Được tên lửa bắn xa, Kim Jong-un mất gì trong năm 2017?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc năm 2017 với thành công sở hữu tên lửa đạn đạo tầm xa tầm bắn bao trùm lãnh thổ Mỹ, nhưng cũng khiến Triều Tiên lâm vào cảnh mất rất nhiều "bạn bè".

Được tên lửa bắn xa, Kim Jong-un mất gì trong năm 2017? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Khiến cả thế giới chú ý

Theo Washington Post, Kim Jong-un đọc thông điệp đầu năm 2017 với tuyên bố Triều Tiên “bước vào giai đoạn cuối cùng của một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa”.

Trong bối cảnh năm 2017 sắp kết thúc, ông Kim không chỉ giữ lời hứa này mà còn đạt được bước tiến vượt bậc. Đó là tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến 13.000km, đủ sức tấn công thủ đô Washington D.C của Mỹ.

Sức công phá của đầu đạn hạt nhân Triều Tiên được cho là gấp 17 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Rõ ràng, ông Kim đã khiến cả thế giới phải chú ý.

Bước phát triển vũ khí ở Triều Tiên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump còn gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “Người tên lửa”.

Theo Washington Post, 2017 là một năm thành công với Kim Jong-un.

Được tên lửa bắn xa, Kim Jong-un mất gì trong năm 2017? - 2

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên.

“Kim Jong-un nắm quyền tuyệt đối ở Triều Tiên. Chương trình vũ khí hạt nhân đã hoàn thiện 90-95%, không có dấu hiệu về một sự bất ổn trong nội bộ đất nước”, Sue Mi Terry, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên tại CIA nói.

Sau 25 vụ phóng tên lửa trong năm nay, bao gồm 3 lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, Triều Tiên rõ ràng đang trên con đường trở thành cường quốc hạt nhân toàn diện.

Chuyên gia Terry nói, Bình Nhưỡng đã làm chủ công nghệ đưa đầu đạn quay trở lại khí quyển thành công. “Triều Tiên chỉ còn cách một bước chân trước khả năng hủy diệt Mỹ”.

Được tên lửa bắn xa, Kim Jong-un mất gì trong năm 2017? - 3

Ông Kim đang trên con đường đưa Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân sau 6 năm cầm quyền.

Ken Gause, chuyên gia về Triều Tiên ở Mỹ cho rằng, mạng lưới quyền lực mà cố lãnh đạo Kim Jong-il xây dựng đang dần thay thế bằng những người trung thành với Kim Jong-un.

“Có nhiều điều thay đổi bên trong Triều Tiên”, ông Gause nói. “Đây không phải là Triều Tiên cách đây một năm trước”.

Theo ông Gause, Kim Jong-un cứng rắn nhưng cũng hết sức thực dụng và có tầm nhìn xa. Mục tiêu tối thượng mà Kim Jong-un theo đuổi dĩ nhiên là sự tồn vong của đất nước Triều Tiên.

Đồng minh quay lưng

Tuy gặt hái được nhiều thành công, chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân của ông Kim cũng khiến Triều Tiên đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là bị cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt và nhiều đồng minh cũ quay lưng.

Một số nước châu Phi như Sudan đã cắt quan hệ với Triều Tiên, để đổi lấy khả năng Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Uganda  tuyên bố ngừng giao thương với Triều Tiên và quốc gia này đã yêu cầu các nhân viên quân sự Triều Tiên trở về nước. Botswana cũng ngừng quan hệ với Triều Tiên vì lý do không thể ủng hộ một chính phủ “vi phạm nhân quyền với người dân”.

Cũng trong năm nay, các nước Kuwait, Mexico và Peru đã trục xuất đại sứ Triều Tiên. Kuwait còn ngừng cấp visa cho các công dân Triều Tiên.

Đồng minh lớn và thân cận như Trung Quốc và quốc gia láng giềng Nga thời gian qua cũng công khai phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên, ít nhiều ủng hộ những lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc.

Cựu quan chức Trung Quốc hồi tuần trước nói chính chương trình hạt nhân Triều Tiên là điều khiến quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng lạnh nhạt. Ông Kim đã không giữ đúng lời hứa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như cam kết trước đây của cha và ông nội.

Mới đây nhất, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt dầu mỏ mạnh mẽ nhất nhằm vào Triều Tiên. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Nikki Haley nói lệnh trừng phạt do Mỹ soạn thảo sẽ làm giảm 89% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Triều Tiên, khiến nước này đối mặt với thách thức chưa từng có về kinh tế.

Trong vài tháng gần đây, số lượng tàu cá Triều Tiên trôi dạt sang bờ biển Nhật Bản ngày càng nhiều, trong đó có những thuyền chứa nhiều người chết. Các chuyên gia cho rằng, đó là dấu hiệu lương thực ở Triều Tiên bị cạn kiệt, ngư dân buộc phải đánh bắt xa bờ hơn và do đó gặp nhiều rủi ro hơn. 

Viện Chiến lược an ninh quốc gia, thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên sẽ cảm nhận được những tác động lớn từ lệnh trừng phạt của LHQ trong khoảng thời gian từ tháng 9/2017 – 3/2018. Một nạn đói trầm trọng có thể sẽ xảy ra ở đất nước này.

4 lí do ám sát ông Kim Jong-un sẽ là thảm họa toàn diện

Trong tình huống bán đảo Triều Tiên thống nhất mà không có đổ máu, cái giá phải trả sẽ là từ 1.000 tới 5.000 tỉ USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN