Ecuador: Mafia cướp sóng truyền hình, bắt nhân viên nhà tù, cảnh sát và sát hại ứng viên Tổng thống

Quan chức cảnh sát địa phương Richard Vaca ngày 30/3 cho biết, khoảng 20 kẻ tấn công vào khách sạn ở thị trấn ven biển Ayampe, miền nam Ecuador ngày 29/3, bắt cóc 6 người lớn cùng một trẻ em. Những du khách bị bắt cóc, đều là công dân Ecuador. Vài giờ sau, thi thể 5 người lớn được tìm thấy trên một con đường, tất cả đều tử vong do trúng đạn. Chưa rõ tình trạng của đứa trẻ.

"Những kẻ tấn công dường như nhầm họ với thành viên băng đảng ma túy đối thủ", ông Vaca cho hay. Tổng thống Ecuador Daniel Noboa cho biết, một nghi phạm liên quan vụ sát hại du khách đã bị bắt và chính phủ đang truy tìm những kẻ còn lại.

Bạo lực khắp nơi lan sang cả chính trị

An ninh ở Ecuador đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi đại dịch virus corona tàn phá nền kinh tế của quốc gia vùng Andean này. Chính phủ cho biết số người chết do bạo lực đã tăng lên 8.008 vào năm 2023, gần gấp đôi con số năm 2022. Bạo lực lan sang lĩnh vực chính trị vào năm ngoái khi một ứng cử viên tổng thống chống tham nhũng bị ám sát. Chính phủ đổ lỗi cho tình trạng này là do sự mở rộng ngày càng tăng của các băng đảng buôn cocaine, những kẻ đã gây bất ổn cho nhiều vùng ở Nam Mỹ.

Bên trong các nhà tù ở Ecuador, các băng đảng đã lợi dụng sự kiểm soát yếu kém của nhà nước để mở rộng quyền lực. Bạo lực trong nhà tù ngày càng trở nên phổ biến, khiến hàng trăm người thiệt mạng trong các vụ việc mà chính quyền đổ lỗi cho các cuộc chiến băng đảng nhằm kiểm soát nhà tù.

Tổng thống Ecuador Daniel Noboa phát động một cuộc trấn áp bằng quân sự đối với các băng nhóm tội phạm. Ảnh: globalnews.

Tổng thống Ecuador Daniel Noboa phát động một cuộc trấn áp bằng quân sự đối với các băng nhóm tội phạm. Ảnh: globalnews.

Guayaquil, một thành phố ven biển lớn nhất của Ecuador, được coi là nguy hiểm nhất đất nước, với các cảng đóng vai trò là trung tâm buôn lậu ma túy. Ông  Noboa, 36 tuổi, với chiến dịch "Kế hoạch Phượng hoàng" về an ninh, bao gồm việc thành lập một đơn vị tình báo mới, vũ khí chiến thuật cho lực lượng an ninh, các nhà tù mới có đảm bảo an ninh cao và tăng cường an ninh tại các cảng và sân bay. Ông cho biết, chương trình sẽ tiêu tốn khoảng 800 triệu USD, mặc dù 200 triệu USD vũ khí mới cho quân đội Ecuador sẽ do Hoa Kỳ cung cấp. "Tôi đã ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố xung đột vũ trang nội bộ", Tổng thống Daniel Noboa vừa viết trên mạng xã hội. "Tôi đã ra lệnh cho lực lượng vũ trang thực hiện các hoạt động quân sự để vô hiệu hóa các băng nhóm này".

Bạo loạn nhà tù rộng khắp

Cảnh sát vừa cho biết Adolfo Macias, thủ lĩnh băng tội phạm Los Choneros, đã biến mất khỏi nhà tù nơi hắn đang thụ án 34 năm. Cơ quan chức năng đang cố gắng truy lùng hắn ta.

Trong khi đó, bạo lực đã xảy ra tại ít nhất sáu nhà tù mới đây. Hai ngày sau, hơn 100 lính canh và nhân viên khác vẫn đang bị các tù nhân bắt làm con tin. Tại Riobamba, thủ phủ một tỉnh ở miền trung Ecuador, 39 tù nhân đã trốn thoát khỏi nhà tù, mặc dù một số đã bị bắt trở lại. Bạo lực lan ra đường phố, khiến hai sĩ quan cảnh sát thiệt mạng ở tỉnh Guayas, nơi có thành phố Guayaquil. Bảy sĩ quan cảnh sát cũng bị bắt cóc trên khắp đất nước, mặc dù ba người đã được trả tự do. Bạo lực được thể hiện rõ ràng nhất khi một nhóm trùm đầu mang súng trường và lựu đạn xông vào trường quay đài truyền hình TC ở thành phố cảng Guayaquil, sau đó bắt nhân viên nằm rạp xuống đất. Đèn trường quay tắt phụt nhưng chương trình phát sóng trực tiếp vẫn tiếp tục

Khán giả có thể nghe thấy tiếng một người la hét đau đớn trong bóng tối. El Universosa cho biết phóng viên của nhà đài đã nhắn tin cho nhiều nhóm để cầu xin giúp đỡ. Chương trình của TC phát sóng trực tiếp thêm ít nhất 15 phút rồi tín hiệu bị cắt. Nửa giờ sau khi băng nhóm xông vào trường quay, cảnh sát ập vào tòa nhà. Cảnh sát Guayaquil sau đó xác nhận đã bắt giữ 13 nghi phạm. Cảnh sát Ecuador cho biết trên mạng xã hội X rằng, họ đã giải thoát được các con tin, dù chưa rõ liệu có ai bị thương hay không.

Vụ nổ cũng được xác nhận tại một số thành phố hồi cuối tháng 3, mặc dù không có báo cáo về thương tích. Ông Noboa, người đã thề sẽ không đàm phán với "những kẻ khủng bố", cho biết bạo lực là phản ứng trước kế hoạch của chính phủ ông nhằm xây dựng một nhà tù an ninh cao mới dành cho các thủ lĩnh băng đảng đang bị bỏ tù.

Một bức ảnh do Lực lượng Vũ trang Ecuador cung cấp cho thấy, các binh sĩ Thủy quân lục chiến thực hiện một chiến dịch sau cuộc bạo loạn tại Nhà tù Khu vực Litoral ở Guayaquil, ngày 8/1/2023. Ảnh: Daily Mail.

Một bức ảnh do Lực lượng Vũ trang Ecuador cung cấp cho thấy, các binh sĩ Thủy quân lục chiến thực hiện một chiến dịch sau cuộc bạo loạn tại Nhà tù Khu vực Litoral ở Guayaquil, ngày 8/1/2023. Ảnh: Daily Mail.

Bạo loạn khiến doanh nghiệp và trường học ngừng hoạt động

Ông Noboa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày - một công cụ được người tiền nhiệm Guillermo Lasso sử dụng nhưng không mấy thành công, cho phép quân đội tuần tra, kể cả trong các nhà tù và thiết lập lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc. Trong một nghị định cập nhật được công bố, Noboa cho biết ông thừa nhận một “cuộc xung đột vũ trang nội bộ” ở Ecuador và xác định một số băng nhóm tội phạm là nhóm khủng bố, bao gồm cả Los Choneros. Sắc lệnh ra lệnh cho lực lượng vũ trang vô hiệu hóa các nhóm. Cảnh sát cho biết rằng 70 người đã bị bắt  để đối phó với các vụ việc như tiếp quản đài truyền hình.

Các trường học đã đóng cửa trên khắp đất nước với các lớp học diễn ra qua mạng và nhiều doanh nghiệp chọn đóng cửa trong ngày. Liên minh cầm quyền của Noboa, một liên minh rộng lớn gồm các nhóm trung tả, trung hữu và trung dung, chiếm đa số trong Quốc hội, điều mà Lasso thiếu, nhưng một số người dân Ecuador đang đặt câu hỏi tại sao tổng thống không thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn đối với các băng nhóm. Nhà lãnh đạo dự định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tập trung vào vấn đề an ninh vào cuối năm nay, bao gồm việc hỏi công chúng xem liệu chính phủ có nên hủy bỏ lệnh cấm dẫn độ những người Ecuador bị truy nã ra nước ngoài hay không và liệu có nên cho phép tịch thu tài sản từ những tội phạm bị tình nghi hay không.

Truy tìm Adolfo Macias, thủ lĩnh băng tội phạm Los Choneros. Ảnh: NYT.

Truy tìm Adolfo Macias, thủ lĩnh băng tội phạm Los Choneros. Ảnh: NYT.

Khó khăn để kiểm soát tội phạm có tổ chức

Tổng thống Daniel Noboa phát động một cuộc trấn áp quân sự nhằm vào các băng nhóm ma túy mà các chuyên gia cho rằng có thể mất nhiều năm. Bạo lực gia tăng bên trong đất nước Ecuador từng tương đối yên bình đã làm choáng váng những nhà quan sát lâu năm, những người lo ngại về cách chính phủ sẽ ứng phó. Max Cameron, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học British Columbia, người nghiên cứu về Mỹ Latinh, cho biết: “Đây là một trong những thay đổi mạnh mẽ nhất trong địa chính trị Nam Mỹ trong những năm gần đây”. Bạo lực ở Ecuador đã gia tăng kể từ năm 2022, với nhiều cuộc bạo loạn chết người nổ ra bên trong các nhà tù của đất nước mà chính quyền cho rằng nguyên nhân là do các băng đảng tranh giành quyền kiểm soát gây ra.

Tỷ lệ giết người tại Ecuador đã tăng gấp 4 lần từ năm 2018 đến năm 2022. Năm 2023 là năm bạo lực nhất, đồng thời là năm mà lực lượng chức năng bắt giữ số ma túy kỷ lục là 220 tấn. Các quan chức chỉ ra sự mở rộng ngày càng tăng của các băng nhóm buôn bán ma túy quốc tế chuyên vận chuyển cocaine được sản xuất ở Nam Mỹ. Theo các quan chức chính phủ và báo cáo độc lập, Ecuador bị kẹp bởi Peru ở phía nam và Colombia ở phía bắc - cả hai trung tâm sản xuất cocaine lớn hiện đang sử dụng Ecuador làm tuyến đường buôn lậu. Trong một chiến dịch bầu cử chớp nhoáng được kêu gọi vào năm ngoái trong bối cảnh áp lực chống bạo lực ngày càng tăng, ứng cử viên tổng thống chống tham nhũng Fernando Villavicencio đã bị ám sát. 

Fernando Villavicencio bị bắn chết trên đường rời khỏi một sự kiện vận động tranh cử ở Quito vào tối 9/8 năm ngoái. Ông Villavicencio được cho là ứng viên có tiềm năng trong cuộc đua tổng thống  của Ecuador. Vụ ám sát đã châm ngòi cho cuộc đấu súng giữa các nghi phạm và cận vệ của ông Villavicencio, Tổng thống Lasso cho biết. Những kẻ tấn công còn ném lựu đạn nhưng bị xịt.

Sau cuộc đụng độ, 1 nghi phạm đã chết, 9 người bị thương. 6 người khác bị bắt giữ, ra tòa cùng ngày 10/8 năm ngoái. Ông Villavicencio là một trong những người tích cực chống tham  của Ecuador, đặc biệt là trong giai đoạn 2007-2017. Trước khi bước chân vào chính trường với chủ trương chống tham nhũng, ông từng là nhà báo chuyên điều tra hành vi tiêu cực của quan chức.

Cái chết của ông Villavicencio - người đã được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát sau khi nhận được nhiều lời đe dọa tới tính mạng - là ví dụ mới nhất phản ánh khó khăn của khu vực Mỹ Latinh trong việc kiểm soát tội phạm có tổ chức và bạo lực chính trị. Kết quả một cuộc thăm dò được công bố vào ngày ông Villavicencio bị sát hại cho thấy ứng viên này đứng thứ 2 trong số 8 ứng viên tranh cử.

Mở nhà tù lớn hơn?

Ông Noboa nói với đài phát thanh  rằng đất nước đang “có chiến tranh” với các băng đảng ma túy mà ông gọi là “các nhóm khủng bố”. Ông ước tính có khoảng 20.000 thành viên băng đảng tội phạm đang hoạt động ở Ecuador. Hiện Noboa dự định tiến hành “cuộc chiến” với các băng nhóm như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Nhưng người Ecuador cho biết, mô hình này đã có sẵn ở những nơi khác ở châu Mỹ Latinh. “Tổng thống Noboa phải làm những gì mà El Salvador đã làm”, Humberto Poggi del Salto, một doanh nhân ở Guayaquil, nói với hãng tin AP. “Tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Và đó là do thiếu các biện pháp cực đoan”.

Hai năm trước, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã đình chỉ các quyền hiến định để tiến hành một cuộc chiến tổng lực chống lại các băng đảng bạo lực. Tỷ lệ bạo lực tội phạm giảm mạnh kể từ đó đã khiến nhà lãnh đạo 42 tuổi trở nên nổi tiếng ở quê nhà và khắp châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, các vụ bắt giữ hàng loạt hàng chục nghìn thành viên băng đảng bị tình nghi - nhiều người trong số họ được cho là vô tội - và việc mở một "nhà tù lớn" gây tranh cãi đã làm dấy lên cáo buộc vi phạm nhân quyền tràn lan ở El Salvador. Cameron, Giáo sư của UBC, cho biết chính phủ của Noboa phải tập trung vào chiến lược dài hạn bao gồm tăng cường quản trị của chính mình và loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng. Chuyển thẳng sang phản ứng cứng rắn cho thấy Tổng thống Ecuador “đã thua trận”.

Ông nói: “Khi bạo lực hình sự đến mức này, bạn phải làm gì đó để giải quyết nó. “Nhưng bạn cũng phải xem tại sao bạo lực này có thể xảy ra ngay từ đầu và những nhóm này lan rộng như thế nào. Và điều đó sẽ không được giải quyết với tình trạng ban bố khẩn cấp kéo dài 60 ngày”. Ông nhấn mạnh, liệu tình trạng khẩn cấp và phản ứng quân sự có kéo dài quá 60 ngày đó hay không sẽ quyết định tương lai của Ecuador trong nhiều năm tới. “Tôi nghĩ đây là điều mà chúng ta có thể gọi là một thời điểm quan trọng”, theo nhà nghiên cứu trên.

Nguồn: [Link nguồn]

Mexico mới đây công bố video về cuộc đột kích của cảnh sát Ecuador vào Đại sứ quán Mexico, gọi hành động này là "cuộc đột nhập trái phép và bạo lực".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Nguyễn ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN