DN thủy sản và "cuộc chiến" với thương lái TQ
Nhiều DN chế biến thủy sản của Đà Nẵng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay không phải là thị trường xuất khẩu mà chính là cuộc cạnh tranh giành giật nguyên liệu đầu vào từ cuộc đổ bộ thu mua theo kiểu “vơ vét” của thương lái Trung Quốc.
Cuộc chiến nguyên liệu
Ngay từ những ngày đầu tiên sau Tết Nguyên đán 2014 hơn 1.100 công nhân của Cty cổ phần XNK thủy sản Miền Trung (Seaprodex) đã khẩn trương vào ca sản xuất để hoàn thiện các hợp đồng xuất khẩu tôm sang Nhật Bản. Thế nhưng, ông Lê Hồng Sơn- Chủ tịch HĐQT Seaprodex cho biết, Seaprodex cũng như nhiều DN chế biến thủy sản khác ở KCN Thọ Quang đang phải “đau đầu” với thực trạng thiếu nguyên liệu chế biến. Ông Sơn cho biết, năm vừa qua, khắp các vựa tôm miền Trung thậm chí tới miền Nam đều xuất hiện thương lái Trung Quốc. Họ không chỉ thu mua tôm loại 1 giá cao mà ngay cả loại 2, loại 3 cũng thu gom mua hết, theo đúng kiểu “vơ vét”. Chính vì lý do đó, hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản vốn đã thiếu nguyên liệu nay càng trầm trọng hơn. Để có được nguyên liệu chế biến, đảm bảo cho nhà máy hoạt động, đảm bảo cho cuộc sống của hàng ngàn công nhân, Seaprodex phải đi mua nguyên liệu với giá tăng cao có lúc tới 40%. Thậm chí có tuần còn không mua được con tôm nào để chế biến.
Ngay cả Cty thủy sản Thuận Phước- Cty thủy sản lớn nhất miền Trung cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến giành nguyên liệu với thương lái Trung Quốc. Ông Trần Văn Lĩnh, TGĐ Cty, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, các nhà máy chế biến thủy sản của Trung Quốc cũng lao đao vì thiếu nguyên liệu. Vì vậy, họ ồ ạt sang Việt Nam thu gom. Từ giờ trở đi, cuộc chiến giành nguyên liệu sẽ tiếp diễn căng thẳng, đặt các DN thủy sản VN vào thế cạnh tranh gay gắt.
Hiện nay để đối mặt thêm với các thương lái Trung Quốc, nhiều DN chế biến nhỏ phải đóng cửa, làm cầm chừng, trong khi các DN lớn với thị trường xuất khẩu ổn định thì cũng phải “bơi” ra thế giới để nhập nguyên liệu về chế biến. Ông Lĩnh kể, đơn cử như Thuận Phước, năm 2013 nếu chỉ trông chờ vào nguyên liệu trong nước thì sẽ vô vàn khó khăn. Tính toán trước những sức ép nên Cty đã phải chủ động nhập nguyên liệu từ Ấn Độ, Ecuado về để đảm bảo việc làm cho 2.400 công nhân, đảm bảo các hợp đồng xuất khẩu.
Hơn 1.000 công nhân của Cty cổ phần XNK thủy sản Miền Trung
tích cực sản xuất để “chạy” đơn hàng
Kịch bản 2014
Theo đánh giá của các DN thủy sản năm 2014 thị trường thế giới sẽ phục hồi, theo đó xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật sẽ mở ra nhiều triển vọng. Bà Trần Như Thiện Mỹ - Phó TGĐ Seaprodex cho biết, thị trường Nhật rất khó tính, tuy nhiên khi đã vào được đây thì xuất khẩu sẽ mang giá trị cao, ổn định. Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN 2014 khoảng 6,9 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu tôm ước khoảng 3 tỷ USD. Bà Mỹ nói thêm, để đạt được mục tiêu đó nhiều DN lớn đã tính tới phương án “đột ngột” thiếu hụt nguyên liệu khi thương lái Trung Quốc tràn sang bằng cách tìm đối tác đối tác nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời tăng ca sản xuất ngay khi sản lượng khai thác gia tăng để dự trữ. Một khó khăn khác cũng được các DN tính tới đó là lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc trên biển Đông vào mùa cao điểm khai thác.
Ông Lê Viết Tươi - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của TP năm 2013 khoảng 1 tỷ USD, trong đó DN FDI chiếm tỷ trọng lớn, phần còn lại là các DN cao su, dệt may, thủy sản (riêng thủy sản 155 triệu USD). Như vậy nếu không tính các DN FDI thì ngành thủy sản vẫn là kinh tế mũi nhọn trong xuất khẩu của TP. Trong năm 2014, TP đã chọn là “năm doanh nghiệp” vì vậy sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các DN xuất khẩu chủ lực, tạo việc làm cho số đông lao động.