Cuộc di dời lịch sử của làng Vân

Sớm tinh mơ ngày 25-8, tại bến bãi Làng Vân (P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), một cuộc di dời lịch sử đã diễn ra trong không khí bồi hồi, xúc động lưu luyến: Sau 44 năm gắn bó, dân Làng Vân di dời làng để tái hòa nhập cộng đồng.

Khi chiếc tàu của BĐBP TP Đà Nẵng rẽ sóng đưa 37 hộ dân đầu tiên của làng vào nơi ở mới, không riêng gì người Làng Vân, tất cả những ai có mặt trên chuyến tàu lịch sử ấy đều thấm thía hơn bao giờ hết vần thơ: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”...

Cuộc di dời lịch sử của làng Vân - 1

Đoàn thanh niên, Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng chức năng giúp dân Làng Vân chuyển hàng lên tàu vào nơi tái định cư mới

“Khi ta đi...”

Dù không phải là người trong cuộc, thế nhưng, tâm trạng của tôi cũng bổi hổi bồi hồi khi có mặt trên chuyến tàu lịch sử ra đón bà con Làng Vân vào tái định cư nơi ở mới. Trong ánh ban mai vừa nhô lên trên mặt biển bao la, nhìn từ xa, Làng Vân thật yên bình nép mình bên chân sóng. Mới đó mà đã 44 năm trôi qua!... Trên bãi bến Làng Vân lô nhô bóng người. Màu áo xanh tình nguyện của những chàng trai, cô gái thanh niên thuộc Quận Đoàn Liên Chiểu và lực lượng xung kích P. Hòa Hiệp Bắc sáng cả một góc trời... Tàu vừa cập bến, đã thấy dân Làng Vân đứng đó chờ đợi tự bao giờ...

Trong đoàn người đi vào đợt một, tôi gặp lại bà Nguyễn Thị Phú (1940), người phụ nữ quê ở Điện Thắng, Điện Bàn (Quảng Nam), ra định cư tại Làng Vân cùng đứa con trai từ năm 1968. Trước giờ phút phải chia tay mảnh đất từng cưu mang, đùm bọc hai mẹ con bà suốt hơn 40 năm qua, bà Phú ngậm ngùi nói trong lưu luyến: “Vẫn biết được hòa nhập cộng đồng là vui mừng khôn xiết, vậy mà không hiểu sao, chưa đi tui đã thấy nhớ Làng quá chừng chừng. Nhớ vườn cây ăn trái, nhớ từng bụi chuối, cây mít, vườn rau đang vào mùa thu hoạch. Vậy mà mình lại ra đi...”.

Cuộc di dời lịch sử của làng Vân - 2

Một cụ bà ở Làng Vân trong giờ chia tay đất cũ

Bịn rịn không kém, vợ chồng ông Tịnh Khen khi được BĐBP TP đưa lên tàu để vào đất liền, cứ ngoái đầu nhìn lại ngôi làng ẩn mình sau rừng cây. Ông Khen thổ lộ: “Vợ chồng tui thức suốt đêm qua. Cứ đi tới đi lui nhìn ngôi nhà gắn bó với mình hơn 40 năm. Chẳng làm sao ngủ được...”. Tay xách 2 lồng chim quý bước lên tàu, ông Trần Đây (61 tuổi) trầm tư: “Vẫn biết được tái hòa nhập cộng đồng là vui, nhưng chúng tôi vẫn thấy lưu luyến lắm vùng đất ấy. Nhớ bóng mát rừng cây, nhớ những cơn gió nhẹ heo may, nhớ cả tiếng sóng vỗ...”.

Mặc cho mọi người trải nỗi lòng, bà Võ Thị Đào (85 tuổi), không nói gì, chỉ dõi đôi mắt đục ngầu chằng chịt vết chân chim nhìn về phía bến bãi, gương mặt đầy ưu tư. Bởi nơi ấy, bà đã gửi gắm cả tâm hồn... Chia sẻ nỗi lòng người Làng Vân, thiếu tá Hồ Bách Chiến-BĐBPTP- cho biết: “Phải đặt trường hợp của mình vào người dân Làng Vân mới hiểu được tâm tư, tình cảm của họ trước lúc rời xa mảnh đất do chính họ khai hoang, vỡ hóa lập nên làng. Thế nên, cách bộc lộ tình cảm của người Làng Vân trước giờ khắc chia tay khác lắm, rất khó diễn đạt được thành lời...”. Có lẽ, thấu hiểu nỗi lòng người dân Làng Vân hơn cả là đại tá Trịnh Ngọc Vân- Phó Chính ủy BĐBP TPĐN, người gắn bó bới bà con Làng Vân từ những ngày đầu đất nước giải phóng- tâm sự: “Gì thì gì đó cũng là mảnh đất mà họ đã gắn bó hơn 40 năm qua, từ cái thời xã hội còn lạc hậu, còn kỳ thị, xa lánh do y học chưa phát triển... Sự ra đi về nơi ở mới đối với bà con Làng Vân phải nói là một cuộc ra đi lịch sử...”.

Cuộc di dời lịch sử của làng Vân - 3

Người dân Làng Vân trước phút lên tàu vào đất liền

Tay trong vòng tay

Nói như Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu rằng, Đà Nẵng nói chung, Q. Liên Chiểu nói riêng, trong quá trình xây dựng, chỉnh trang đô thị đã tổ chức không biết bao cuộc di dời, nhưng với Làng Vân thì đây quả là một cuộc di dời lịch sử. Bởi trong 44 năm hình thành, Làng Vân vẫn là một ốc đảo biệt lập, nơi định cư của những người không may mắc phải bệnh phong, một thời bị xã hội định kiến, xa lánh. Việc di dời, đưa người dân Làng Vân tái hòa nhập cộng đồng sau 44 năm cách biệt, trở về với cuộc sống bình thường trong vòng tay chia sẻ của đồng bào Đà Nẵng nói chung, Liên Chiểu nói riêng là một cuộc di dời, đón chào lịch sử theo đúng nghĩa của nó. Rồi mai đây, cái tên Làng Vân sẽ chỉ còn là ký ức.

Tương lai, vùng đất này sẽ trở thành Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp cao cấp. Có thể nói, chưa có cuộc di dời nào lại được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ chu đáo, tận tình đến vậy. Để công tác di dời được tiến hành suôn sẻ, từ trước đó, chính quyền Q. Liên Chiểu đã xây dựng kế hoạch chi tiết,  phân công cụ thể các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ bà con Làng Vân đóng gói các vật dụng sinh hoạt chuyển vào nơi tái định cư mới, nhằm đảm bảo cho việc bàn giao mặt bằng triển khai dự án Quần thể Khu đô thị du lịch Làng Vân đúng theo tiến độ TP đã đề ra... Ngoài việc tổ chức đưa dân vào bốc thăm nhà liền kề, tổ chức liên hoan chia tay, trong ngày 24-8, Quận Đoàn phối hợp với chính quyền P.Hòa Hiệp Bắc đã “đổ quân” ra Làng Vân giúp dân gói ghém đồ đạc chuyển vào đất liền trước. Dù mệt, nhưng ai cũng thấy vui. Bà Nguyễn Thị Phú xúc động kể: “Mấy cô chú ấy làm việc quên ăn, quên uống luôn. Dù mệt, tối qua, các cô chú ấy còn tổ chức văn nghệ giao lưu với bà con nữa chứ. Tui cũng góp vui một bài...”. Sự quan tâm chu đáo ấy đã phần nào làm ấm và yên lòng bà con Làng Vân trước ngày về phố...

Đất liền ơi!

Đúng 8 giờ 10 phút, 37 hộ dân/138 hộ dân Làng Vân được di dời trong ngày đầu tiên đã có mặt tại khu nhà liền kề thuộc P. Hòa Hiệp Nam trong niềm hân hoan chào đón của lãnh đạo TP, chính quyền và nhân dân Q. Liên Chiểu nói chung, P. Hòa Hiệp Nam nói riêng. Dù đã được tham quan trước đó, thế nhưng, khi tiếp nhận nhà mới, bà con Làng Vân vẫn không kìm nén được niềm hạnh phúc. Bởi có trong mơ, họ cũng không thể ngờ mình lại được ở trong căn nhà khang trang, đẹp đẽ đến vậy. Bên trong mỗi căn nhà, chính quyền TP, Q.Liên Chiểu, BĐBP đã hỗ trợ một số vật dụng cần thiết cho cuộc sống sinh họat. Đó là một cái giường mới, một bếp gas mới, một bộ bàn ghế mới, một bộ ly tách. Rồi thì gạo, mì tôm...

Làng Vân có 138 hộ với 362 nhân khẩu. Trong số đó, có 57 hộ 120 nhân khẩu đăng ký vào tái định cư tại khu nhà liền kề, số còn lại (ngoài 3 bệnh nhân được đưa vào khu điều trị, nuôi dưỡng ở P. Hòa Hiệp Nam) được bố trí tái định cư trong các khu dân cư thuộc địa bàn Q.Liên Chiểu.

Tại buổi đón tiếp, UBND TP Đà Nẵng, UBMTTQVN TP, UBND Q. Liên Chiểu và BĐBP TP đã trao tặng cho bà con Làng Vân một số vật dụng sinh hoạt gia đình với tổng trị giá 462 triệu đồng. Đến ngày 28-8, sẽ kết thúc việc di dời các hộ còn lại vào nơi ở mới.

Tự tay trải chiếc chiếu mới, ông Nguyễn Văn Xứng sung sướng thốt lên: “Thật khó diễn đạt hết tâm trạng của tui cũng như của bà con Làng Vân vào thời điểm  này... Tui lấy làm tiếc khi mình trở lại cộng đồng thì đã ở 75 tuổi, không biết còn sống được bao lâu. Nhưng tui tin và hy vọng, niềm vui sướng này sẽ giúp cho tui sống lâu hơn nữa trong ngôi nhà mới này...”.

Tất nhiên, trong niềm riêng chung ấy, người Làng Vân cũng không khỏi nỗi canh cánh, âu lo cho tương lai. Đó hẳn là tâm lý hiển nhiên và chính đáng. Như đoán biết được tâm trạng đó, ông Dương Thành Thị- Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu- cho biết, sẽ còn rất nhiều việc mà Đảng bộ, chính quyền Q. Liên Chiểu cần phải làm trong thời gian tới nhằm giúp bà con Làng Vân sớm thích nghi, tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội cho dân Làng Vân sẽ tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền Liên Chiểu quan tâm, lập tờ trình trình UBND TP xem xét, giải quyết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Thủy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN