Chung cư Vũng Thùng: Hư hỏng khó chấp nhận

Nhà A5, A6, cao 5 tầng ở khu vực Vũng Thùng (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) khởi công xây dựng vào tháng 8-2003, do BQL Dự án công trình đường Bạch Đằng Đông làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án; Cty TNHH MTV Xây dựng & Phát triển hạ tầng Đà Nẵng thi công.

Tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng (thời giá năm 2003). Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 8-2006 và đến tháng 10-2009 hết thời hạn bảo hành. Đây là 2 trong số 6 chung cư ở khu vực Vũng Thùng bố trí cho gia đình cán bộ, người ta vẫn quen gọi là “chung cư cao cấp”, thuộc công trình cấp 3, theo quy định tuổi thọ ít nhất 25-30 năm. Vậy nhưng, ngay từ khi mới đưa vào sử dụng, 2 nhà A5, A6 đã bị xuống cấp. Các bức tường thấm nước tạo nên những vệt loang lổ. Có chỗ bong tróc từng mảng lớn. Lan can bằng sắt rét rỉ, đứt gãy từng đoạn. Nghiêm trọng nhất là nhiều trụ, dầm chịu lực bị nứt vỡ, bê-tông tự bong ra từng mảng để lộ cốt thép phía trong rét rỉ, dẫn đến biến dạng. Cũng do xuống cấp nghiêm trọng, nên trong số 56 căn hộ tại nhà A6, có 12 căn hộ đến nay vẫn không có người ở. Hầu như tất cả các căn hộ ở 2 nhà A5, A6 đều bị xuống cấp. Nhẹ thì tường bị thấm nước loang lổ, hoặc tróc lở từng mảng. Nặng thì trụ, dầm bê-tông bị nứt vỡ, trơ cốt thép đã rét rỉ.

Vợ chồng bà Huỳnh Thị Tám, đều là cán bộ hưu trí, thuộc diện chính sách, được phân căn hộ 211, nhà A6 từ năm 2009. Đến nay, không chỉ trụ bị nứt vỡ mà bức tường ngăn giữa nhà cũng bị thấm nước loang lổ mảng khá lớn. Chỉ vào trụ bê-tông góc nhà nơi có mấy vết nứt hở hoác, bà bức xúc: “Trụ bê- tông mà nứt vỡ như vậy, chẳng mấy chốc sắt thép trong đó đứt gãy hết. Tường ngăn giữa nhà cũng bị thấm chỉ vì nước từ căn hộ phía trên chảy xuống theo bức tường trong toilet, tràn ra nền, thấm vào. Ở chung cư cao cấp mà khổ hết chỗ nói”. Sát đó, căn hộ 213 của gia đình chị Hồ Thị Hòa, cũng bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Bức tường phía ngoài hành lang bị tróc lở mảng rộng hơn 1 m2. Trong nhà, khu vực bếp, công trình phụ tường thấm, tạo nên các mảng xám xịt, loang lổ, ẩm ướt. Chị Hòa cho biết: “Căn hộ phía trên dội nước, căn hộ mình lĩnh đủ, nước chảy cứ như mở vòi. Khổ nhất là căn hộ 215 bên cạnh bỏ trống mấy năm nay, nền nhà đọng nước, đầy rác rưởi, hôi thối và ruồi muỗi như trấu”.

Chung cư Vũng Thùng: Hư hỏng khó chấp nhận - 1

Chung cư Vũng Thùng: Hư hỏng khó chấp nhận - 2

Trụ bê-tông nhà A5 bị bong tróc trơ cốt thép đã rét rỉ, biến dạng

Tại khu vực để xe, các trụ bê-tông chịu lực đều đứng độc lập, không có tường kết nối và đều bị nứt dọc theo phương thẳng đứng. Chỉ cần dùng búa gõ nhẹ, lớp bê-tông thân trụ bong ra, để lộ cốt thép phía trong rét rỉ, biến dạng. Các hộ sinh sống ở đây đều lo ngại đến sự an toàn của tòa nhà, nhất là khi bão lớn đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục. Trước tình trạng đó, gần cuối năm 2011, UBND TP giao Sở Xây dựng phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành thẩm định, đánh giá mức độ hư hỏng, trên cơ sở đó triển khai phương án sửa chữa.

Từ ngày 17 đến 30-12-2011, Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng (Sở Xây dựng), làm việc rất khẩn trương, kiểm định đánh giá mức độ hư hỏng 2 nhà A5, A6. Ông Lê Hòa, Giám đốc trung tâm này cho biết, bằng phương pháp không phá hủy, bộ phận kiểm định đã dùng máy siêu âm kết hợp với súng bật nẩy kiểm tra chất lượng các dầm, trụ, tường. Áp dụng các tiêu chuẩn về xây dựng, trong đó có TCXDVN 373-2006: “Chỉ dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà”, trung tâm đã hoàn thành công việc được giao bằng 2 bản báo cáo kết quả kiểm định chất lượng công trình nhà A5, A6, chung cư Vũng Thùng rất chi tiết. Các thuật ngữ “nguy hiểm”, “bình thường”, “đạt”, “không đạt” mô tả trong báo cáo thể hiện rất rõ chất lượng công trình này. Về trụ bê-tông chịu lực, tại tầng 1 nhà A5, kiểm định 10 cột thì cả 10 cột đều ở tình trạng nguy hiểm. Tại tầng 1 nhà A6, kiểm định 29 cột thì cả 29 cột đều nguy hiểm. Tình trạng nguy hiểm này được ghi rõ: “vết nứt thẳng đứng, lớp bê-tông bảo vệ bị bong tróc, cốt thép bị rỉ”. Không chỉ ở tầng 1, kiểm tra tại các tầng khác, cột lâm vào tình trạng nguy hiểm không ít. Cụ thể ở nhà A5, tại tầng 4 kiểm định 4 cột, cả 4 cột đều nguy hiểm. Ở tầng 5, kiểm định 10 cột có 6 cột nguy hiểm. Tại nhà A6, ở tầng 2, kiểm định 6 cột có 2 cột nguy hiểm. Tại tầng 3, kiểm định 3 cột thì cả 3 cột nguy hiểm. Tại tầng 4, kiểm định 4 cột thì cả 4 cột đều ở tình trạng nguy hiểm.

Đối với sự an toàn dầm bê-tông cũng đáng báo động, khi kết luận cho thấy tỷ lệ ở tình trạng nguy hiểm khá cao. Cụ thể: tại nhà A5, kiểm định 10 dầm chính, có 4 dầm nguy hiểm, 9 dầm phụ có 5 dầm nguy hiểm. Ở nhà A6 cũng tương tự như vậy. Xác định về cường độ bê-tông, kiểm định tại 37 vị trí của trụ, dầm có 15 vị trí không đạt. Kiểm tra tại 31 vị trí của tường có 18 trường hợp nguy hiểm. Từ cơ sở đó, Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Đà Nẵng kết luận: “theo TCXDVN 373-2006  công trình 2 nhà A5, A6 nằm ở mức độ nguy hiểm cấp B “Nhà có cấu kiện nguy hiểm”. Khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có kết cấu ở trạng thái nguy hiểm... Hiện tại Trung tâm chưa có kết quả thí nghiệm ăn mòn cốt thép. Vì vậy chưa xác định được cốt thép hiện trạng, chưa kiểm tra so sánh khả năng chịu lực của các cột đã khảo sát so với thiết kế ban đầu và hồ sơ hoàn công”. Nghiêm trọng hơn, văn bản do ông Trần Văn Thông, phụ trách Phòng Quản lý chất lượng thuộc Sở Xây dựng, cung cấp cho P.V, nêu rõ: “Một số trụ chịu lực chưa có hiện tượng nứt bê-tông nhưng qua kiểm tra bằng máy siêu âm, cốt thép đã có dấu hiệu bị ăn mòn. Kết quả kiểm tra cường độ bê-tông cột, dầm cho thấy một số vị trí không đạt cường độ so với hồ sơ hoàn công”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Nam (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN