từ năm 1940, vai trò của nó dần được thay thế bởi các xe tăng Panzer III và Panzer IV hiệu quả hơn. Đến năm 1944, việc sản xuất Panzer II dừng hoàn toàn.
Panzer II dần bị loại biên nhưng thân xe của nó vẫn được Đức Quốc xã sử dụng để tạo ra các xe pháo tự hành như “Bison”, “Wespe”, hay Marder II.
Panzer III
Panzer III chiến đấu ở Bắc Phi, năm 1941
Panzer III là xe tăng hạng trung của quân đội Đức Quốc xã. Dòng xe tăng này phục vụ quân đội Đức Quốc xã từ năm 1939 cho đến khi kết thúc chiến tranh, với 5774 chiếc được sản xuất.
Sự linh hoạt là một điểm mạnh của Panzer III. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là đột phá phòng tuyến, đánh tạt sườn hay xâm nhập đánh phá các vị trí tiếp tế và liên lạc của đối phương. Các mẫu Panzer III đầu tiên được trang bị pháo 37mm, đủ để bắn hạ các loại xe tăng của đối phương trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Tuy nhiên, đến khi đụng độ các mẫu xe tăng T-34 và KV với bộ giáp rất dày của Liên Xô, thì Panzer III phải trang bị pháo 50mm nòng dài mới đủ sức chống trả, tuy nhiên nó vẫn không thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, Panzer III còn có một phiên bản trang bị pháo 75mm nòng ngắn đóng vai trò yểm trợ bộ binh và một phiên bản trang bị súng phun lửa.
Lớp giáp của Panzer III cũng là một vấn đề. Trong giai đoạn đầu chiến tranh, lớp giáp mỏng của nó chưa phải vấn đề vì nó đủ để chống lại đạn bắn từ các vũ khí cầm tay của bộ binh, cùng với việc đối phương của họ không có lực lượng thiết giáp hay pháo binh đủ mạnh để chống trả xe tăng Đức.
Nhưng ở chiến trường Liên Xô thì rất khác. Việc phải đụng độ thường xuyên với các xe tăng KV hay T-34 đã cho thấy rằng lớp giáp của Panzer III là không đủ để bảo vệ xe. Một số nâng cấp đáng kể về giáp giúp xe chống đỡ hiệu quả hơn đạn bắn từ các vũ khí chống tăng hạng nhẹ của đối phương hay từ các xe tăng của Liên Xô, nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
Trong 3 năm đầu tiên của Thế chiến 2, Panzer III là xe tăng chủ lực của quân đội Đức, góp phần quan trọng vào các chiến thắng vang dội của quân Đức ở Ba Lan, Đan Mạch, Na Uy, Pháp, Bắc Phi cũng như những thắng lợi ban đầu trên chiến trường Liên Xô của quân Đức. Tuy nhiên, với diễn biến trên chiến trường Liên Xô, Panzer III mất đi ưu thế của mình và dần được thay thế bởi các xe Panzer IV từ năm 1942.
Đến năm 1943, sự xuất hiện của xe tăng Panzer V “Panther” cùng các phiên bản cải tiến của Panzer IV đã thay thế gần như hoàn toàn vai trò của xe tăng Panzer III trên chiến trường. Các xe Panzer III dần bị loại biên, nhưng thân xe vẫn được sử dụng để tạo ra các xe pháo tự hành, trong đó nổi tiếng nhất là pháo tự hành StuG III.
Có thể nói, Panzer III là biểu tượng của “Chiến tranh Chớp nhoáng”, với sự kết hợp đều đặn giữa hỏa lực, tính linh hoạt, độ tin cậy và phù hợp với phương thức tác chiến “Chiến tranh Chớp nhoáng” trong giai đoạn đầu chiến tranh của quân đội Đức.
Panzer IV
Panzer IV chiến đấu ở Pháp, năm 1944 (Ảnh phục chế màu)
Panzer IV là xe tăng hạng trung của Đức Quốc xã, với 8553 chiếc được sản xuất. Đây cũng là loại xe tăng được Đức Quốc xã sản xuất nhiều nhất. Loại xe tăng này phục vụ quân đội Đức từ năm 1939 cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Panzer IV có ưu thế hỏa lực trong những năm đầu chiến tranh với pháo 75mm. Các phiên bản đầu sử dụng pháo 75mm nòng ngắn với vai trò hỗ trợ bộ binh, tiêu diệt vị trí phòng ngự của đối phương bằng đạn nổ mạnh.
Về sau, với việc phải đối đầu với các loại xe tăng giáp dày và vũ trang tốt của Liên Xô như T-34, KV thì yêu cầu nâng cấp pháo cho xe Panzer IV trở nên cấp thiết. Các mẫu pháo 75mm nòng dài được lắp đặt trên các phiên bản sau của Panzer IV và nó góp phần tiêu diệt các xe tăng đối phương khá hiệu quả.
Lớp giáp mỏng ở các phiên bản đầu của Panzer IV là một vấn đề, khi xe có thể bị tiêu diệt khá dễ dàng bởi các vũ khí chống tăng hạng nhẹ của bộ binh. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu Thế chiến 2, Panzer IV được sử dụng như một chiếc xe tăng ở tuyến hai nên được che chắn kỹ càng, cho phép Panzer IV có thể triển khai hỏa lực hiệu quả nhất có thể.
Tuy nhiên, khi đối đầu với Liên Xô, với việc xe Panzer III đã đạt tới ngưỡng nâng cấp tối đa trong khi Panzer IV vẫn còn tiềm năng, nên Panzer IV được chú ý nâng cấp về giáp và hỏa lực. Các phiên bản sau được cải thiện đáng kể về giáp. Phiên bản Panzer IV H , được đánh giá là hoàn thiện nhất còn phủ lớp vật liệu Zimmerit chống mìn từ tính, và hai bên xe được lắp thêm miếng giáp phụ bằng thép.
Trong trận chiến ở Vòng cung Kursk, với tổng số lượng thiết giáp được vận động lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay, Panzer IV đóng vai trò xương sống của lực lượng thiết giáp Đức. Tuy nhiên, với việc Liên Xô tung ra các mẫu xe tăng mới như T-34-85 (phiên bản nâng cấp của các mẫu T-34 trước đó, sử dụng lớp giáp dày hơn và được nâng cấp pháo), hay các mẫu pháo tự hành SU-85, SU-152, thì các xe Panzer IV cho thấy tuy vẫn có thể chiến đấu khá hiệu quả, nhưng sự thua thiệt so với các mẫu thiết giáp của đối phương đã khiến Hitler suy nghĩ.
Với việc các mẫu pháo tự hành chống tăng StuG III trong trận đánh ở Kursk tỏ ra hiệu quả hơn hẳn trong công tác chống tăng so với Panzer IV, Hitler dần cho dừng sản xuất xe Panzer IV. Các thân xe Panzer IV được sử dụng cho việc chế tạo mẫu pháo tự hành chống tăng StuG IV, Jadgpanzer IVvà một số mẫu pháo tự hành khác. Trong khi đó, mẫu xe tăng mới mạnh hơn là Panzer V “Panther” đi vào sản xuất đại trà.
Tuy nhiên, Panzer IV vẫn đóng vai trò xương sống cho lực lượng thiết giáp Đức cho đến khi kết thúc chiến tranh. Với thiết kế đơn giản hơn và dễ sửa chữa hơn so với xe tăng Panther hay Tiger của Đức, Panzer IV vẫn được lính thiết giáp Đức sử dụng cho đến hết chiến tranh.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Panzer IV vẫn tiếp tục phục vụ ở nhiều quốc gia, trong đó có cả hai nửa Đông và Tây nước Đức. Syria đã mua hơn 100 chiếc Panzer IV, và sử dụng nó trong các cuộc chiến với Israel trong những năm 1960.
Panzer V “Panther”
Panther chiến đấu ở Liên Xô, trận Kursk, năm 1943
Panther là xe tăng hạng trung của Đức Quốc xã. Hơn 6000 chiếc đã được sản xuất. Mẫu xe tăng này phục vụ quân đội Đức từ năm 1943 cho đến khi kết thúc chiến tranh. Điểm đặc biệt là so với xe tăng hạng trung của nhiều nước khác là việc Panther có khối lượng như một chiếc xe tăng hạng nặng, nên Liên Xô khi đó cũng coi Panther là xe tăng hạng nặng.
Ra mắt khi lợi thế của cuộc chiến đang dần nghiêng về phía Đồng minh, xe tăng Panther được đầu tư rất nhiều và được kỳ vọng rất cao bởi Hitler. Pháo 75mm của Panther cực kỳ hiệu quả trong việc triệt hạ xe tăng đối phương, khi nó đủ khả năng tiêu diệt hầu hết các loại xe tăng thời đó khi đối đầu trực diện. Trong khoảng cách 2,5 km đổ lại, pháo 75mm của Panther có khả năng bắn xuyên giáp hiệu quả hơn cả pháo 88mm trênxe tăng hạng nặng Tiger I.
Panther có lớp giáp trước rất dày so với các xe tăng hạng trung thời đó, thậm chí nhỉnh hơn so với chiếc Tiger I, cho phép nó chịu những phát bắn từ xe tăng đối phương khá hiệu quả. Việc xe khá nặng nề cũng không hẳn là một vấn đề vì nhờ bộ bánh xích to mà xe vượt địa hình khá tốt. Cùng với đó, động cơ của xe cũng được thiết kế giúp xe chạy khá nhanh.
Các xe tăng hạng trung T-34 của Liên Xô hay M4 của Mỹ đều gặp khó khăn lớn khi phải đối đầu trực diện với các xe Panther.
Các thân xe Panther cũng được sử dụng để tạo ra mẫu pháo tự hành chống tăng đáng sợ Jadgpanther.
Tuy nhiên, Panther không phải một chiếc xe tăng hoàn hảo. Khả năng lùi xe và xoay trở khá chậm chạp khiến các xe Panther dễ dàng bị hạ gục nếu bị thọc sườn. Ngoài ra, với việc Panther có cân nặng lớn nên nó cũng chịu các vấn đề máy móc như các xe tăng hạng nặng thời đó.
Panther cũng bị đánh giá là thiết kế “quá đà” (“Over-engineered” - thuật ngữ tiếng Anh chỉ những sản phẩm được đầu tư thiết kế quá mức cần thiết), dẫn đến việc sửa chữa và bảo quản xe trở thành vấn đề lớn với hậu cần, nhất là giai đoạn cuối chiến tranh, khi nguồn tài nguyên của Đức Quốc xã ngày càng cạn kiệt. Nhiều xe tăng Panther trong giai đoạn cuối chiến tranh chỉ niêm kho mà không có khả năng tham chiến, nếu có thì chúng cũng dễ gặp vấn đề khi vận hành.
Sau Thế chiến 2, Panther vẫn phục vụ ở một số nước.Người Anh đã đem 9 chiếc Panther về để tiến hành nghiên cứu. Pháp sử dụng một lượng không nhỏ xe Panther để gây dựng lại lực lượng thiết giáp sau khi giành độc lập. Ở hai đầu Đông và Tây nước Đức, Panther vẫn tiếp tục được biên chế sau chiến tranh vài năm cho đến khi các mẫu tăng tốt hơn được biên chế như Leopard 1 ở Tây Đức hay T-54 ở Đông Đức.
Tiger I - Panzer VI “Tiger”
Tiger I chiến đấu ở Liên Xô, năm 1942
Tiger là xe tăng hạng nặng của Đức Quốc xã. Đã có 1355 chiếc được sản xuất. Mẫu xe tăng này phục vụ quân đội Đức từ năm 1942 cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Ra mắt sau khi chứng kiến sức mạnh của lực lượng thiết giáp Liên Xô, Tiger được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn cho lực lượng thiết giáp Đức đè bẹp quân đội Liên Xô. So với các xe tăng T-34 và KV của Liên Xô hồi đó, Tiger có lợi thế vượt trội về vũ khí, giáp và thậm chí là cả tốc độ (nhanh hơn nhiều so với xe tăng KV). Trang bị pháo 88mm, với hiệu quả rất cao trong việc tiêu diệt xe tăng đối phương, Tiger có thể dễ dàng kết liễu hầu hết các loại xe tăng thời đó chỉ với 1 phát bắn chính xác.
Giáp xe được bao bọc dày ở cả mặt trước, hai bên và phía sau, cho phép Tiger chịu đựng hiệu quả trước những phát bắn từ xe tăng hay pháo binh đối phương. Về tốc độ, tuy là xe tăng hạng nặng, nhưng thực tế Tiger còn có thể chạy nhanh hơn cả xe tăng hạng trung trong biên chế quân Đức khi đó là Panzer IV. Nhiều người coi Tiger như một thiết kế tuyệt hảo vào thời điểm ra mắt.
Tuy nhiên, Tiger cũng có nhiều điểm yếu. Đây là một thiết kế “quá đà” (Over-engineered). Sự phức tạp của Tiger trở thành một vấn đề trong công tác sửa chữa và bảo dưỡng xe. Xe cũng chịu các vấn đề máy móc như nhiều xe tăng hạng nặng thời đó. Các mẫu xe Tiger sản xuất sau tuy đã được chỉnh sửa thêm nhưng vẫn không thể xử lý triệt để các lỗi này. Càng về cuối cuộc chiến, với việc quân Đồng minh tung ra những mẫu tăng và pháo mới mạnh mẽ hơn thì Tiger dần mất đi những ưu thế vượt trội của mình.
Nhưng nhìn chung, đây vẫn là một cỗ xe đáng tin cậy trong tác chiến. Huyền thoại về những chiếc xe tăng Tiger đi liền với huyền thoại về lực lượng thiết giáp Đức. Các chỉ huy của xe Tiger cũng là những chỉ huy được tuyển chọn và huấn luyện tốt hơn so với các xe tăng khác, nhờ đó mà sự đáng sợ của những chiếc Tiger với quân địch càng tăng thêm nhiều lần.
Xe Tiger được nhiều người coi là biểu tượng của lực lượng thiết giáp Đức trong Thế chiến 2. Sau này hình ảnh các xe Tiger cũng được dựng lại trong nhiều bộ phim chiến tranh, khiến nó càng trở nên nổi tiếng.
Tiger II - Panzer Tiger Ausf. B “Königstiger”
Tiger II ở Hungary, năm 1944
Tiger II, hay vẫn được biết đến với nhiều cái tên như “King Tiger” hay “Royal Tiger”, là một xe tăng hạng nặng của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tiger II phục vụ quân đội Đức từ năm 1944 cho đến khi kết thúc chiến tranh, với 492 chiếc được sản xuất.
Tiger II được Hitler kỳ vọng sẽ là loại khí tài xoay chuyển cục diện chiến tranh, khi mà đến năm 1944, lợi thế đã nghiêng hẳn về phía các nước Đồng minh. Là mẫu xe tiếp nối chiếc Tiger đã được sản xuất trước đó, Tiger II có thêm nhiều đặc điểm mới vượt trội, dễ thấy nhất là việc sử dụng giáp nghiêng như chiếc Panther.
Xe được bọc giáp rất dày. Trên lý thuyết, chiếc Tiger II có thể đỡ được các phát bắn vào giáp trước từ hầu hết các loại pháo hồi đó. Chưa có bất kỳ báo cáo nào về việc giáp trước của Tiger II bị xuyên thủng trong suốt cuộc chiến.
Sử dụng mẫu pháo 88mm mới còn mạnh hơn cả khẩu pháo 88mm của Tiger I lẫn pháo 75mm của Panther, Tiger II trên lý thuyết là mối đe dọa rất lớn với các loại xe tăng thời đó, khi nó đủ khả năng kết liễu hầu hết các loại xe tăng đối phương trong một cuộc đối đầu trực diện.
Tuy nhiên, cuối chiến tranh, chất lượng kim loại cho xe tăng của Đức đi xuống rõ rệt, một phần vì họ đã mất hầu hết các mỏ kim loại tốt do thất trận trước các cuộc tấn công ồ ạt của các nước Đồng minh, phần khác lại chịu các cuộc đánh phá đêm ngày của không quân đối phương, khiến cho việc sản xuất Tiger II chậm chạp hơn và chất lượng sản xuất cũng đi xuống.
Giáp xe của Tiger II tuy rất dày nhưng lại giòn và dễ vỡ vụn hơn so với giáp của các xe tăng trước đó. Một vụ nổ mạnh lên xe tuy có thể không hạ gục hoàn toàn Tiger II nhưng các mảnh vụn vỡ ra bên trong đủ để vô hiệu hóa toàn bộ tổ lái cũng như chính chiếc xe.
Sự xuất hiện muộn màng của nó không thể giúp Đức Quốc xã lật ngược tình thế. Cũng là một chiếc xe được thiết kế“quá đà”(Over-engineered), xe dễ gặp lỗi máy móc và rất khó sửa chữa, nhất là trong tình cảnh kiệt quệ của nước Đức cuối chiến tranh. Ngoài ra, cuối chiến tranh, chất lượng huấn luyện binh lính của Đức giảm sút rõ rệt do phải ưu tiên bù đắp số lượng, nên nhiều chiếc Tiger II bị hạ gục hay hỏng hóc khiến tổ lái phải bỏ xe là hoàn toàn dễ hiểu.
Đây là mẫu tăng được sản xuất đại trà cuối cùng của nước Đức Quốc xã. Hồi kết của những kẻ Quốc xã và chính Hitler đang tới gần. Sự thất bại của Tiger II cũng như một hồi chuông báo tử cho chính số phận của Đệ tam Đế chế Đức. Đến ngày 9/5/1945, nước Đức Quốc xã chính thức đầu hàng, kết thúc 6 năm chiến tranh ở châu Âu.
Tuy nhiên, huyền thoại và thành tựu của lực lượng thiết giáp Đức trong Thế chiến 2 đã góp phần thay đổi lịch sử chiến tranh. Phương thức tác chiến “Chiến tranh Chớp nhoáng”của họ có ảnh hưởng rất lớn đến chiến tranh hiện đại.