Tranh chấp một con hẻm: Chuyện bé xé ra to

Báo Công an TP Đà Nẵng nhận được đơn của vợ chồng ông bà Dương Văn Định- Trương Thị Bằng (trú 508-Hoàng Diệu, P.Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) phản ánh việc hộ ông Trần Quốc Tề (trú nhà số 510-Hoàng Diệu) lấn chiếm hẻm chung (diện tích 2m2), dựng biển quảng cáo và không thực hiện theo bản án phúc thẩm của TAND TP Đà Nẵng.

Về vụ tranh chấp này, được biết ông Tề là người khởi kiện đòi đất trước và án sơ thẩm xử ông Tề thắng, nhưng đến tòa cấp phúc thẩm tuyên con hẻm thuộc quyền sử dụng chung. Bi hài, sau khi có bản án phúc thẩm, vợ chồng ông Định lại kiện ông Tề lấn chiếm hẻm và tiếp tục kiện lên TAND Tối cao khiến chuyện bé xé ra to, mất đi tình nghĩa xóm giềng.

Theo trình bày của ông Định- bà Bằng: Bản án cấp phúc thẩm của TAND TP Đà Nẵng quyết định công nhận diện tích đất 2m2 giữa nhà ông (508-Hoàng Diệu) với nhà ông Tề (510-Hoàng Diệu) thuộc quyền sử dụng chung. Thế nhưng sau khi bản án có hiệu lực, ông Tề cố tình xây dựng, lắp đặt bảng quảng cáo trên phần đất này nên gia đình ông Định có đơn gửi UBND P. Hòa Thuận Đông và UBND Q. Hải Châu. Ngày 12-6-2012, Đội kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT) Q. Hải Châu đã lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng sai nội dung giấy phép đối với ông Trần Quốc Tề. Tiếp đó, ngày 18-6-2012, Đội KTQTĐT Q. Hải Châu có công văn đề nghị UBND P. Hòa Thuận Đông xử lý theo thẩm quyền. Sau nhiều lần chuyển công văn qua lại, cuối cùng Chủ tịch UBND Q. Hải Châu chỉ đạo xử lý, buộc gia đình ông Tề phải cắt bớt phần quảng cáo dôi ra 30cm, nhưng ông Tề chỉ cắt 17cm còn lại 13cm thì không chịu cắt. Ngoài ra, ông Tề cũng không cắt bỏ phần lan can dôi ra con hẻm chung, khiến mùa mưa nước ứ đọng, làm thấm tường nhà ông Định.

Tranh chấp một con hẻm: Chuyện bé xé ra to - 1

Nhìn từ phía trước, tấm pano của nhà ông Tề (đánh dấu X) cách khá xa nhà ông Định

Lần lại vụ việc, chúng tôi được biết: khởi phát là do ông Tề kiện vợ chồng ông Định ra tòa trước để buộc vợ chồng ông Định tháo dỡ vật kiến trúc (ống nước, đồng hồ nước,...) trên phần đất của mình (con hẻm) trong phần đất đã được công nhận quyền sử dụng vào năm 2000. Tại bản án sơ thẩm của TAND Q. Hải Châu tuyên con hẻm thuộc quyền sử dụng của ông Tề và buộc vợ chồng ông Định phải tháo dỡ các vật kiến trúc đang lắp đặt trên đó. Vợ chồng ông Định không chấp nhận nên kháng cáo lên tòa cấp trên, tại bản án phúc thẩm của TAND TP Đà Nẵng tuyên con hẻm trên thuộc quyền sử dụng chung giữa hai nhà và kiến nghị UBND TP Đà Nẵng thu hồi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Trần Quốc Tề để điều chỉnh không công nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Quốc Tề với diện tích đất tranh chấp nói trên. Vụ kiện tưởng chừng đến đây đã kết thúc, ai ngờ nó vẫn dai dẳng kéo dài khi cả hai nhà vẫn không ai chịu ai và họ tiếp tục kiện tụng lẫn nhau.

Tiếp tục tìm hiểu được biết, năm 1998, ông Tề xây nhà trên diện tích đất đã mua trước đó (đến năm 2000 mới được cấp quyền sử dụng đất, bao gồm cả diện tích con hẻm) và có đổ đan cửa sổ ra con hẻm khoảng 0,2m, nhưng gia đình ông Định không có ý kiến gì. Đến năm 2003, hộ ông Định xây nhà, do vướng đan cửa sổ nhà ông Tề nên phải lùi vào hơn 0,2m bề ngang ở phía trước nhà so với tường cũ. Đến năm 2010, đường Hoàng Diệu (đoạn qua hai nhà) được mở rộng, hộ ông Định mắc lại đồng hồ nước ngay tại vị trí cũ như trước đó, còn hệ thống đường ống nước vẫn tồn tại trên con hẻm nói trên như nguyên trạng cũ, tuy nhiên phía gia đình ông Tề cho rằng con hẻm là đất của mình nên đã khiếu nại ra UBND P. Hòa Thuận Đông sau đó khởi kiện ra tòa án và kết quả như đã nói ở trên.

Theo vợ chồng ông Định, do bản án tuyên con hẻm thuộc quyền sử dụng chung của hai nhà vì vậy khi ai muốn sử dụng cũng phải được sự đồng ý của bên kia. Chính vì vậy sau khi có bản án, ông đã tháo dỡ các vật kiến trúc như tòa đã tuyên, thế nhưng việc ông Tề tự ý dựng bảng quảng cáo lấn chiếm con hẻm mà chưa được sự đồng ý của ông bà là điều cần phải xem xét lại. Bên cạnh đó, khi bản án có hiệu lực, ông Tề cũng không chịu đập bỏ phần lan can ở các cửa sổ dôi ra con hẻm chung, khiến vào mùa mưa nước từ nhà ông Tề đổ sang làm tường nhà ông hư hỏng, ảnh hưởng đến cuộc sống chung của gia đình.

Theo chúng tôi, câu chuyện trên không phức tạp đến mức hai gia đình phải chọn phương án đưa nhau ra tòa hai cấp và tiếp tục lên cấp thứ ba, thiết nghĩ cả hai gia đình cần ngồi lại trên cơ sở thiện chí để giải quyết sự việc một cách êm đẹp, tạo tình nghĩa xóm giềng thì tốt hơn là lại tiếp tục đưa nhau ra tòa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tổ PVĐT (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN