Nga tái khởi động vũ khí "khắc tinh" lá chắn tên lửa Mỹ

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars có thể bắn xa 11.000km, mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, có sức hủy diệt khủng khiếp.

Nga tái khởi động vũ khí "khắc tinh" lá chắn tên lửa Mỹ - 1

Tên lửa đạn đạo RS-24 Yars tầm bắn 11.000km, vượt được mọi lưới lửa phòng không hiện nay.

Các chuyên gia quân sự Nga đã bắt đầu phát triển một biến thể mới của tàu hỏa Barguzin có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân trên tên lửa. Tàu hỏa chứa tên lửa chiến lược Barguzin của Nga sẽ là đối trọng với hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo châu Âu (BMD) triển khai tới Romania và Poland.

Cơ quan thông tấn Nga Regnum cho biết ngày hoàn thành dự án sẽ được thông báo vào đầu năm 2018. Năm 2014, Thiếu tướng Sergei Karakayev, tổng chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược trả lời rằng thiết kế cuối cùng của hệ thống tên lửa đạn đạo cơ động gắn trên tàu hỏa đã được hoàn thành.

Theo đó, quân đội Nga sẽ nhận được 5 hệ thống tàu hỏa Barguzin trong năm 2020. Cuối tháng 2.2016, chủ nhiệm khoa giáo dục quốc phòng thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược, ông Viktor Nesterov khẳng định một biến thể mới của tàu hỏa Barguzin đã sẵn sàng.

Các chuyên gia quân sự Nga tự tin xem hệ thống Barguzin là đối trọng với hệ thống BMD của NATO được Mỹ triển khai và lắp đặt ở Đông Âu thời gian vừa qua. Mới đây ngày 12.5, hệ thống phòng thủ Aegis đã được khởi động ở Romania trong sự phản đối kịch liệt của Nga. Hệ thống phòng thủ ở Deveselu này là một trong những nhân tố quan trọng của lá chắn phòng thủ tên lửa Mỹ toàn cầu. Hệ thống tương tự đặt ở Ba Lan dự kiến hoạt động từ năm 2018.

Nga tái khởi động vũ khí "khắc tinh" lá chắn tên lửa Mỹ - 2

RS-24 sẽ được khai hỏa trong thời gian 5 phút kể từ khi nhận lệnh tác chiến.

Phát ngôn viên điện Kremlin ông Dmitry Peskov khẳng định lá chắn tên lửa của Mỹ “đe dọa trực tiếp tới an ninh nước Nga”.

Lầu Năm Góc và NATO đã “bao vây” Nga kể từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm tìm cách vô hiệu hóa năng lực hạt nhân của Moscow. Tuy nhiên, tàu hỏa Barguzin sẽ là “cú đấm thép” cho ý định của Washington.

Điểm mấu chốt của hệ thống tàu hỏa Barguzin là nó trông giống hệt một tàu chở hàng thông thường và không thể bị phát hiện. Hệ thống này sẽ di chuyển trên đường ray chạy dọc nước Nga, nơi có tuyến đường sắt dài thứ 2 thế giới. Tàu hỏa Barguzin có thể di chuyển 1.000km một ngày nên khả năng cơ động là rất cao.

Hệ thống tàu hỏa chứa tên lửa đạn đạo triển khai trong quân đội Xô Viết từ năm 1987 nhưng bị dừng lại năm 2007 theo Hiệp ước Giải trừ Vũ khí Hạt nhân START 2 ký với Mỹ. Tuy nhiên theo hiệp ước START mới ký ở Prague năm 2010, tàu hỏa Barguzin sẽ không vi phạm nội dung thỏa thuận.

Tàu hỏa Barguzin sẽ được trang bị 6 tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars và triển khai tác chiến dưới 5 phút. Hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và công nghệ tàng hình phức tạp sẽ giúp tàu hỏa Barguzin có được nhiều tính năng vượt trội.

Chuyên gia quân sự Nga Leonid Nersisyan cho biết việc Washington đơn phương rút lui khỏi Hiệp ước Tên lửa chống đạn đạo năm 2000 đã khiến quan chức Nga lo ngại và buộc phải tìm cách đối phó. Một điểm nữa khiến Nga dè chừng là Mỹ tuyên bố có vũ khí truyền thống độ chính xác cực cao tấn công mọi nơi trên thế giới bằng việc sử dụng công nghệ siêu âm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - Sputnik ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN