Nhân viên thắng kiện công ty

Sau hơn một năm theo đuổi vụ kiện, nguyên đơn Trần Hữu Hoàng (1963, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) được TAND Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) tuyên thắng kiện Cty TNHH ITG-Phong Phú trong vụ kiện tranh chấp chấm dứt hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, phán quyết của Tòa án còn buộc bị đơn (Cty ITG-PP) phải nhận anh trở lại làm việc và bồi thường khoản tiền lương trong những ngày không được làm việc của anh Hoàng với số tiền hơn 100 triệu đồng. Điều đáng nói, anh Hoàng là người duy nhất trong số hơn 3.000 người lao động (NLĐ) bị Cty ITG-PP cho nghỉ việc đồng loạt đã kiện Cty này và thắng kiện.

Anh Trần Hữu Hoàng cho biết: Tôi là nhân viên hợp đồng không xác định thời hạn của Cty ITG-PP (liên doanh giữa Tập đoàn ITG (Hoa Kỳ) và Tổng Cty Phong Phú (trụ sở tại TPHCM). Trong quá trình làm việc, tôi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nhưng ngày 27/12/2011, Cty ITG-PP đã ra thông báo về quyết định của HĐQT cho “tạm dừng hoạt động của Cty ITG-PP đến ngày 31/12/2012 để “giải quyết những khác biệt trong kinh doanh” giữa Tập đoàn ITG và Tổng Cty PP, đồng thời “chấm dứt hợp đồng lao động đối với tất cả NLĐ tại Cty ITG-PP”.

Cũng trong cuối tháng 12/2011, một thông báo khác được Tổng Giám đốc Cty ITG-PP ký ban hành về việc “tạm dừng hoạt động của Cty đến ngày 31/12-2012” và đến cuối tháng 1/2012 chấm dứt hợp đồng đối với tất cả NLĐ trong Cty ITG-PP”. Như vậy chỉ với vài quyết định từ phía lãnh đạo Cty này, họ đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với hơn 3.000 công nhân và anh Hoàng cũng là một trong số đó.

Nhân viên thắng kiện công ty - 1

Do không nắm bắt được các quy định nên nhiều lao động mất việc mà không được hưởng các chế độ. (Trong ảnh: Công nhân Cty ITG-PP trong một lần đình công) - Ảnh: D.H

“Nhận thấy việc làm của Cty ITG-PP có nhiều điều khuất tất, tôi không đồng ý ký tên vào “Giấy thỏa thuận thôi việc” nên cán bộ nhân sự Cty không chịu giao “Quyết định thôi việc”. Trước tình huống này, tôi yêu cầu đại diện Cty phải xác nhận việc không giao quyết định thôi việc để làm cơ sở nhờ các cơ quan chức năng giải quyết”- anh Hoàng kể. Trước sự cứng rắn và lý lẽ thuyết phục của NLĐ, phía Cty ITG-PP mới chịu giao “Quyết định thôi việc” mà không cần giấy thỏa thuận. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc trong nhiều DN, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, anh Hoàng nhận thấy, dù chỉ tạm dừng hoạt động nhưng Cty ITG-PP đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ là trái với các quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam nên anh gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp và TAND Q. Liên Chiểu xem xét giải quyết việc “tranh chấp chấm dứt HĐLĐ” giữa anh và Cty ITG-PP.

Ngày 24/1/2013, TAND Q. Liên Chiểu xét xử sơ thẩm vụ án lao động giữa nguyên đơn là anh Hoàng và bị đơn là Cty ITG-PP. Tại phiên tòa, luật sư đại diện bị đơn cho rằng, do hoạt động của Cty gặp nhiều khó khăn nên  HĐTV Cty đã thông qua Nghị quyết số 01/2011 về việc tạm dừng hoạt động của Cty cho đến hết ngày 31/12/2012 và chấm dứt HĐLĐ đối với tất cả các nhân viên. Cùng thời gian này, giữa Cty và BCH Công đoàn Cty đã họp bàn và thống nhất về việc chấm dứt hợp đồng đối với NLĐ (nhưng không lấy ý kiến của NLĐ).

Luật sư đại diện Cty ITG-PP cũng cho rằng, các thủ tục pháp lý về việc chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ như vậy là hợp lý nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bởi: Cty đang có sự tranh chấp giữa hai đối tác liên doanh nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, không có đơn đặt hàng dẫn đến không có việc làm cho NLĐ nên buộc phải tạm dừng hoạt động theo Điều 156 Luật Doanh nghiệp và thay đổi cơ cấu tổ chức theo Điều 17- Bộ luật Lao động, Điều 11- Nghị định 39/2003/NĐ-CP (ngày 18-4-2003) của Chính phủ. Do đó, Cty hoàn toàn có quyền chấm dứt HĐLĐ đối với nguyên đơn vì đã trao đổi, nhất trí với BCH Công đoàn cơ sở theo quy định tại khoản 2, Điều 17- Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3, Điều 156- Luật Doanh nghiệp thì “DN có quyền tạm ngừng kinh doanh” nhưng trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, DN phải “hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và NLĐ, trừ trường hợp DN chủ nợ, khách hàng và NLĐ có thỏa thuận khác”. Hơn nữa, tạm ngừng kinh doanh không thuộc trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức theo Điều 17- Bộ luật Lao động và Điều 11- Nghị định 39 nên HĐXX nhận định lời trình bày của đại diện bị đơn là không có căn cứ. Mặt khác, giữa anh Hoàng và Cty ITG-PP không có “thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ” và việc tạm ngừng kinh doanh không thuộc trường hợp “DN chấm dứt hoạt động” nên những căn cứ để phía Cty ITG-PP ban hành quyết định thôi việc đối với anh Hoàng là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Sau khi xem xét các chứng cứ hai bên đưa ra tại phiên tòa, HĐXX quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của anh Trần Hữu Hoàng và tuyên hủy quyết định thôi việc đối với anh của Cty ITG-PP, buộc bị đơn nhận anh Hoàng trở lại làm việc và bồi thường khoản tiền lương trong những ngày anh không được làm việc tổng cộng là 114.617.329 đồng.

Anh Trần Hữu Hoàng tâm sự: “Tôi chỉ là một NLĐ bình thường, nhưng trước những việc làm chưa thật sự thuyết phục của Cty buộc tôi phải làm đơn khiếu kiện nhờ các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Trong vụ việc này, không chỉ bản thân tôi mà hơn 3.000 lao động khác cũng bị Cty ITG-PP cho thôi việc với lý do không chính đáng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không ai đi kiện. Qua vụ việc này, tôi cũng mong rằng mỗi NLĐ dù làm việc ở vị trí nào cũng cần nắm bắt các kiến thức pháp luật nhất là các điều khoản trong Bộ luật Lao động có liên quan thiết thực đến quyền lợi của mình. Mặt khác, tôi cũng mong rằng các cơ quan công đoàn, các ngành liên quan nên sát cánh cùng NLĐ để họ không bị ép uổng, đối xử không công bằng trong quá trình lao động”.

Công nhân Cty May mặc Ba Sao lại nghỉ việc tập thể

Ngày 19/2, công nhân Cty May mặc Ba Sao (KCN Hòa Khánh, Q. Liên Chiểu) đồng loạt nghỉ việc để phản đối một số vấn đề trong chính sách tiền lương, phụ cấp mới của Cty. Theo Công đoàn các KCN và chế xuất TP, trước đây lãnh đạo Cty không xây dựng thang bảng lương nhưng chế độ lương thưởng và phụ cấp vẫn được chi trả bình thường. Trong đó những công nhân làm việc có thâm niên 3 năm trở lên được nhận phụ cấp 300 nghìn đồng/tháng. Sau khi thay đổi quản lý, lãnh đạo Cty phát hiện quỹ lương bị “phình” nên phải cân đối lại thu chi. Cty xây dựng lại thang bảng lương và được Sở LĐ-TB&XH thẩm định, đồng ý. Chính sách mới đã cắt khoản phụ cấp 300 nghìn đồng/tháng đối với các công nhân có thâm niên kể từ tháng 2/2013.

Sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã có mặt để cùng lãnh đạo Cty, Công đoàn các KCN và chế xuất giải thích cho công nhân hiểu chính sách của Cty là đúng quy định, đồng thời khuyên NLĐ trở lại làm việc. Tuy nhiên, cho đến cuối ngày 19/2, phần lớn công nhân vẫn không đồng tình với cách giải quyết của Cty nên đã không làm việc.

Trước đó, từ sáng 25/1, 700 công nhân của Cty Ba Sao đã ngừng làm việc tập thể nhằm phản ứng việc lãnh đạo Cty đãi ngộ không thỏa đáng. Còn Cty này cho hay do thua lỗ 4 tỷ đồng trong năm 2012 nên Cty còn nợ tiền BHXH nên không đủ khả năng thanh toán chế độ ốm đau, thai sản.

Đông A

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuấn (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN