Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi

Ngày 6-9, Sở NN&PTNT Đà Nẵng tổ chức cuộc họp triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 7068/QĐ-UBND, lấy ý kiến để bổ sung, hoàn thiện nhằm triển khai chính sách này.

Theo đó, thời gian tới, ngư dân có hộ khẩu tại Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ đóng mới tàu đánh bắt hải sản và tàu làm dịch vụ xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

Cụ thể, tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV - dưới 600CV sẽ được hỗ trợ 500 triệu đồng/tàu, loại 600CV - dưới 800CV là 600 triệu đồng/tàu, loại 800CV trở lên là 800 triệu đồng/tàu. Kinh phí hỗ trợ sẽ được chia làm 2 đợt, mỗi đợt 50% tổng số tiền. Đợt 1 ngư dân sẽ nhận sau khi hoàn thành thủ tục đưa tàu cá vào hoạt động và thủ tục đề nghị hỗ trợ, đợt 2 là một năm sau khi nhận hỗ trợ lần đầu.

Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi - 1

Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có nhiều tàu lớn đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Trong ảnh: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung của ngư dân Lê Văn Sang.

Điều kiện nào để nhận hỗ trợ?

Để nhận hỗ trợ theo chính sách này, chủ tàu cá phải có hộ khẩu thường trú tại TP Đà Nẵng thực hiện đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính 400CV trở lên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác hải sản hoặc dịch vụ (trừ tàu làm nghề lưới kéo). Chủ tàu phải cam kết đưa tàu cá vào hoạt động trong thời gian tối thiểu là 24 tháng kể từ ngày nhận hỗ trợ lần đầu của thành phố. Trường hợp chưa đủ thời gian hoạt động theo cam kết, nếu chủ tàu muốn chuyển quyền sở hữu tàu cá cho tổ chức, cá nhân khác phải có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ kinh phí hỗ trợ.

Mặc dù chính sách vừa mới được ban hành nhưng trong những ngày qua, nhiều ngư dân đang rất quan tâm đến thủ tục làm hồ sơ. Về vấn đề này, Sở NN&PTNT cho biết, hồ sơ gồm: đơn đề nghị hỗ trợ đóng mới tàu cá (có mẫu) có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy đăng ký kinh doanh đối với tàu dịch vụ, sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng. Hồ sơ đóng mới tàu cá sẽ được lập tại Chi cục Thủy sản và phải được Chi cục có văn bản trả lời chấp thuận, trên cơ sở đó chính quyền địa phương sẽ thành lập hội đồng thẩm tra đóng mới tàu cá làm cơ sở xác nhận vào đơn đề nghị hỗ trợ.

Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi - 2

Ngư dân Đà Nẵng vận chuyển cá cung cấp cho các chợ

Tránh chuyện sang nhượng, khuyến khích sở hữu tập thể

Quyết định 7068 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân, tiếp sức cho họ mạnh dạn đầu tư bám biển ở ngư trường xa. Nhưng tại buổi họp triển khai, đại diện cho đông đảo ngư dân, các Hội Nông dân cũng như các đơn vị liên quan đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý để tránh những kẽ hở khi áp dụng vào thực tế. Ông Bùi Tấn Tài - Chủ tịch Hội Nông dân P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà cho biết, tại phường có hàng trăm phương tiện đánh bắt gần bờ, dù họ rất muốn đầu tư để vươn khơi nhưng để đánh bắt ở ngư trường xa thì phải đầu tư được con tàu vài tỷ đồng. “Số tiền này đối với từng hộ gia đình là quá lớn. Vậy khoảng 5-7 người cùng góp vốn và đề xuất thành phố hỗ trợ có được không?”. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng như Hội Nông dân khẳng định rằng, thành phố đang khuyến khích đánh bắt theo mô hình tổ đội, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro cũng như tăng cường được sự đoàn kết trên biển thì chủ trương này là rất tốt. Tất nhiên, nếu sở hữu tập thể thì phải có tư cách pháp nhân theo mô hình hợp tác xã, hoạt động theo Luật Dân sự. Nhiều người cùng sở hữu một phương tiện còn hạn chế được chuyện sang nhượng, mua bán phương tiện cũng như hoạt động đánh bắt sẽ được duy trì lâu bền.

Một ý kiến khác cho rằng, nếu quy định chủ phương tiện phải hoạt động đánh bắt 2 năm sau đó có thể sang nhượng cho người khác mà không chịu ràng buộc nào nữa là quá ngắn, có thể sẽ có một số người nhận hỗ trợ đóng tàu trong khi không thực sự mặn mà với nghề biển mà chủ yếu là để bán lại (như chuyện chung cư). Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng nhận thấy có lý và sẽ xin ý kiến từ UBND thành phố về vấn đề này.

* Ông Hồ Phó – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4 chủ tàu đóng mới, đưa vào hoạt động phương tiện đánh bắt và làm dịch vụ có công suất hơn 400CV trước khi Quyết định 7068 được ban hành. Thành phố sẽ xem xét việc hỗ trợ 4 chủ tàu này sau khi họ hoàn thành thủ tục theo quy định.

Một ngư dân ở Q. Thanh Khê đưa ra tình huống: ví dụ người dân ở Quảng Ngãi có nhu cầu đóng tàu nhưng không đủ tiền và “đi đêm” với một ngư dân Đà Nẵng để người này đứng tên và làm thủ tục xin hỗ trợ thì làm thế nào để quản lý? Hay đóng con tàu ban đầu là 400CV nhưng 2 máy, sau khi đi vào hoạt động có người sẽ “chẻ” ra một máy, tàu chỉ còn hoạt động với công suất 200CV thì làm sao? Lãnh đạo Sở cho biết trong quá trình xét duyệt hồ sơ sẽ kiểm tra kỹ cũng như sẽ theo dõi thường xuyên hoạt động đánh bắt của chủ tàu. Nếu vi phạm sẽ có hình thức xử lý.

Một số khác cho rằng, khoản tiền hỗ trợ đợt 1 là 50% tổng số tiền hỗ trợ là bất lợi cho đầu tư ban đầu, vì đây là giai đoạn ngốn nhiều kinh phí nhất. Liệu thành phố có thể hỗ trợ đợt đầu là 70% (hoặc 80%) và đợt tiếp theo là 30% (hoặc 20%) không, vì như vậy sẽ hạn chế được khoản vay, chịu lãi từ ngân hàng. Ông Nguyễn Phú Ban - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cũng rất đồng tình với đề xuất này.

Các cơ quan chức năng cũng như đông đảo ngư dân thành phố cho rằng, Quyết định 7068 là một chính sách đúng đắn, kịp thời của chính quyền TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, phương pháp tổ chức cũng như biện pháp quản lý phải làm thế nào để đảm bảo khuyến khích, “tiếp sức” cho ngư dân đúng nghĩa, tránh tình trạng lợi dụng chính sách này để đóng tàu với mục đích sang nhượng, mua bán. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cam kết trên cơ sở những ý kiến đóng góp này sẽ tham mưu cho UBND thành phố có thể bổ sung, ban hành văn bản giải thích nhằm triển khai chính sách có hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Khanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN