Lưới chắn rác ngăn mùi: Điểm hợp lý cho đường phố

Ngăn mùi hố ga, đường cống thoát nước... trên đường phố từ lâu đã là vấn đề được ngành giao thông vận tải Đà Nẵng quan tâm.

Thực tế cho thấy, suốt quá trình phát triển hạ tầng đường phố Đà Nẵng những năm qua, việc giải quyết ô nhiễm không khí đường phố do sự lệch pha giữa hệ thống cống cũ với những tuyến đường mới luôn nổi cộm. Thành phố đã đầu tư rất lớn để có những con đường rộng mở hơn, giải quyết tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Nhưng phía dưới những mặt đường phẳng phiu ấy, là hệ thống cống cũ và mới chêm xen, với các nắp hố ga, cửa thu nước mưa, cống thải chưa được thiết kế và xử lý tốt.

Hậu quả, ngay trên các con phố khang trang Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng..., người dân vẫn dùng các loại bạt che, tấm nilon để che cửa cống thoát nước, miệng hố ga vì mùi cống thoát ra gây ô nhiễm khó chịu. Điều này vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa gây ra ách tắc thoát nước khi có mưa. Một số nơi, do cống cũ không bảo đảm ngăn mùi, nhiều hộ dân còn dùng vật liệu xây dựng, tấm chắn cứng đậy hẳn những miệng cống; một số tuyến đường miệng thu nước thiết kế theo dạng hàm ếch, qua thời gian miệng này bị tắc lại do rác, đất đá (có trường hợp vị vỡ làm mất ngoại quan )... khiến công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét rác gặp khó khăn. Mùa mưa bão, hiện tượng ngập úng cục bộ ở nhiều tuyến đường nội thị Đà Nẵng đều do tình trạng này mà ra.

Ngành Giao thông vận tải (GT-VT) Đà Nẵng đã có nhiều chương trình kêu gọi đầu tư, hội thảo tìm kiếm những giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên, song qua nhiều giai đoạn thử nghiệm vẫn chưa xác định được biện pháp toàn diện. Một số mô hình xử lý đã từng được áp dụng, như sử dụng các nắp hố ga bằng gang có hố chặn rác bên dưới, nắp cống thoát nước 2 ngăn dạng lưỡi gà, hay dùng tấm inox đặt trước miệng cống theo dạng cửa đẩy một chiều để hạn chế thoát mùi... Sau một thời gian sử dụng, các mô hình đều có hạn chế khi không đủ độ kín chặn khí, không thể xử lý rác mắc vào, vật liệu nặng khó tháo gỡ khi bảo dưỡng, kể cả một số trường hợp vật liệu giá trị còn bị trộm cắp, thiếu độ đàn hồi nên gãy vỡ do phương tiện giao thông đè ngang qua.

Lưới chắn rác ngăn mùi: Điểm hợp lý cho đường phố - 1

Lắp đặt thử nghiệm lưới chắn rác ngăn mùi

Trong gần 1 năm qua, với sự phát triển ứng dụng một số loại vật liệu mới, đặc biệt là composite, cũng như suy nghĩ đổi mới sản phẩm từ một số đơn vị sản xuất, bài toán xử lý vấn đề trên đã được giải đáp. Mới đây, nhờ hỗ trợ của Sở GT-VT Đà Nẵng, Cty TNHH Phúc Tất Đạt (Đà Nẵng) đã đề xuất thử nghiệm loại lưới chắn rác ngăn mùi mới bằng vật liệu composite FRP trên một số vị trí tuyến đường Đà Nẵng.

Theo doanh nghiệp này, loại lưới chắn được công ty nghiên cứu mẫu và chế tạo dựa vào thực tiễn hệ thống cống thoát nước hiện hữu, có khả năng chặn rác thải chảy vào miệng cống gây tắc và ngăn mùi thoát ngược ra. Bộ phận ngăn mùi được thiết kế đặt ngay dưới lưới chắn rác tại các miệng cống thoát nước, với nhiều kiểu cửa phù hợp với địa hình địa vật, như cửa đẩy một chiều, cửa lật,... Bình thường, các cửa này luôn đóng kín để ngăn mùi, khi có mưa, dòng nước chảy vào sẽ tạo áp lực mở cửa, rác được chặn bên ngoài.

Thực tiễn nghiệm thu từ Sở GT-VT Đà Nẵng cho thấy, tính năng hoạt động của lưới chắn rác này phù hợp với yêu cầu thực tế. Một số hộ dân ở các vị trí đã lắp thử nghiệm phản ảnh, lưới chắn rác rất hiệu quả về mặt ngăn mùi cống; mỗi khi có mưa, bản thân người dân cũng có thể tự vệ sinh dòng thoát, lấy rác bị chặn trước cửa lưới ra dễ dàng. Vật liệu composite chế tạo lưới lại nhẹ, chịu lực tốt, nên không bị gãy nứt khi bị va đập, không bị trộm cắp như các cửa lưới bằng kim loại và dễ dàng sửa chữa..

Đại diện Cty Phúc Tất Đạt cho biết, hiện doanh nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu đa dạng hóa các mẫu lưới chắn rác ngăn mùi này, để đưa vào sử dụng linh hoạt hơn. Tùy vào quy mô vị trí các đường phố, công ty sẽ đưa ra những dạng cửa lưới tương thích cảnh quan, thậm chí cả màu sắc, để trở thành những điểm nhấn tô điểm đẹp hơn cho đô thị Đà Nẵng. Ngay trong mùa mưa đang đến, doanh nghiệp có kế hoạch sẽ khảo sát và mạnh dạn đề xuất đưa một số lưới chắn rác ngăn mùi này vào các tuyến đường lớn nhằm hỗ trợ tốt hơn tình trạng thoát nước ngập cục bộ hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thụy Bất Nhi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN