Độc chiêu của khách "mua đĩa CD, VCD cũ"

Những chiếc đĩa CD, VCD đã hết giá trị sử dụng lại trở thành phương tiện của bọn lừa đảo.

Báo Công an TP Đà Nẵng từng có bài phản ánh về việc một số đối tượng giả danh người đi sưu tầm, thu mua đồ cổ, đưa những chiếc đĩa, chén cũ, sứt mẻ làm mẫu rồi đặt hàng cho một số người dân trên địa bàn Đà Nẵng tìm kiếm, thu gom lại bán cho chúng với giá cao lên đến cả trăm triệu đồng. Sau đó, đồng bọn của chúng sẽ nhập vai người đi bán chén, đĩa cổ. Thấy những chén cổ đúng “mẫu” mà “người mua đồ cổ” trước đó cần mua, không ít người dân đã bỏ hàng chục triệu đồng ra mua nhằm bán với giá cả trăm triệu đồng để kiếm lời. Cũng theo cách này, hiện nay tại Đà Nẵng, một số vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam xuất hiện một loại “dịch vụ” mới, đó là thu mua đĩa CD, VCD đã qua sử dụng và kiểu thu mua này đã làm không ít những ông chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng băng đĩa “ăn” phải quả đắng.

Gần 11 giờ một ngày cuối tháng 7/2013, cửa hàng kinh doanh băng, đĩa của anh H., trên đường Tôn Đức Thắng (P. Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang lúc vắng người thì xuất hiện một vị khách ăn mặc bảnh bao, nói giọng Bắc pha Nam rất khó nghe hỏi mua đĩa. Khi anh H. giới thiệu các loại đĩa ca nhạc, phim..., vị khách đều lắc đầu. Sau một hồi trao đổi bằng lời, phụ họa thêm phần điệu bộ, anh H. mới biết vị khách này có nhu cầu rất khác: chuyên kinh doanh các loại đĩa đã qua sử dụng với số lượng lớn, đặc biệt đĩa càng cũ có giá càng cao. Chứng minh cho điều mình cần, anh ta lấy ra từ túi xách một số đĩa cũ mèm và ra giá: đĩa có tuổi thọ từ 10 năm trở lên được mua giá 15.000 đồng/chiếc, tuổi thọ dưới 10 năm có giá 10.000 đồng. Trước nhu cầu có phần kỳ lạ này, anh H. lắc đầu từ chối. Không nản lòng, vị khách đề nghị: Nếu anh có loại đĩa này thì em sẽ thu mua lại. Để tạo lòng tin cho anh H., ngoài việc đưa số điện thoại để tiện liên lạc, anh ta còn xin được đặt cọc 500.000 đồng để làm tin. Thấy khách nhiệt tình, anh H. đồng ý nhận làm “đại lý” thu mua... đĩa cũ.

Độc chiêu của khách "mua đĩa CD, VCD cũ" - 1

Những chiếc đĩa CD, VCD đã hết giá trị sử dụng lại trở thành phương tiện của bọn lừa đảo

Thực hiện lời hứa, trong những ngày sau đó ngoài việc thu mua đĩa tại cửa hàng, anh H. còn cho người thân tổ chức thu mua đĩa cũ đang nằm rải rác trong dân với giá bằng phân nửa so với người khách đưa ra và hy vọng sẽ kiếm được bộn tiền qua dịch vụ... chẳng giống ai này. Khi gom được hơn 3.000 chiếc đĩa, anh H. liên lạc với người khách nọ yêu cầu đến lấy thì anh ta ậm ừ bảo: đang ở xa, anh cứ gom cho em càng nhiều càng tốt và sẽ đến lấy luôn một thể. Tin tưởng, anh H. tiếp tục thu mua được gần 10.000 đĩa và điện thoại cho khách đến lấy. Lần này, vẫn liên lạc qua những con số được ghi lại nhưng vị khách không chịu nghe máy, hoặc có khi thì ò í e. Chờ mãi chẳng thấy người khách quay lại, anh H. đành ngậm ngùi ôm đống đĩa cũ vừa mua với giá hàng chục triệu đồng đổ vào thùng rác.

Tương tự, trường hợp anh T. (trú Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) cũng “ôm” một đống đĩa cũ nhưng vì sợ bạn bè chê cười nên đành “ngậm bồ hòn” làm ngọt. Trong một lần trà dư tửu hậu, nhớ lại chuyện cũ, anh T. thổ lộ: Anh được một người đến đặt hàng thu mua đĩa cũ, mà lại càng cũ thì giá càng cao. Nhận tiền cọc của khách xong, anh T. chưa kịp tổ chức người thu gom đĩa thì những ngày sau đó cửa hàng liên tục đón nhiều vị khách đến bán đĩa cũ. Vì tin tưởng người đặt hàng nên anh T. tranh thủ mua để gom hàng, chờ khách đến bán lại để kiếm lời mà không biết là mình đang trở thành miếng mồi của những kẻ lừa đảo. Khi anh T. gom được một lượng lớn đĩa CD, VCD đã qua sử dụng, liên lạc cho vị khách đặt hàng đến lấy thì mới té ngửa mình bị lừa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng trường hợp anh H., anh T. tại TP Đà Nẵng, nhiều cửa hàng bán, cho thuê băng đĩa CD, VCD tại các huyện như Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn... của tỉnh Quảng Nam rơi vào cảnh bị lừa tương tự. Anh N. (trú TT Vĩnh Điện, Điện Bàn) cho biết: Anh được một vị khách đến hỏi mua những chiếc đĩa CD, VCD đã cũ với giá 10-15 ngàn đồng/chiếc, nhưng không hiểu vị khách này mua làm gì. Do trong cửa hàng không có nên vị khách liền “đặt hàng” cho anh N. mua và đặt cọc mấy trăm ngàn đồng để làm tin cũng như cho lại số điện thoại. Sau khi đặt cọc tiền, vị khách hẹn cuối mỗi tuần sẽ cho người đến lấy hàng, tính sổ, số lượng không hạn chế. Trong 2 tuần đầu, vị khách này thực hiện đúng lời hứa, việc mua bán diễn ra sòng phẳng. Thấy việc mua bán đĩa cũ có lãi gấp nhiều lần mua bán đĩa mới nên anh N. tổ chức thu mua đĩa cũ một cách rầm rộ. Đến tuần thứ ba, không thấy người đến lấy hàng, anh N. điện thoại và được trả lời: Do nhà có việc hiếu hỷ mong được thông cảm, anh cứ gom thêm, tuần sau em sẽ đến lấy một thể. Không ngờ đến ngày cuối của tuần thứ tư, khi lượng hàng gom được khá lớn thì cũng là lúc tín hiệu điện thoại bên kia vang lên... ò, í, e. Chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy khách đến lấy hàng, anh N. mới biết mình bị lừa, đành quẳng số đĩa có giá trị non nửa gia tài vào thùng xe thu gom rác.

Với những gì đã xảy ra cho thấy đây là một thủ đoạn mới của những đối tượng lừa đảo, tổ chức một cách chặt chẽ, có sự phân công vai trò của từng người rõ ràng. Kẻ đi mua, người đi bán được thực hiện nhuần nhuyễn và thực chất bọn chúng chỉ là một nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để con mồi dễ cắn câu, chúng đưa ra những điều kiện theo hình thức thả con săn sắt, bắt con cá rô. Bỏ ra 500.000 đồng đặt cọc, sau đó lấy lại hàng chục triệu đồng... Mong rằng qua những sự việc trên, các chủ cửa hàng băng, đĩa ở các địa phương cần đề cao cảnh giác và nếu phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan CA nơi gần nhất, nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.T (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN