Tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng cầu cứu

Trong nỗi bức xúc, chiều 11/3, hàng trăm tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng đã kéo đến trụ sở Sở Công Thương phản ánh những bất cập mà đơn vị quản lý chợ đang áp dụng. Trước sự việc trên, lãnh đạo Sở cho biết sẽ ghi nhận để báo cáo cấp trên, khi có kết quả sẽ thông báo.

Bởi vì lãi thấp, phí cao

Tiếp xúc với phóng viên, nhiều tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng giải thích, việc họ kéo nhau đến gặp lãnh đạo Sở Công Thương "cầu cứu" do nhiều lý do: kinh doanh ế ẩm lại chịu nhiều khoản phí tăng cao; nhiều ngày viết đơn kêu cứu gửi ngành chức năng và nhiều lần yêu cầu gặp lãnh đạo đơn vị quản lý chợ Siêu thị Đà Nẵng để đề đạt nguyện vọng nhưng không được đáp ứng... Cũng vì kiến nghị của mình không được quan tâm, nên chiều 11/3 họ cùng nhau đến trụ  sở Sở Công Thương TP để trực tiếp phản ánh và đề đạt nguyện vọng. 

Chị Nguyễn Thị Kiều, kinh doanh hàng nhựa so sánh:  cả Đà Nẵng này giá vé giữ xe các chợ quy định 2 ngàn đồng/xe máy, riêng chợ Siêu thị áp giá 3 ngàn đồng. "Xuống tầng hầm gửi xe, khách đã ngại lại còn lấy giá cao, thử hỏi sao không ế", chị Kiều nhận xét. Nhiều tiểu thương lại phản ánh khía cạnh khác: giá thuê mặt bằng ở chợ cũ khoảng 30 ngàn đồng/m2, nay sang chợ mới lên tới 108 ngàn đồng/m2, tăng tới 350%... khiến tiểu thương không gánh nổi.

Chị Thùy Linh, kinh doanh hàng giày dép nói, sang chợ mới diện tích hẹp hơn, nhưng giá lại tăng cao 2-3 lần là bất hợp lý. Ở chợ cũ rất ít tiểu thương phải nợ phí nhưng sang chợ mới kể từ ngày 1/12/2012 tới nay, mới vài tháng nhưng hầu hết gần 500 tiểu thương đều nợ các khoản phí của Cty Nguyễn Kim. Theo họ, là do kinh doanh ế ẩm, không có tiền để trả kinh phí thuê mặt bằng, quầy sạp.

Bà Phạm Thị Xuân, thợ may tại chợ Siêu thị dẫn chứng: Thợ may ở chợ chỉ có 6 hộ, trước đây cộng các khoản chi phí chỉ hơn 100 ngàn đồng/tháng nhưng từ khi sang chợ mới, cộng các khoản phí từ thuê mặt bằng, phí cửa, môi trường, bảo vệ... cao hơn gấp 3-4 lần. "Mấy bữa ni tôi đóng cửa miết vì ế ẩm. Hôm nay dù đang đau, nhưng nghe tin chị em kéo lên Sở tôi cũng ráng lên để trình bày nguyện vọng của mình", bà Xuân giải thích.

Tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng cầu cứu - 1

Hàng trăm tiểu thương phản ánh nỗi bức xúc với lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng chiều 11/3

Chị Hương bán hàng thịt heo đại diện các tiểu thương phản ánh, trước khi chuyển sang chợ mới, tiểu thương đã dự báo nguy cơ buôn bán thua lỗ mà họ sẽ phải gánh chịu nên rất do dự. Sau nhiều lần lãnh đạo Sở Công Thương và Cty Nguyễn Kim gặp mặt đều hứa rằng sẽ đảm bảo cho tiểu thương sang chợ mới có điều kiện kinh doanh tốt hơn, đời sống đi lên... nên mọi người chấp thuận vào chợ mới kinh doanh. Tuy vậy thực tế thì ngược lại. Việc mưu sinh của gần 500 tiểu thương trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm người thân phụ thuộc. Vì vậy, nhiều tiểu thương thiết tha xin được trở về chợ cũ, hiện đang để trống, rất nhếch nhác...

Trao đổi với P.V, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, việc tiểu thương tụ tập vào chiều 11/3 gây mất trật tự, trái với quy trình. Nếu tiểu thương thực sự bức xúc về các khoản phí, về cách quản lý gây bất cập của Cty Nguyễn Kim thì phải có đơn trình bày chi tiết, từng mục, từng khoản...

Trên cơ sở đó Sở mới cho thanh tra xuống kiểm tra, nếu Cty Nguyễn Kim sai thì sẽ có hình thức xử lý thích hợp. Cũng theo ông Bằng, việc tiểu thương yêu cầu quay lại chợ cũ là bất hợp lý, không thể đáp ứng. Lý do vì chủ trương xã hội hóa chợ Siêu thị đã được lãnh đạo thành phố thông qua, phù hợp với tiến trình phát triển dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại của TP.

Trong khi đó, ông Lê Viết Tươi, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, khi thực hiện xã hội hóa thương mại thì điều kiện kinh doanh của tiểu thương phải được đáp ứng tốt hơn. Những kiến nghị, bức xúc của tiểu thương cần được UBND TP giải quyết dứt điểm hoặc chỉ đạo Sở giải quyết. Trước mắt Sở sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến của tiểu thương sau đó đề xuất lên UBND TP có hướng xử lý. Ông Tươi cũng cho rằng, mức phí tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa tiểu thương và đơn vị quản lý chợ song phải theo những khung giá, quy định của Nhà nước.

Theo quan điểm của chúng tôi, những bức xúc của tiểu thương chợ Siêu thị Đà Nẵng  rất đáng lưu tâm, bởi nó ảnh hưởng tới cuộc sống không chỉ của gần 500 tiểu thương mà còn hàng ngàn người phụ thuộc khác. Chủ trương xã hội hóa thương mại hướng tới văn minh, hiện đại...  là phù hợp với xu hướng phát triển, nhưng trước hết việc áp dụng các loại phí, mức phí phải phù hợp với thực tiễn, điều kiện kinh doanh, hài hòa giữa thu nhập của tiểu thương  lẫn lợi nhuận của nhà đầu tư... Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu chưa đạt đến sự đồng lòng tương trợ, thì ít nhất các bên cần bàn bạc, thỏa thuận chứ không nên đơn phương áp đặt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Quỳnh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN