"Nữ quái" múa lưỡi lừa tiền tỷ
Để kiếm thật nhiều tiền, Đặng Thị Lê suốt ngày lang thang ăn chơi và nghĩ ra “quái chiêu” trục lợi bất chính, bất cần hiểu rằng, cuộc sống của những người dân cơ cực, cả tin mình đều đang trong hoàn cảnh khốn khó. Rơi vào “bẫy” của Lê, bao người đang lâm cảnh chết dở sống dở, thậm chí có nguy cơ mất nhà ra đường ở. Không chỉ “lo” chung cư cho hàng loạt người, Lê còn tự xưng có thể “chạy” ra sổ đỏ, đổi đất, vay được vốn ưu đãi...
Chạy sổ đỏ, vay vốn ưu đãi!
Cũng với chiêu “nổ” mình là luật sư, có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo thành phố, các quận, huyện ở Đà Nẵng và Quảng Nam, Lê đã đưa chị B. (1984, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) sập “bẫy” một cách... êm dịu. Lân la làm quen với chị B. từ thời gian tháng 11-2012, Lê biết chị B. đang có nhu cầu xin chuyển đổi 1.000m2 đất trồng cây lâu năm thành đất thổ cư ở địa bàn xã Điện Nam Đông, H. Điện Bàn, Quảng Nam, nên ngày 1/12/2012, Lê “múa” mép ngay. Lê nói: “Thánh sống” ở đây không nhờ, em định nhờ ai bây giờ. Ông L. (ý Lê nói ông lãnh đạo H. Điện Bàn) là bạn thân của chị, chị nói một tiếng một là xong. Mà đúng ông L. là lãnh đạo H. Điện Bàn thật, nên chị B tin sái cổ, đặt vấn đề với Lê ngay. Lê ra giá: “Toàn bộ chi phí cho việc chuyển đổi diện tích đất 1.000m2 tốn chừng 100 triệu đồng, đưa trước 50%, còn lại trong quá trình chuyển đổi đất giao tiếp. Đồng ý thì giao cho chị, 3 tháng lấy sổ về”. Chị B. nghe vậy gật đầu ngay. 2 ngày sau, chị B. mang 50 triệu đồng giao cho Lê lo “chạy” sổ đỏ.
Chân dung “nữ quái” Đặng Thị Lê
Nhận tiền và hồ sơ của chị B., Lê mang về sử dụng ăn chơi, mua sắm. Một thời gian sau, chị B. gọi điện hỏi thì Lê bảo yên tâm, đã liên hệ với địa phương đang xúc tiến làm rồi. Gần hết hạn nhưng không thấy động tĩnh gì, chị B. sinh nghi nên âm thầm đến nơi Lê thuê trọ theo dõi. Để thử Lê, chị B. bấm điện thoại gọi khi nhìn thấy Lê đứng trước nhà, hỏi: “Việc của em làm đến đâu rồi chị?” thì Lê quả quyết: “Sáng nay chị chuẩn bị chạy vào Quảng Nam làm cho xong đây em". Dứt điện thoại, Lê khóa cửa dắt xe đi. Chạy xe bám theo, chị B. thất vọng tràn trề, bởi không phải Lê đi Quảng Nam mà từ sáng tới tối chỉ tìm đến quán cà-phê và các cửa hàng mua sắm quần áo, son phấn. Nhiều ngày sau đó cũng vậy, qua theo dõi vẫn cảnh Lê lang thang hàng quán, đi siêu thị nên chị B. khẳng định Lê là kẻ lừa đảo, bởi thời hạn hẹn lấy sổ đã qua từ lâu.
Cũng kiểu “múa” mép của Lê, chị T. (trú P. Hòa Khê) và chị V. (trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) cũng bị “móc túi” lấy đi cả trăm triệu đồng. Theo tài liệu điều tra của cơ quan CA, chị V. là hộ giải tỏa ở P. Hòa Minh, được bố trí lại một lô đất TĐC tại chỗ. Sau khi nghe Lê tự phong quen với nhiều quan chức, chị V. đã nhờ giúp đổi lô đất được cấp (1 mặt tiền) thành lô 2 mặt tiền sát ngã tư. Nhận trước 50%/100 triệu đồng để “lo việc” cho chị V., Lê mang hồ sơ về quăng vào tủ, cầm tiền đi tiêu xài. Với chị T., cần chuyển lô đất hồ sơ “ba lá” của mình ở P. Hòa Minh thành giấy CNQSDĐ nên “trăm sự nhờ Lê”. Sau khi ra giá 60 triệu đồng, Lê nhận làm 3 lần (mỗi lần 20 triệu đồng) của chị T. vào ngày 15/11, 20/11/2012 và 1/2/2013, nhưng cũng như bao người khác, Lê mang hồ sơ về nhà cất tủ, mặc những người nhờ mình giúp việc cứ ngày đêm ngóng tin.
Trung tá Nguyễn Đức Thành - Đội phó Đội Điều tra Phòng CSĐTTPVTTQLKT&CV CATP Đà Nẵng cho hay, hầu hết những trường hợp người dân bị Lê lừa đều na ná như nhau. Sau khi tốn chút nước bọt, rót lời đường mật vào tai họ, Lê nhận tiền ứng rồi mang hết hồ sơ về nhà cất, không làm bất cứ việc gì.
Lực lượng CA nghiên cứu hồ sơ điều tra những vụ lừa đảo Lê gây ra
Trong vụ án đang điều tra này, trường hợp của bà D. (trú P. An Khê) là nạn nhân lâm cảnh bi đát nhất sau khi rơi vào “bẫy” lừa của Lê. Bà D. có một Cty, nhưng do mấy năm qua kinh tế khó khăn, rất khát vốn để vực dậy. Cuối năm 2012, sau khi dò la biết được tình hình, Lê lân la tiếp cận bà D. Như bao “con mồi” trước đó, Lê xưng là luật sư, có mối quan hệ rộng với các ngân hàng từ T.Ư đến địa phương để dụ bà D. vào tròng. Lê nói với bà D. tự tin: “Hiện nay đang có DA hỗ trợ cho DN vay vốn ưu đãi, chị thích là em lo cho vay 10 tỷ đồng, nhưng phải tốn 10% (1 tỷ). Đảm bảo sau 3 tháng gửi hồ sơ, tiền sẽ vào tài khoản Cty chị. Thú thật, em giúp người lấy đức cho con cái thôi, chứ trong khoản ấy em được vài chục triệu chứ mấy”.
Đang trong cảnh “chết đuối vớ được cọc”, bà D. gật đầu cái rụp. Nhưng để có khoản tiền 50% (500 triệu đồng) đưa trước cho Lê, ngày 7/12/2012, bà D. phải thế chấp căn nhà đang ở để vay NH đưa cho Lê với hy vọng Lê sẽ mang vốn nhanh về để bà đưa Cty sống lại, cứu vớt hàng chục công nhân đang đứng trước bờ vực thất nghiệp.
Nhưng sau thời gian 3 tháng không thấy động tĩnh gì, bà D. nghi ngờ mình bị lừa nên gọi điện và tìm gặp Lê. Còn Lê vẫn bình chân như vại, rằng: “Yên tâm đi chị, do có nhiều đơn vị được rót vốn nên giải ngân hơi chậm thôi, dăm bữa nửa tháng tiền về ngay. Đến lúc đó nhớ mời tiệc cho hoành tráng đấy”. Cay đắng thay, đến giờ đã 3 tháng trễ hẹn, tiền vốn vay ưu đãi đâu chẳng thấy, còn bà D. và gia đình đang đứng trước miệng vực: Vừa có thể phải thông báo ngừng hoạt động Cty, vừa còng lưng trả lãi sổ đỏ đang thế chấp và rất dễ mất nhà trong tương lai, đành phải tìm đến cơ quan CA trình bày sự thật...