Mỹ đang nhờ vả Nga để được ở lại Syria?
Mỹ khẳng định sẽ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự ở nhiều khu vực tại Syria đồng thời kêu gọi Nga tham gia hỗ trợ đảm bảo an toàn cho các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo tới khu trại tị nạn nằm gần biên giới Jordan.
Máy bay Mỹ hoạt động ở Syria.
Đại sứ đặc biệt của Tổng thống Donald Trump trong liên quân chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS của Mỹ, ông Brett McGurk hôm 21/12 cho hay, Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở căn cứ At Tanf, phía đông nam Syria cũng như nhiều khu vực khác ở quốc gia này nhằm đảm bảo IS không quay trở lại các vùng đã được giải phóng.
Theo ông McGurk, IS vẫn đang lởn vởn quanh căn cứ At Tanf và liên quân Mỹ còn một chặng đường dài nữa mới kết thúc sứ mệnh tiêu diệt IS.
“Chúng tôi đang có mặt ở căn cứ At Tanf và chúng tôi sẽ vẫn ở lại đây để đảm bảo IS không thể quay trở lại cũng như giải quyết tình hình khủng hoảng nhân đạo hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ ở lại nhiều khu vực khác tại Syria để ngăn IS quay trở lại”, Sputnik dẫn lời ông McGurk.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng kêu gọi Nga giúp đỡ đưa hàng cứu trợ tới khu tị nạn Al-Rukban nằm gần At Tanf.
“Khoảng 45.000 người dân Syria đang có mặt tại trại tị nạn Al-Rukban ngay gần biên giới Jordan và gần căn cứ At Tanf. Chúng tôi hy vọng Nga sẽ đồng thuận với kế hoạch chung hỗ trợ nhân đạo cho khu tị nạn”, ông McGurk nói thêm.
Trại tị nạn Al-Rukban nằm ở tỉnh Homs và cách căn cứ At-Tanf 18 km về phía nam đồng thời nằm trong vùng lãnh thổ do Mỹ kiểm soát ở khu vực biên giới giữa Syria và Jordan.
Hồi đầu tháng 11, Trung tâm Hòa giải dân tộc Syria của Nga đã cáo buộc Mỹ thành lập một căn cứ huấn luyện ngay gần trại tị nạn al-Rukban nhằm mục đích thiết lập một “nhóm đối lập ôn hòa mới”.
Sau đó, Nga đã đề nghị các quân nhân Mỹ hoạt động tại căn cứ At-Tanf hỗ trợ đảm bảo hành lang an toàn cho các tuyến hàng cứu trợ nhân đạo chuyển tới trại Al-Rukban. Phía liên quân Mỹ đã đồng thuận nhưng cho biết thêm, họ không nhận được thông báo chính thức từ chính quyền Syria về việc cho các phái đoàn nhân đạo đi qua.
Cũng theo ông McGurk, các thỏa thuận với Nga dù “đôi khi trở nên căng thẳng” nhưng tất cả đều hướng tới đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêu diệt IS.
Tuy nhiên, hôm 21/12, người đứng đầu phái đoàn Nga trong các đối thoại hòa giải Syria ở Astana, ông Alexander Lavrentyev cho rằng việc quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện ở Syria là bất hợp pháp và còn đang gia tăng về số lượng. Cũng theo ông Lavrentyev, những lý do mà Mỹ đưa ra liên quan tới sự hiện diện quân sự ở Syria bao gồm tại căn cứ At Tanf chỉ là “bao biện”.
Hồi tháng 10/2015, Nga và Mỹ đã ký một bản ghi nhớ song phương nhằm đảm bảo an toàn trên không cho lực lượng chiến đấu cơ hai nước khi cùng hoạt động trên không phận Syria.
Trong khi các lực lượng quân sự Nga hoạt động ở Syria sau lời đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar Assad, thì chiến dịch quân sự của liên quân Mỹ ở Syria lại không nhận được sự đồng thuận từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và chính quyền Damascus.
Bộ Quốc phòng Nga nói tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ áp sát cặp chiến đấu cơ Su-25 của Nga và thậm chí còn nổ súng, làm ảnh...