Moscow tố Ukraine lợi dụng thỏa thuận ngũ cốc để tấn công các mục tiêu Nga

Theo Moscow, không chỉ mỗi Ukraine lợi dụng thỏa thuận ngũ cốc mà còn cả các quốc gia thuộc EU.

Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng Ukraine và EU đang hưởng lợi lớn từ thỏa thuận ngũ cốc. Ảnh: Reuters

Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng Ukraine và EU đang hưởng lợi lớn từ thỏa thuận ngũ cốc. Ảnh: Reuters

Đài RT ngày 22/7 dẫn lời Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng, Ukraine đã lợi dụng thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen để tích lũy nguồn cung cấp nhiên liệu và nguồn lực quân sự lớn. Ông Polyansky còn cho biết, một số quốc gia thuộc EU cũng tận dụng thỏa thuận này để thu lợi từ các thực phẩm giá rẻ của Ukraine. 

"Kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian được đưa ra một năm trước, chính quyền Kiev đã xây dựng nguồn lực quân sự và công nghiệp quan trọng, cũng như năng lực dự trữ nhiên liệu ở các khu vực gần các cảng của họ ở Biển Đen", ông Polyansky nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được triệu tập sau khi Moscow tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc. 

Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc còn cho rằng, một số lượng lớn binh sĩ Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài cũng đóng quân tại các khu vực được bảo vệ trong thỏa thuận ngũ cốc. Ông Polyansky cho rằng Nga đã "khắc phục tình trạng này" bằng việc rời khỏi thỏa thuận. 

Vị quan chức Nga tại Liên Hợp Quốc cũng cáo buộc, quân đội Ukraine không ngại sử dụng các hành lang nhân đạo dành riêng cho việc vận chuyển ngũ cốc để tấn công mục tiêu dân sự và quân sự của Nga. Ông Polyansky nói thêm rằng cả Liên Hợp Quốc và các quốc gia phương Tây đều không có phản ứng nào với các cuộc tấn công như vậy.  

Theo đài RT, quân đội Nga nhiều lần thông báo về các nỗ lực của Ukraine nhằm tấn công các mục tiêu ở Crimea bằng cả máy bay không người lái và lực lượng hải quân. Phần lớn trong số đó bị hệ thống phòng thủ của Nga ngăn chặn. Vào tháng 5, Moscow tuyên bố quân đội Ukraine đã lợi dụng hành lang ngũ cốc để tấn công vào bán đảo Crimea. 

Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc cho rằng, thỏa thuận ngũ cốc ban đầu được thông báo là một sáng kiến nhân đạo nhằm giúp các quốc gia khó khăn nhất tránh khỏi khủng hoảng lương thực, nhưng cuối cùng bị phương Tây "thương mại hóa". 

"Người châu Âu mua nông sản của Ukraine với giá ưu đãi, sau đó chế biến và bán lại dưới dạng hàng hóa sản xuất có giá trị cao", ông Polyansky nói, đồng thời cho rằng một số quốc gia EU "được hưởng lợi gấp đôi" từ thỏa thuận ngũ cốc. "Vậy thử hỏi, đó có phải phục vụ mục đích cung cấp thực phẩm cho các quốc gia khó khăn nhất trên thế giới hay không?", ông Polyansky nói. 

Moscow nhiều lần nhấn mạnh rằng chỉ một tỷ lệ rất nhỏ ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine theo thỏa thuận ngũ cốc được chuyển đến các quốc gia khó khăn trên thế giới. Trong khi đó, số còn lại vẫn nằm ở châu Âu. 

Ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto cũng tuyên bố rằng "95% ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine không đến được châu Phi".  

Bộ Nông Nghiệp Mỹ cũng cho biết trong báo cáo tháng 7 rằng, gần một nửa lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine được đưa tới các điểm đến ở EU sau khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết.  

Nguồn: [Link nguồn]

Các bên liên quan phản ứng sao khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc?

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc qua Biển Đen, các bên liên quan phản ứng ra sao?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm Hoa - RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN