Gỡ nút thắt xây dựng nhà ở cho 10.000 công nhân
Nằm trong Dự án Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng), công trình chung cư, ký túc xá dành cho công nhân ở Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh được triển khai xây dựng thô lên đến tầng 2, tầng 3 thì bỏ hoang từ năm 2004 đến nay... Từ đó, người dân đã xây 40 móng nhà, nhà, trại sản xuất trái phép. Trong khi đó hơn 10.000 công nhân phải đi thuê ở trong các phòng trọ chật chội, không bảo đảm điều kiện về ở, nghỉ ngơi, sinh hoạt…
Dự án dang dở
Dự án Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh được công bố quy hoạch từ năm 2003 với tổng diện tích 68ha. Thế nhưng, dự án triển khai đền bù giải tỏa, xây dựng một số hạng mục rồi bỏ hoang, gồm: 2 khối nhà chung cư dành cho công nhân KCN Hòa Khánh được xây dựng thô đến tầng 2, tầng 3, vài cây số đường cấp phối cùng với hệ thống cống thoát nước, trụ điện, ống cống bê-tông ngổn ngang... có giá trị xây lắp hơn 10 tỷ đồng, chưa kể hơn 20 tỷ đồng đã bỏ ra để đền bù giải tỏa.
Đến năm 2009, UBND TP Đà Nẵng giao một phần dự án này với diện tích quy hoạch 5,8ha cho Cty CP Đầu tư xây dựng Hưng Phú (Đà Nẵng) thực hiện dự án nhà ở công nhân tại KCN Hòa Khánh, trong đó có xây dựng nối tiếp các khối nhà chung cư đang xây dựng dang dở rồi bỏ hoang. Dự án được khởi công xây dựng rầm rộ vào tháng 3-2010 nhưng chỉ được một thời gian rồi “đứng bánh”, các khối nhà chung cư đang xây dựng dang dở tiếp tục bị bỏ hoang. Đến tháng 4-2012, UBND TP quyết định thu hồi dự án và điều chỉnh, đưa công trình vào Dự án Khu ký túc xá tập trung phía Tây có diện tích 92.375m2 đã được phê duyệt quy hoạch và ranh giới mở rộng tại Quyết định số 9900 ngày 16-11-2011.
40 trường hợp xây dựng trái phép
Do dự án dang dở nhiều năm, người dân bức xúc về chỗ ở và sản xuất đã tiến hành xây dựng các công trình như: nhà ở, móng, trại sản xuất trái phép. Đi vào khu vực xây dựng công trình Ký túc xá tập trung phía Tây không khó nhận ra những “bãi” gạch ngổn ngang và dấu tích những móng nhà, tường rào, ao nuôi thủy sản xây dựng trái phép trên đất đã quy hoạch, bị các lực lượng chức năng xử lý, tháo dỡ. Thấp thoáng giữa diện tích trồng cây cũng có những móng nhà xây bằng gạch đã bị xử lý và cả những căn phòng nhỏ xây dựng dã chiến, tuềnh toàng, toang hoác, nhưng có người ở... Ông Võ Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Hiệp Nam cho hay: “Hiện có 21 trường hợp nhà, móng và 19 trại sản xuất xây dựng trên phạm vi dự án Khu ký túc xá tập trung phía Tây và hầu hết được xây dựng, trong số đó đã bị xử lý, tháo dỡ từ trước năm 2009. Từ năm 2009 đến nay, phường giữ quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng rất kỹ”.
Vào cuối tháng 7-2012, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo xử lý, tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng trái phép tại khu vực Dự án Khu ký túc xá tập trung phía Tây nằm trong diện tích quy hoạch Dự án Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh. “Thực hiện chỉ đạo của thành phố và quận về xử lý, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất quy hoạch xây dựng Khu ký túc xá tập trung phía Tây, phường tiến hành kiểm tra, giải quyết khu vực trước khối nhà 1 của dự án, bàn giao trước mặt bằng cho đơn vị thi công với diện tích khoảng 5.000m2” – ông Võ Ngọc Tâm cho biết.
Gỡ nút thắt xây dựng nhà ở công nhân
Như phản ánh ở trên, sau gần 10 năm triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân, chỉ xây dựng 2 khối nhà chung cư dang dở rồi bỏ hoang, đến nay vẫn chưa hoàn thành được một căn hộ hay một phòng ở ký túc xá nào dành cho công nhân. Theo BQL Các KCN và Chế xuất, Đà Nẵng hiện có 65.000 công nhân đang lao động (40.000 lao động nữ) trong các doanh nghiệp, dự án ở các KCN thuộc các ngành may mặc, điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp, cơ khí chế tạo..., chủ yếu là lao động ngoại tỉnh. Phần lớn họ phải thuê nhà ở quanh các KCN với điều kiện sống, sinh hoạt rất tạm bợ, chật chội, nóng bức, diện tích sử dụng chỉ từ 3-4m2/người, không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt nhọc ở các nhà máy, xí nghiệp và ảnh hưởng rất lớn đến việc hồi phục sức khỏe, tái tạo sức lao động, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội, tình hình mất trật tự an ninh tại khu vực. Mặt khác, họ còn gặp thiếu thốn, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, không khí sạch,... Do vậy, vấn đề xây dựng và đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động và công nhân tại các KCN là bức xúc hơn bao giờ hết. Cũng theo BQL, hiện có 14.540 lao động ở KCN Hòa Khánh đang bức xúc và có nhu cầu được bố trí nhà ở, trong khi đó con số này ở KCN Hòa Cầm cũng lên đến 10.679 lao động.
Để tháo gỡ nút thắt về nhà ở cho công nhân, ngày 31-7-2012, UBND TP đã ban hành Quyết định số 6185 và 6186 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu nhà ở công nhân và người lao động tại khu đất có ký hiệu B3-2 có diện tích rộng 4.848m2 thuộc phạm vi quy hoạch Dự án Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh và khu đất có ký hiệu B4-1, B4-2 có tổng diện tích rộng 42.783m2 thuộc Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 (thuộc P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu và xã Hòa Liên, H. Hòa Vang). Theo đó sẽ xây dựng các khối nhà chung cư, ký túc xá, dịch vụ, nhà ăn cho công nhân, bãi đỗ xe... và giao cho Sở KH-ĐT làm chủ đầu tư. Trước đó, vào ngày 19-6-2012, UBND TP cũng đã ban hành Công văn số 4446 giao Sở KH-ĐT chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan liên quan của các Bộ, ngành ở trung ương để bố trí vốn thực hiện dự án. Việc này thể hiện rõ sự quan tâm của thành phố trong công tác chăm lo đời sống cho nhân dân cũng như tạo điều kiện thật tốt về đời sống, sinh hoạt cho người lao động từ địa phương khác đến lập nghiệp và mong muốn góp sức xây dựng thành phố. Đặc biệt, mới đây, phát biểu tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh cho rằng, thành phố đã ưu tiên bố trí đất và tạo mọi điều kiện để các doanh nghệp xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng không có doanh nghiệp nào thực hiện vì lâu thu hồi vốn. Do vậy, TP sẽ hỗ trợ các hộ gia đình có đất xây nhà trọ cho công nhân với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để công nhân, người lao động có chỗ ở tốt và sẽ có hàng ngàn nhà trọ như thế dành cho công nhân. Có thể nói, đây là giải pháp căn cơ giải quyết nút thắt về xây dựng nhà ở dành cho công nhân ở các KCN sau gần 10 năm triển khai giải quyết vấn đề này.