Gaza 'chỉ còn lại đất'

Xung đột Israel-Hamas không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người dân Dải Gaza (Palestine) mà còn khiến môi trường tại đây bị ô nhiễm nặng nề.

Trong một nhà kho đổ nát ở TP Rafah (nam Gaza, Palestine), cô Soha Abu Diab đang sống cùng 3 con gái nhỏ và hơn 20 thành viên khác trong gia đình. Họ không có nước sinh hoạt, không có nhiên liệu, bị nước thải và chất thải chất đống bao quanh.

Giống như nhiều cư dân Gaza khác, họ lo sợ không khí mà họ hít thở chứa nhiều chất ô nhiễm và sợ dùng nguồn nước mang mầm bệnh. Bên kia đường là những vườn cây ăn trái và vườn ô liu bị san bằng, đất nông nghiệp bị bom và máy ủi phá hủy, theo tờ The Guardian.

“Cuộc sống này không phải là cuộc sống. Ô nhiễm ở khắp mọi nơi – trong không khí, trong nước chúng tôi tắm, trong nước chúng tôi uống, trong thực phẩm chúng tôi ăn, trong khu vực xung quanh chúng tôi” – cô Abu Diab nói.

Xe tăng Israel gần khu vực tiếp giáp Dải Gaza. Ảnh: AFP

Xe tăng Israel gần khu vực tiếp giáp Dải Gaza. Ảnh: AFP

Đối với cô Abu Diab và những người dân Gaza khác, cái giá phải trả cho cuộc xung đột đang tiếp diễn không chỉ là nhiều người thiệt mạng mà còn là môi trường sinh thái bị phá hủy.

Toàn bộ thiệt hại ở Gaza vẫn chưa thể tính toán được, nhưng phân tích hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 38% đến 48% diện tích cây cối và đất nông nghiệp đã bị phá hủy.

Những vườn ô liu và trang trại bị cày xới. Đất và nước ngầm bị đạn dược và chất độc gây ô nhiễm. Môi trường biển bị nước thải, rác thải làm ô nhiễm. Không khí cũng bị khói làm không còn trong lành.

Các nhà nghiên cứu và các tổ chức môi trường cho biết việc tàn phá này sẽ có tác động to lớn đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Gaza.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ tuân thủ luật pháp quốc tế và cố gắng hạn chế thiệt hại đối với các lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

“Lực lượng Phòng vệ Israel không cố ý làm tổn hại đến đất nông nghiệp và cố gắng tìm cách ngăn chặn tác động đến môi trường” – đại diện Lực lượng Phòng vệ Israel trả lời tờ The Guardian.

“Chỉ còn lại đất”

Hình ảnh vệ tinh, ảnh chụp và đoạn phim quay lại cho thấy đất nông nghiệp, vườn cây ăn trái và vườn ô liu của Gaza đã bị xung đột tàn phá nặng nề.

Ông He Yin – nhà nghiên cứu tại ĐH bang Kent (Mỹ) – đã phân tích hình ảnh vệ tinh và kết luận có tới 48% diện tích cây che phủ ở Gaza đã bị mất hoặc bị hư hỏng từ ngày 7-10-2023 đến ngày 21-3-2024.

Cùng với sự tàn phá trực tiếp từ các cuộc tấn công của lực lượng Israel, việc thiếu nhiên liệu đã buộc người dân ở Gaza phải chặt cây để nấu ăn hoặc sưởi ấm.

“Vùng cây ăn quả gần như mất cây hết, chỉ còn lại đất. Bạn không nhìn thấy thứ gì cả” – ông Yin nói.

Phân tích của Forensic Architecture (FA) – một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Anh – cũng cho thấy kết quả tương tự.

Người dân Gaza tại một trang trại sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP

Người dân Gaza tại một trang trại sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP

Trước ngày 7-10-2023, các trang trại và vườn cây ăn quả có diện tích khoảng 170 km vuông, tương đương 47% tổng diện tích đất đai của Gaza. Đến cuối tháng 2, FA ước tính rằng hoạt động quân sự của Israel đã phá hủy hơn 65 km vuông, tương đương 38% diện tích các vùng đất nói trên.

Ngoài đất canh tác, hơn 7.500 nhà kính đã tạo thành một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Gaza. Tuy nhiên, theo phân tích của FA, gần 1/3 lượng nhà kính đã bị phá hủy hoàn toàn.

“Những gì còn lại là sự tàn phá”

Bà Samaneh Moafi, trợ lý giám đốc nghiên cứu của FA, cho rằng sự tàn phá này là có hệ thống.

Bà cho biết các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để ghi lại quá trình nhiều nhà kính bị phá hủy. Sau khi máy bay oanh tạc các nhà kính, lực lượng Israel trên mặt đất đã đến các nhà kính này và tháo dỡ chúng. Trong khi đó, máy kéo, xe tăng và các phương tiện nhổ bật các vườn cây ăn quả và cánh đồng hoa màu.

"Những gì còn lại là sự tàn phá. Một khu vực không còn có thể sống được nữa” – bà Moafi nói.

Cuộc điều tra của FA đã xem xét một trang trại ở Jabalia (phía đông bắc Gaza), được gia đình ông Abu Suffiyeh canh tác trong khoảng 10 năm qua. Sau khi gia đình ông sơ tán vào nam Gaza, trang trại đã bị phá hủy và các vườn cây ăn quả bị nhổ bỏ hoàn toàn. Lực lượng Israel sau đó cho xây dựng các công trình quân sự tại đây.

“Hầu như không thể nhận ra. Không có dấu vết nào của vùng đất mà chúng tôi biết. Họ đã xóa nó hoàn toàn. Bây giờ nó vẫn giống như sa mạc. Ở đó không có một cái cây nào cả. Nếu tôi đến đó, tôi sẽ không thể nhận ra nó” – một thành viên gia đình ông Suffiyeh cho hay.

Theo The Guardian, kể từ khi xung đột bắt đầu, Israel đã thả hàng chục ngàn quả bom xuống Gaza. Khoảng 50% đến 62% tổng số tòa nhà tại Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy.

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) ước tính rằng tính đến tháng 1-2024, các vụ đánh bom đã gây ra 22,9 triệu tấn mảnh vụn gạch đá và vật liệu nguy hiểm.

“Đây là một lượng mảnh vụn cực kỳ lớn, đặc biệt là đối với một khu vực nhỏ như vậy. Các thành phần của mảnh vụn gạch đá và đống đổ nát có thể chứa các chất có hại như kim loại nặng, chất gây cháy, vật liệu chưa nổ và các hóa chất độc hại” – báo cáo của UNEP cho hay.

Một trẻ em ở Gaza lấy nước sử dụng. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Một trẻ em ở Gaza lấy nước sử dụng. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Không chỉ vậy, rác, nước thải cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Gaza.

“Nước thải và chất thải xung quanh nhà là một thảm kịch lớn. Chó và mèo bị rác thải thu hút và tìm đến. Sau đó, chó, mèo mang rác rải dọc đường phố” – cô Abu Diab nói.

Ông Wim Zwijnenburg – người điều tra tác động của các cuộc xung đột đến môi trường tại tổ chức hòa bình PAX (Hà Lan) – cho rằng: “Xung đột nói chung sẽ làm sụp đổ mọi thứ. Ở Gaza, nó khiến người dân phải đối mặt nhiều rủi ro hơn do ô nhiễm. Mọi thứ dân thường phụ thuộc vào đã bị hủy diệt”.

Ông Zwijnenburg cho biết PAX đã xác định được ít nhất 60 bãi rác thải tự phát ở miền trung và miền nam Gaza. Ngoài ra, UNEP cho biết mỗi ngày người dân Gaza thải khoảng 100.000 m khối nước thải ra biển.

Ông Ameer – một cư dân ở Rafah – cho biết mọi người mệt mỏi trước tình trạng ô nhiễm trong không khí do người dân sử dụng gỗ hoặc nhựa để đốt lửa, ô tô chạy bằng dầu ăn và khói do chính các vụ đánh bom để lại.

“Mùi hôi thật kinh khủng và khói bốc ra từ ô tô khiến tôi không thể chịu nổi. Nó khiến tôi phát ốm trong nhiều ngày. Mùi thuốc súng và những loại khí khủng khiếp này đang thực sự gây hại cho cả con người và môi trường” – ông Ameer nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tạp chí +972 dẫn thông tin từ 6 quan chức tình báo Israel tiết lộ quân đội Israel sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định mục tiêu tấn công ở Dải Gaza.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN