Đông Nam Á đối mặt nguy cơ dịch bệnh lây lan từ Myanmar

Sự kiện: Tin tức Myanmar

Bốn tháng sau cuộc đảo chính, nhiều người lo ngại Myanmar có thể lún sâu vào cuộc khủng hoảng COVID-19 khi hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa để đến sống trong khu vực rừng rậm, biên giới xa xôi, nơi các dịch vụ y tế còn lạc hậu.

Một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện thị trấn Cikha (Myanmar), gần biên giới Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện thị trấn Cikha (Myanmar), gần biên giới Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Bác sĩ Abhishek Rimal - điều phối viên y tế khẩn cấp của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết Myanmar vào thời điểm này đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kép.

“Đầu tiên là bất ổn chính trị. Sau đó là COVID-19”, bác sĩ Rimal nói.

Trước đó, hệ thống y tế của Myanmar gần như đã sụp đổ sau khi quân đội đảo chính loại bỏ chính quyền dân sự. Nhiều bác sĩ, y tá đã đình công và tham gia phong trào bất tuân dân sự để phản đối cuộc đảo chính. Chính phủ quân sự Myanmar đã nhiều lần thúc giục các bác sĩ trở lại làm việc, nhưng hầu hết họ đều không phản hồi.

Myanmar đã báo cáo hơn 3.200 ca tử vong vì COVID-19 trên tổng số hơn 140.000 ca bệnh. Tuy nhiên, sự tê liệt của hệ thống xét nghiệm khiến nhiều người lo ngại rằng số ca bệnh và số ca tử vong không được thống kê đầy đủ kể từ sau cuộc đảo chính.

Mặc dù các bệnh viện quân sự đã được mở cửa để phục vụ dân thường, nhưng nhiều người không dám nhập viện, hoặc từ chối tuân theo quân đội - bao gồm cả việc tiêm chủng.

Các quốc gia giáp Myanmar đang áp dụng một số biện pháp chặt chẽ để kiểm soát làn sóng dịch COVID-19, ví dụ như thành lập các cơ sở kiểm dịch và sàng lọc.

“Các biện pháp sàng lọc, kiểm dịch, cách ly tại khu vực biên giới là hoàn toàn cần thiết”, ông Rimal nói.

“Hỗ trợ nhân đạo đối với Myanmar cần được tăng cường vào thời điểm này. Nhưng nếu một lượng lớn những người di cư trong nước bắt đầu di chuyển ra nước ngoài, thì rất có thể sẽ khiến COVID-19 lây lan từ quốc gia này sang quốc gia khác.”

Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA) cho biết trong một bản báo cáo ngày 27/5 rằng chỉ trong hai tháng qua, khoảng 46.000 người ở Đông Nam Myanmar đã phải di dời do xung đột và mất an ninh.

Trong số đó, có khoảng 37.000 người phải rời đi sau các cuộc đụng độ vũ trang ở bang Kayah giáp với Thái Lan.

Tại bang Chin, giáp với Ấn Độ, hàng nghìn người đã phải bỏ nhà cửa sau khi tình hình trở nên căng thẳng ở thị trấn Mindat.

Bà Pwint Htun, một thành viên không thường trực của Chương trình Myanmar (Trung tâm Ash, Đại học Harvard, Mỹ) cho biết hệ thống y tế ở Myanmar đang trên đà sụp đổ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thậm chí sẽ phải tiếp tục đối phó với những nguy cơ mới từ Myanmar.

Nhóm theo dõi COVID-19 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, vào thứ Tư (2/6) cho biết không có ca COVID-19 mới nào được báo cáo từ Myanmar trong 24 giờ qua - một con số mà hầu hết các nhà phân tích đều cho là không đáng tin cậy.

Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 2,3% dân số Myanmar được tiêm đủ mũi vắc xin COVID-19, theo các nhóm quan sát.

Bác sĩ Rimal cảnh báo: “Tình hình ở Đông Nam Á thực sự đáng lo ngại, và nếu các biện pháp y tế công cộng không được thực hiện đầy đủ, chúng ta sẽ thấy Đông Nam Á lặp lại kịch bản của Nam Á.”

Nguồn: [Link nguồn]

Người bị ong đốt, thi thể treo trên núi Sơn La: Gặp phải loài nguy hiểm nhất rừng rậm ĐNA

Hầu hết ong mật rất hiền, nhưng loài khiến người đàn ông tử vong sau khi bị tấn công bất ngờ là loài duy nhất hung dữ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh - Straitsimes ([Tên nguồn])
Tin tức Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN