Mỹ ra báo cáo bác yêu sách 'quyền lịch sử' và 'chủ quyền' của TQ ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” và "chủ quyền" của Trung Quốc đối với các thực thể trên Biển Đông.

Hôm 12-1, Cục Đại dương, Môi trường Quốc tế và Các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo “Limits in the Seas” (Giới hạn trên các vùng biển) về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, báo cáo bác bỏ cái gọi là “các quyền lịch sử” và "chủ quyền" của Trung Quốc với hơn 100 thực thể ở vùng biển này, tờ South China Morning Post đưa tin.

Dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và phán quyết của Toà trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) năm 2016 trong vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông “phá ngoại nghiêm trọng quy tắc luật pháp trên biển”.

Trước đó, Bắc Kinh tự vẽ ra “đường chín đoạn”, đưa ra yêu sách "quyền lịch sử" đối với hơn 80% diện tích khu vực Biển Đông bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hình ảnh vệ tinh tháng 3-2018 chụp đảo Phú Lâm bị Trung Quốc bồi đắp trái phép. Ảnh: REUTERS

Hình ảnh vệ tinh tháng 3-2018 chụp đảo Phú Lâm bị Trung Quốc bồi đắp trái phép. Ảnh: REUTERS

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết rằng không có điều khoản nào của UNCLOS có thuật ngữ “quyền lịch sử”, cũng như không có cách hiểu thống nhất thuật ngữ này có nghĩa là gì trong luật pháp quốc tế.

Báo cáo viết: “Bất kỳ yêu sách nào đối với các quyền như vậy sẽ cần phải tuân theo các quy định của Công ước, bao gồm cả đối với các khu vực vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng biển cả”.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 100 thực thể ở Biển Đông là bãi chìm dưới mặt nước khi thuỷ triều dâng. Yêu sách này là trái với luật quốc tế vì chúng không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền và cũng không có khả năng làm cơ sở để xác định để mở rộng các vùng biển như lãnh hải.

Báo cáo nhấn mạnh rằng tình trạng pháp lý của bất kỳ thực thể địa lý nào phải được tính dựa trên "trạng thái tự nhiên" của nó chứ không phải là thông qua việc nạo vét, xây dựng đảo nhân tạo như Trung Quốc đã làm ở quần đảo Trường Sa trong thời gian qua.

Báo cáo khẳng định việc cải tạo đất hoặc tiến hành các hoạt động nhân tạo khác làm thay đổi trạng thái tự nhiên của thực thể khi thuỷ triều lên xuống không thể biến thực thể đó thành đảo.

Tài liệu này được xây dựng dựa trên những cảnh báo trước đây về các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.

Vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền ông Biden đã tán thành quyết định của chính quyền thời ông Trump rằng hầu như tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Chính quyền ông Biden tuyên bố sẽ dùng biện pháp quân sự nếu Trung Quốc tấn công bất kỳ tàu hoặc máy bay nào của Philippines ở trong khu vực.

Trước đó, phán quyết tháng 7-2016 của Toà trọng tài xác định Trung Quốc không có "quyền lịch sử" ở Biển Đông và tuyên bố các thực thể đá ở trên Biển Đông không thể được dùng để làm cơ sở đưa ra yêu sách lãnh thổ.

Trung Quốc luôn bác bỏ phán quyết này và người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này là ông Triệu Lập Kiên nói quyết định của toà trọng tài là một “tờ giấy không hợp lệ”.

Nguồn: [Link nguồn]

Giải mã dự luật Mỹ trừng phạt Trung Quốc ở Biển Đông

Việc cả hai đảng ủng hộ dự luật S.1657 đã chứng tỏ quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn sự bành trướng trái pháp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo ĐỨC HIỀN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN