Quy hoạch lại tĩnh không sân bay Đà Nẵng

Kể từ khi chia tách ra từ tỉnh QN-ĐN, TP Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc, KT-XH tăng trưởng mạnh mẽ, bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới theo hướng khang trang và hiện đại.

Đặc biệt, là từ khi TP Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I, ngày càng có nhiều công trình nhà cao tầng, cao ốc mọc lên, nhất là ở khu vực trung tâm TP. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các công trình nhà cao tầng, cao ốc trên địa bàn TP để tương xứng với đô thị loại I đang “vướng” phải quy định về tĩnh không Sân bay Đà Nẵng.

Được biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những chuyến bay dân dụng, quân sự đến và đi từ khu vực Sân bay Đà Nẵng, giữa chính quyền địa phương, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ Quốc phòng đã ký kết thiết lập Sơ đồ tĩnh không Sân bay Đà Nẵng để quy định “hành lang an toàn” (còn gọi là phễu bay) Sân bay Đà Nẵng. Theo đó, từ tâm khu vực Sân bay Đà Nẵng hướng đều ra bên ngoài trong phạm vi có bán kính 4km, các công trình xây dựng có chiều cao tối đa là 45m. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thành, Tổng Giám đốc Cụm cảng Hàng không miền Trung (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) hiện nay, trong khu vực phễu bay có nhiều công trình đã, đang và chuẩn bị xây dựng có độ cao vượt quá mức quy định tại Sơ đồ tĩnh không như Hoàng Anh Gia Lai Plaza, Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng, Indochina River Tower, Golden Square, v.v...

Quy hoạch lại tĩnh không sân bay Đà Nẵng - 1

Một góc Sân bay Đà Nẵng

Việc các công trình xây dựng vi phạm quy định tại Sơ đồ tĩnh không đã ảnh hưởng đến an toàn giao thông hàng không. Qua tìm hiểu ở Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, được biết, Sơ đồ tĩnh không nói trên được thiết lập từ thời điểm còn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), lúc đó, kiến trúc đô thị của TP Đà Nẵng chưa phát triển, nhưng hiện nay, TP Đà Nẵng đã trở thành TP trực thuộc Trung ương và là đô thị loại I, cho nên, Sơ đồ tĩnh không đó cần phải điều chỉnh phù hợp với thực tế. Mặt khác, theo các nhà chuyên môn thì quy định trong Sơ đồ tĩnh không này cũng cho thấy bất hợp lý. Đơn cử, trong phạm vi có bán kính 4km kể từ tâm Sân bay Đà Nẵng trở ra, các công trình xây dựng không được cao quá 45m (tương đương nhà cao khoảng từ 12 - 13 tầng), trong khi đó, dãy núi Phước Tường nằm trong phạm vi phễu bay, ở tĩnh không sườn phía tây Sân bay Đà Nẵng đã có độ cao hơn 200m (?).

Mặc dù vậy, trong quá trình cấp phép xây dựng các công trình nhà cao tầng, cao ốc trên địa bàn TP, nhất là các công trình nằm trong phạm vi phễu bay, Sở Xây dựng TP đã chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Xây dựng nói chung, các quy định tại Sơ đồ tĩnh không nói riêng. Đơn cử, đối với các công trình nằm ở phạm vi tĩnh không đầu và tĩnh không cuối của Sân bay Đà Nẵng, tức là trong phạm vi đường cất hạ cánh Sân bay Đà Nẵng, Sở Xây dựng TP đều cấp phép xây dựng tuân thủ Sơ đồ tĩnh không bằng việc khống chế chiều cao công trình không quá 45m; còn đối với công trình nằm trong phễu bay ở phạm vi tĩnh không sườn, nhất là ở tĩnh không sườn phía đông là khu vực trung tâm TP, Sở Xây dựng đều báo cáo UBNDTP xem xét, quyết định trước khi cấp giấy phép xây dựng liên quan đến chiều cao của công trình.

Về phía TP đã cho phép xây dựng các công trình nhà cao tầng, cao ốc có chiều cao vượt quá quy định tại Sơ đồ tĩnh không là xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu phát triển kiến trúc đô thị nguy nga và hiện đại của TP Đà Nẵng cho tương xứng với đô thị loại I. Bởi nếu tuân thủ Sơ đồ tĩnh không thì TP Đà Nẵng, nhất là khu vực trung tâm TP không thể phát triển chiều cao được, không phù hợp với quy hoạch đã đặt ra, không tương xứng với đô thị loại I. Theo nhiều chuyên gia cho biết, thực tế, ở các TP phát triển trên thế giới có những sân bay nằm trong lòng TP, nằm giữa các tòa cao ốc chọc trời nhưng vẫn đảm bảo an toàn hàng không, bởi vì, ngoài quy định về “hành lang an toàn giao thông” thì việc trang bị máy bay hiện đại và tối tân hay đội ngũ phi công có trình độ kỹ năng bay tốt cũng là những yếu tố quyết định đến vấn đề ATGT hàng không.

Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ về KT-XH của TP Đà Nẵng, trong tương lai gần sẽ có thêm rất nhiều công trình nhà cao tầng, cao ốc, thậm chí là nhà chọc trời mọc lên trên địa bàn TP. Vì vậy, để đảm bảo ATGT hàng không cho khu vực Sân bay Đà Nẵng, đồng thời tạo thuận lợi cho việc phát triển đô thị Đà Nẵng, thiết nghĩ đã đến lúc, quy hoạch về tĩnh không Sân bay Đà Nẵng cần phải được xây dựng lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đó là trước mắt, còn về lâu dài nên chăng di dời Sân bay Đà Nẵng vì nó nằm ngay sát nách trung tâm TP.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Hoàng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN