Nhân vật được Mỹ lựa chọn làm Đại sứ tại Ukraine sau 3 năm cân nhắc là ai?
Mỹ đã không có đại sứ chính thức tại Ukraine kể từ năm 2019 và sau 3 năm, ngày 25/4 vừa qua Mỹ mới chính thức đề cử một đại sứ mới.
Lùm xùm sa thải người cũ và trì trệ bổ nhiệm người mới
Năm 2019, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch, vụ việc đã gây nhiều tranh cãi, lùm xùm.
Tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết, ông Trump đã ra quyết định sa thải bà Marie Yovanovitch sau khi các đồng minh của ông, trong đó luật sư riêng Rudy Giuliani, liên tục phàn nàn rằng bà Yovanovitch đang phá hoại chính sách của ông Trump ở nước ngoài, cản trở việc Mỹ thuyết phục Kiev điều tra mối liên hệ của gia đình ông Biden với các công ty Ukraine.
Khi đó ông Joe Biden đang là ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.
Đại sứ Mỹ tại Slovakia Bridget Brink được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại Ukraine
Sau này, bà Marie Yovanovitch đã tham gia điều trần chống lại ông Rudy Giuliani vì thúc giục các quan chức Ukraine điều tra các cáo buộc tham nhũng chưa được chứng minh chống lại ông Joe Biden. Sau hàng loạt biến động như vậy, vị trí đại sứ Mỹ tại Ukraine vẫn bỏ trống.
Quyết định đề cử Đại sứ Mỹ tại Slovakia - bà Bridget Brink của Tổng thống Biden cũng được đưa ra sau một thời gian trì hoãn tương đối dài.
Theo hãng tin AP, mặc dù Tổng thống Mỹ đã đề cử nhiều chức vụ ngoại giao khác trên khắp thế giới, nhưng ông đã đợi hơn một năm sau khi nhậm chức mới đi đến quyết định lựa chọn bà Bridget Brink và cần thêm ba tháng nữa mới đưa ra thông báo chính thức ngày 25/4.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, nếu được thông qua, bà Brink sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo với “sự cống hiến và khác biệt”.
“Kinh nghiệm làm việc nhiều thập kỷ qua giúp bà Bridget trở thành ứng viên phù hợp duy nhất cho thời điểm này, giữa những giờ phút lịch sử của Ukraine," ông nói thêm. Bà Bridget Brink hiện là đại sứ Mỹ tại Slovakia – nước giáp biên giới với Ukraine.
Ukraine và Slovakia có chung đường biên giới dài khoảng 60 dặm, và Slovakia đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Nước này đã cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine và mở cửa đón những người tị nạn chạy trốn khỏi chiến sự.
Dày dặn kinh nghiệm tại các nước Liên Xô cũ
Đến từ Michigan, bà Brink bước chân vào Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1996. Bà có bằng Thạc sĩ về Quan hệ quốc tế và Lý luận chính trị của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, bằng Cử nhân về Khoa học Chính trị của Đại học Kenyon, Ohio, Mỹ. Đại sứ Brink nói được tiếng Nga và tiếng Serbia, tiếng Georgia và tiếng Pháp cơ bản.
Bà Brink khởi đầu sự nghiệp trong ngành ngoại giao Mỹ ở Belgrade, Serbia (1997-1999). Nhà ngoại giao kỳ cựu này đã làm việc hơn hai thập kỷ trong Bộ Ngoại giao Mỹ và tập trung vào khu vực châu Âu và Á-Âu.
Vị trí Đại sứ tại Slovakia của bà hiện tại là được chính quyền dưới thời ông Trump đề cử và Thượng viện Mỹ thông qua vào năm 2019.
Để đảm nhiệm vị trí mới tại Ukraine, bà Brink cũng cần được Thượng viện Mỹ thông qua.
Vai trò kết nối của đại sứ Mỹ tại Ukraine
Mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine đã được củng cố và trở nên phức tạp hơn kể từ khi xung đột nổ ra. Ông Biden thường xuyên liên lạc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời đã có hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự và kinh tế đang chảy từ Washington đến Kiev. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng vừa đến thăm thủ đô của Ukraine.
Theo nhận định của cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried, vai trò của bà Brink trong cương vị mới rất quan trọng. Một khi trở thành Đại sứ, bà Brink sẽ làm việc ngay tại Ukraine, qua đó có thể xây dựng mối quan hệ với toàn bộ chính phủ Ukraine.
Ông William Courtney, cựu đại sứ Mỹ tại Georgia và Kazakhstan, cũng cho biết bà Brink sẽ cần bắt đầu lập kế hoạch tái thiết hậu xung đột ngay cả khi chiến sự vẫn tiếp diễn nhưng có thể gặp khó khăn vì tình hình chính sách còn rườm rà tại Ukraine.
Ông Courtney, một chuyên gia cấp cao tại tập đoàn tham vấn chính sách RAND cho biết: “Nếu muốn tập hợp được các tổ chức có thể hỗ trợ việc tái thiết hiệu quả, một điều cần thiết là tạo dựng lòng tin của các nhà tài trợ."
Bản thân bà Brink cũng luôn thể hiện sự quan tâm tới tình hình Ukraine. Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Brink đã đến thăm biên giới giữa Slovakia với Ukraine vào ngày 25/2, một ngày sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng lên.
Vào thời điểm đó, nữ Đại sứ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Ukraine và hợp tác chặt chẽ với Slovakia để giúp nước này đáp trả hành động từ phía Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc bán số đạn dược trị giá 165 triệu USD cho Ukraine không thể thực hiện theo thủ tục thông thường.