Làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng: Những kỹ xảo chế tác có một không hai

Nhiều khâu trong việc chế tác các dụng cụ, nguyên liệu để làm bằng giả của các đối tượng đạt đến đẳng cấp của một “nghệ nhân”. Không có cơ ngơi hoành tráng, máy móc hiện đại, những kẻ đã có tiền án, tiền sự sở hữu những “tuyệt kỹ” đánh lừa người dùng chỉ bằng thao tác thủ công. Ngoài bộ máy vi tính được coi là công nghệ nhất, thậm chí có khâu được thực hiện trên bộ khung căng vải mà mới nhìn qua thấy tựa như khuôn làm... bánh cuốn!

Nguyễn Hằng Minh vốn là một kỹ sư khoa Điện của ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cũng có một ít kiến thức, thủ thuật trong lĩnh vực tin học nên việc sở hữu các mẫu bằng, giấy tờ, chứng chỉ thông qua mạng Internet không có gì là khó khăn. Khi nhận được đơn đặt hàng, Minh mò mẫm “chế tác” và cuối cùng chỉ cần một cú click chuột là "nhận hàng" từ chiếc máy in màu được xem là tài sản hiện đại nhất của tất cả các công đoạn.

Đối với những mẫu bằng, giấy tờ không có trên mạng, Minh có đủ đầu mối mượn hàng thật về mày mò nhiều đêm liền để cho ra một phiên bản mà nếu không kể về độ mới thì người cho mượn bằng thật chưa chắc đã phát hiện ra đâu là “vàng”, đâu là “thau”. Khi hoàn chỉnh các thông tin, hoa văn, logo..., tấm bằng còn nguyên mùi mực sẽ được chuyển đến cho Đặng Tuấn Anh thực hiện khâu tiếp theo là ký tên, đóng dấu tổ chức và dấu chức danh. Ngoài việc phụ trách dấu má, Tuấn Anh chỉ đủ đẳng cấp ký những chữ ký tương đối đơn giản, còn những chữ ký khó, cần phải “cân não” thì phải gõ cửa Trần Ngọc Anh. Thời gian đầu, sau khi hoàn chỉnh bằng, các đối tượng phân công nhau tới các hiệu sách để mua sách. Ai không biết cứ tưởng đâu đây là những con người ham học, nhưng kỳ thực, những cuốn sách sau khi mua về đều chỉ sử dụng có mỗi... con tem chống giả. Chúng được cắt ra và dán lên trên bằng giả với phương châm “trong giả có thật”. Nhưng lâu dần cả nhóm nhận ra rằng, làm như vậy đã vô tình tăng nguồn chi phí bỏ ra, tốn kém quá. Với lại, không đọc sách mà đi mua sách nhiều quá cũng cảm thấy... có tội với các học giả! Thế là chúng quyết định sản xuất ra công nghệ làm giả tem chống giả để làm đại trà mỗi lúc hàng trăm con tem lóng lánh.

Làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng: Những kỹ xảo chế tác có một không hai - 1

Bộ máy in đắt tiền tại nhà Nguyễn Hằng Minh.

Nói về thao tác thủ công, có lẽ khi kể ra, ai cũng phải tròn mắt với việc làm giả con dấu. Ngoài một số được đặt hàng ở các tiệm khắc dấu, những con dấu còn lại đều được cho ra lò bằng công nghệ khiến ta liên tưởng đến việc “kiến đục lá”. Ê-kíp “bằng tặc” này nắm rõ nguyên lý đó nhưng thay con kiến bằng... a-xít. Trên một khối kim loại tròn, các đối tượng vẽ hình các con dấu tổ chức lên đó, khi thật ưng ý rồi là nhỏ a-xít lên những phần cần biến mất. Phần dư được ăn mòn sẽ tạo thành dấu nổi, phần quan trọng được ăn mòn lại cho ra dấu chìm(!). Những con dấu có độ khó cao và có tiềm năng sử dụng nhiều lần đều được giữ lại, trong khi đó, với loại đơn giản và hiếm gặp thì sẽ được “hỏa táng” ngay sau khi “cộp” lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.

Làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng: Những kỹ xảo chế tác có một không hai - 2

Nhiều người tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã sử dụng văn bằng giả do đường dây này sản xuất.

Dù mang tiếng là hàng giả, nhưng rất nhiều loại văn bằng, giấy tờ đều được lưu “hồ sơ gốc” sau khi phát hành. Không chỉ để dự phòng cho việc cấp lại lần 2 như ở các trường, các tổ chức hiện nay mà Đặng Tuấn Anh đã thú nhận một lý do rất sâu thẳm. Khi đối diện với cơ quan CA, Tuấn Anh đã không ngần ngại mà nói rằng: “Thực ra tôi chỉ có ý định làm hết năm nay rồi nghỉ. Và tôi đã nghỉ thật nhưng cách nghỉ không được như dự kiến. Còn chuyện vì sao lại lưu hồ sơ gốc của các loại giấy tờ, đó là câu chuyện trả giá”. Theo Tuấn Anh, có “cung” giả thì mới có “cầu” giả. Không có lý gì người làm giả bị bắt mà người sử dụng bằng giả lại có thể sung sướng, sử dụng giấy tờ không hợp pháp để làm việc. “Chỉ cần có hồ sơ gốc, thì sẽ lần ra được chủ nhân sử dụng văn bằng, giấy tờ giả” - Tuấn Anh “hiến kế”.

Làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng: Những kỹ xảo chế tác có một không hai - 3

Một số loại giấy tờ, văn bằng được làm giả gần như hoàn hảo.

Công nghệ dùng để làm giả chưa thật hiện đại nhưng cách thức hoạt động cũng như kỹ xảo chế tác hiếm có này đã phần nào “làm khó” cho CQĐT bấy lâu nay. Dù mỗi khâu đều được hoạt động độc lập, một số đối tượng gần như không biết nhau nhưng chúng làm việc nhanh đến nỗi có khi cơ chế “một cửa” cũng còn phải kiêng nể. Những kiểu giao dịch, nhận và bàn giao nhiệm vụ theo kiểu mạng lưới và bảo mật thông tin của từng cá nhân trong đường dây hệt như hoạt động tình báo. Sau này, khi sa lưới, các đối tượng đều khai rằng nếu chỉ tiếp xúc và bắt các “cò” thì vụ án sẽ chỉ như việc nhổ cỏ cú mà không bứt gốc. Vì có đấu tranh đến cỡ nào, các “cò” có muốn khai cũng không biết gì mà khai.

Làm bằng giả lớn nhất Đà Nẵng: Những kỹ xảo chế tác có một không hai - 4

Hàng chục con dấu giả được CQĐT thu giữ và rất nhiều trong số này được làm ra bởi “công nghệ a-xít”.

Nếu như Nguyễn Hằng Minh là một designer có hạng, làm chủ trong các thao tác liên quan đến INTERNET và pha trộn màu, in ấn, Đặng Tuấn Anh có biệt tài chế tác con dấu và lưu trữ thông tin cũng như đảm nhiệm ký các chữ ký đơn giản thì Trần Ngọc Anh là bậc thầy của những chữ ký tưởng chừng như không thể giả được. Không chỉ thế, Ngọc Anh còn để lại trong giới văn nghệ sĩ, dân chơi những giai thoại mà chắc chắn sẽ còn được nhắc tới nhiều. Chuyện người đàn ông gầy nhom mà cua gái đến đâu đổ đến đấy, bàn tay ma thuật chỉ liếc qua chữ ký của người khác là có thể giả đến 80%, chuyện thu nhập tháng gần trăm triệu đồng nhưng ngôi nhà ở vẫn hôi hám đến ngậy mùi... mà chúng tôi sắp đề cập tới sẽ dựng cho độc giả chân dung của con người đào hoa và... tai họa này.

(còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Khanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN