Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt

Sự kiện: Hội Tam Hoàng

Hội Tam Hoàng từng phát triển khá mạnh ở thành thị và thôn quê 6 tỉnh Nam kỳ, nơi đón nhận khá nhiều Hoa kiều từ tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến sang Việt Nam mua lúa gạo cách nay hơn một thế kỷ, và tồn tại đến năm 1975.

Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt - 1

Khu vực Chợ Lớn (Sài Gòn) trước đây là nơi nhiều băng nhóm tội phạm, trong đó có Hội Tam Hoàng hoạt động

Hội Tam Hoàng xưa kia theo chân những người Hoa phản Thanh phục Minh du nhập vào Việt Nam. Khi triều đại phong kiến Mãn Thanh sụp đổ, mục tiêu của Hội Tam Hoàng, hay Thiên Địa hội ở ở Trung Quốc thay đổi từ chính trị sang hoạt động xã hội đen. Còn ở Việt Nam, các bang hội này đã biến chất từ lâu.

Theo một số tài liệu, cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, Thiên Địa hội phát triển khá mạnh ở thành thị và thôn quê 6 tỉnh Nam kỳ, nơi đón nhận khá nhiều Hoa kiều từ tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến sang mua lúa gạo, được thực dân Pháp gián tiếp nâng đỡ và khuyến khích: người Hoa kiều đem tiền về xứ, thăm quê quán dễ dàng, các bang mang tính chất tự trị, trong phạm vi nhỏ. Một số Hoa kiều đã tổ chức Thiên Địa hội để giữ độc quyền thương mại trong địa bàn nhất định, để lợi dụng thực dân Pháp.

Nam Kỳ trong những năm 1920 và 1930 mang đặc trưng của một thế giới  tội phạm ngầm có căn cứ ở vùng đầm lầy phía đông nam Chợ Lớn. Khu vực này thường xuyên xảy ra những vụ đạo tặc cướp  tài sản và ám sát.

Nơi trú ẩn của những đối tượng này là vùng Rừng Sát mà từ đó chúng triển khai các phi vụ. Các băng nhóm và gia đình tội phạm thống trị tuyệt đối khu vực này, và kết nối với nhau thông qua quan hệ hôn nhân, lập hội và thực hiện các hoạt động chống Pháp cùng hội Tam Hoàng Trung Quốc và các hội kín khác ở Việt Nam.

Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt - 2

Một thời, nhiều doanh nghiệp và gia đình giàu có ở Sài Gòn chịu sự kiểm soát của nhiều băng nhóm khác nhau, đặc biệt là hội Tam Hoàng.

Hội Tam Hoàng hoạt động mạnh ở những thành phố có đông cộng đồng người Hoa. Khi Việt Nam là thuộc địa của Pháp, nhiều doanh nghiệp và gia đình giàu có ở Sài Gòn (đặc biệt ở khu người Hoa), chịu sự giám hộ và kiểm soát của nhiều băng nhóm khác nhau. Những người không trả tiền bảo kê sẽ bị hội Tam Hoàng trả thù bằng nhiều hình thức, từ tấn công, bắt cóc đòi tiền chuộc, phá hoại tài sản, cướp hay giết hại.

Trong những năm 1950-1960, Chợ Lớn xuất hiện nhiều ông "vua không ngai" người Hoa, như "vua hàng phế liệu chiến tranh", "vua lúa gạo", "vua sắt thép", "vua xuất nhập khẩu"..., đều có quan hệ chặt chẽ với Tam Hoàng. Trong số đó có "vua bột ngọt" Trần T. là một thủ lĩnh cao cấp của Tam Hoàng.

Những ông vua này thao túng giá cả, chèn ép dân thường một thời gian dài, khiến "tướng râu kẽm" Nguyễn Cao Kỳ quyết định xử bắn Tạ Vinh, một trong những "vua không ngai" ngành lúa gạo ở Chợ Lớn. Các thành viên hội Tam Hoàng khi đó ráo riết tìm mọi cách để cứu hoặc giảm án cho Tạ Vinh, nhưng không có kết quả.

Hội Tam Hoàng: Một thời vùng vẫy trên đất Việt - 3

AP đưa tin vụ xử bắn Tạ Vinh năm 1966

Ngô Đình Diệm sau khi được đưa lên nắm quyền ở miền Nam đã ra lệnh cho quân đội xóa sổ, tước vũ khí các nhóm tội phạm có tổ chức ở vùng Sài Gòn – Gia Định – Biên Hòa – Vũng Tàu, và các thành phố như Mỹ Tho và Cần Thơ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngô Đình Diệm cũng cho truy quyét các nhà thổ, tiệm mát-xa, sòng bạc và ổ đánh bạc, ổ thuốc phiện và câu lạc bộ đêm vì đây đều là những cơ sở của các nhóm thuộc hội Tam Hoàng.

Thấy rằng thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều, giới chức tìm cách hỗ trợ doanh nhân địa phương bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa. Đạo luật 53 ở miền Nam được ban hành năm 1956 để cấm ngoại kiều (nhắm vào Hoa kiều) tham gia 11 nghề liên quan đến thóc gạo, điền địa, buôn bán thịt cá, than đá, dầu lửa, thu mua sắt vụn… Những người Hoa cũng sẽ bị trục xuất nếu họ không chịu nhập quốc tịch Việt. Tính đến năm 1961 thì trong số 1.000.000 Hoa kiều ở miền Nam chỉ còn 2.000 giữ Hoa tịch.

Ở miền Bắc, từ sau khi giành độc lập (năm 1945), hoạt động truy quét tội phạm còn quyết liệt hơn. Nhiều nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó có Tam Hoàng, bị bắt giam, những cơ sở kinh doanh và tài sản của các nhóm này cũng bị tịch thu và sung công.

Sau năm 1975, nhiều người Hoa, trong đó có các thành viên hội Tam Hoàng trở về Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong, Đài Loan rồi đến các quốc gia khác. Tam Hoàng ở Việt Nam dần tan, theo thời gian chỉ còn là một mảnh ký ức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Hội Tam Hoàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN