Loài trăn khó đánh bại nhất hành tinh

Trăn Calabar với lớp da siêu cứng không khác gì loài tê giác, được đánh giá là một trong những loài sinh vật khó đánh bại nhất trên Trái đất.

Theo Earth Touch News, loài trăn màu vàng nâu Calabar chỉ dài khoảng một mét, không có nọc độc và chuyên săn động vật nhỏ.

Chúng dành phần lớn thời gian sống dưới đất và thảm lá mục trong những khu rừng ấm ở châu Phi. Chuột non là món ăn ưa thích của trăn Calabar nên chúng thường chui vào hang săn chuột.

Trong khi săn chuột non, trăn Calabar phải đối mặt với nguy hiểm lớn là phản ứng tự vệ của chuột bố mẹ. Chuột trưởng thành sở hữu những đòn tấn công không hề dễ chịu.

Loài trăn khó đánh bại nhất hành tinh - 1

Trăn Calabar có lớp da dày gấp 15 lần so với các loài trăn khác.

Những chiếc răng cửa lớn và sắc của chuột có thể gây ra vết thương nghiêm trọng, thậm chí lấy mạng kẻ thù. Nhưng các nghiên cứu nhận thấy trăn Calabar không hề sợ hãi trước chuột trưởng thành.

"Khi bị tấn công hoặc đe dọa, thay vì chạy trốn, chúng tự vệ bằng cách cuộn mình, giấu đầu và nhô cao phần đuôi có màu sáng hơn so với phần còn lại của cơ thể", nhóm nghiên cứu ở Đại học Missouri nói.

Loài trăn khó đánh bại nhất hành tinh - 2

Calabar được mệnh danh là "tê giác trong thế giới loài rắn".

Để tìm hiểu bí quyết săn mồi của loài trăn, các nhà nghiên cứu kiểm tra lớp da của chúng. Họ đo độ dày của da, xem xét cấu trúc hiển vi của da và dùng kim tiêm đâm thẳng vào mẫu vật.

Nhóm nghiên cứu phát hiện da của trăn Calabar dày và cứng giống như một bộ áo giáp. So với những loài trăn hoặc rắn có cùng kích thước, da của loài này dày hơn tới 15 lần. Cách bố trí vảy độc đáo trên da trăn Calabar giúp che giấu những điểm yếu.

Loài trăn khó đánh bại nhất hành tinh - 3

Trăn Calabar cái bảo vệ những quả trứng của mình.

Da chúng không hoàn toàn chống đâm thủng, nhưng cần tác động nhiều lực hơn lên cây kim để đâm xuyên qua so với các loài khác trong thí nghiệm. Điều đó có nghĩa là bộ áo giáp này hoàn toàn có thể bảo vệ trăn khỏi hàm răng của chuột bố mẹ.

Nhưng vì sao trăn Calabar lại có thể cứng cáp như vậy trong khi vẫn di chuyển hết sức linh hoạt? Lời giải đáp nằm sâu bên trong lớp hạ bì, nơi hàng bó collagen được sắp xếp theo các lớp đan chéo.

Đây cũng là đặc trưng của da tê giác, vốn vô cùng rắn chắc. Vì những lý do này mà các nhà nghiên cứu còn gọi trăn Calabar là "tê giác trong thế giới loài rắn".

Video: Trăn khổng lồ đại chiến, nuốt chửng cá sấu hung dữ

Một con trăn Miến Điện khổng lồ được ghi hình đại chiến cá sấu hung dữ và cuối cùng chỉ có một kẻ sống sót.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Earth Touch News ([Tên nguồn])
Thế giới động vật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN