Cảnh giác với thức ăn đường phố (2)

Dăm ba cái bàn nhỏ, hơn chục chiếc ghế nhựa, cùng những lọ mắm, hành chua không nắp đậy; tô, dĩa nằm la liệt chờ được lướt qua thau nước bẩn một, hai lần; tay trần bốc thức ăn đem cho khách... là cảnh thường thấy tại các quán ăn đường phố. Có tận mắt chứng kiến quy trình chế biến của những chủ quán ăn vỉa hè mới thấy được sự hãi hùng của tô bún, bát hủ tiếu và các loại thức ăn vặt...

Bài cuối: Ăn và... mang họa vào thân

Nắng nóng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, ruồi sinh sôi nảy nở và là điều kiện tốt nhất làm cho thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu. Vậy nhưng, hằng ngày, tại các hàng quán thức ăn đường phố, thực phẩm hầu như không được bảo quản gì mà cứ tự nhiên để từ sáng đến trưa, chiều rồi bán cho thực khách. Đã thế, nhiều chủ hàng dùng tay trần để làm tất cả các việc: từ bốc bún, thịt cho vào bát, đến cầm tiền khách đưa và trả lại tiền cho khách... Sau một hồi dạo quanh các tuyến đường “thị sát”, chúng tôi tấp vào quán bún vỉa hè nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng). Thấy có khách, bà chủ quán cao giọng mời: “Vào ăn nhanh để còn kịp giờ đi làm nữa mấy em”.

Theo quan sát, tất cả thực phẩm sống như thịt bò, chả đều để cạnh với thực phẩm chín như nạm, gân. Rau, hành, mắm, muối để gọn trong cái tủ bé xíu trống hoác. Thấy khách vào đông, cô bé giúp việc vội đưa tô bẩn dạo qua một lượt vào thau nước để bên cạnh rồi chuyển vào cho bà chủ múc bún cho khách. Chưa kịp nâng tô bún lên, chúng tôi phải thả đũa khi có làn gió đi qua mang theo mùi hôi từ miệng cống thoát nằm trước bàn chứa thức ăn. Vậy mà hàng chục khách vẫn cặm cụi dùng bữa điểm tâm ngon lành...

Khi chúng tôi đề cập về vấn đề vệ sinh, bà chủ quán tên T. vừa dùng miếng giẻ cáu bẩn lau tô, tay vừa đuổi ruồi, cười thật thà giải thích: “Người làm ít, khách lại đông nên làm chậm sẽ mất khách liền. Chú quan tâm thì thấy thế chứ hằng ngày hàng chục khách đến đây ăn nhưng có ai thắc mắc gì đâu”. Dứt lời, bà vội chùi tay vào vạt áo để  thối tiền cho khách. Để trấn an tôi, vị khách ngồi bàn bên lên tiếng: “Đã là quán vỉa hè thì quán nào cũng như thế thôi, bận tâm làm gì cho mệt... Hơn nữa, mình là khách bình dân thì dám đòi hỏi gì nhiều chứ, có món rẻ để ăn là tốt rồi. Ai chẳng biết là ăn những thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn vệ sinh thì có thể mang họa vào thân nhưng nếu không ăn ở đây thì những công nhân nghèo biết đi đâu ăn”.

Cảnh giác với thức ăn đường phố (2) - 1

Những quán ăn vỉa hè, thấy mà ớn

Với đặc điểm nhỏ gọn, nhiều “quán ăn di động” như hủ tiếu, xiên nướng, bắp xào... tha hồ lang thang trên phố. Chỉ cần dăm ba ngàn, đã có những món ăn hợp khẩu vị... Thấy tôi nhìn chăm chăm những lọ tương ớt cũ không nhãn mác, hạn sử dụng và những chiếc xúc xích chiên được đặt sẵn lên chiếc bàn nhỏ, không có tủ che chắn..., người chủ xe hàng rong đứng gần cầu Rồng nói ngay: “Chả sao hết, tôi bán món này bao nhiêu năm, vừa ngon, vừa rẻ, không riêng trẻ em mà người lớn đều thích nhưng chẳng thấy ai kêu ca gì...”. Điều lo ngại hơn, những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như: xúc xích, nem, chả, tương ớt... được các hàng rong sử dụng tràn lan có thể chứa phẩm màu hóa học, hàn the... vượt mức cho phép, gây hại sức khỏe cho con người. Vậy mà không ít người vẫn thú nhận dù biết mất vệ sinh nhưng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của những món ăn nhanh đường phố.

Theo Chi cục ATVSTP, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thức ăn và 92 người đã phải nhập viện điều trị. Một phần do thời tiết quá nóng thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, một phần do ý thức của người kinh doanh trong bảo quản thực phẩm... Điển hình, ngày 23/5, sau khi ăn bánh mỳ tại quán Thanh Thu (số 740 – Lê Văn Hiến, P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn), 27 người đã bị ngộ độc nặng do nhiễm Salmonella trong chả heo chiên, xúc xích chiên, thịt nguội phải đến bệnh viện cấp cứu.  Trước đó, ngày 6/3, 17 người cũng đã bị ngộ độc thức ăn sau khi ăn bánh mỳ tại quán bà Thái trên đường Nguyễn Phan Vinh (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) do nhiễm tụ cầu vàng trong sốt trứng gà. Ngoài ra, 9 người khác đã bị ngộ độc sau khi ăn xôi gà, trứng cút do bà Hà Thị Hằng bán tại vỉa hè trên đường Dũng Sỹ Thanh Khê vào ngày 1/4...

Thạc sĩ Trương Quốc Khanh – Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP thành phố cho biết: Hiện tại không thể quản lý đối với loại hình thức ăn đường phố do không đủ năng lực cán bộ, cán bộ Trạm y tế quá thiếu, quá yếu và thay đổi liên tục. Vấn đề ngộ độc thực phẩm chủ yếu rơi vào loại hình thức ăn đường phố. Đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố hầu hết là dân nghèo, điều kiện cơ sở chưa được kiểm soát, chế biến nấu nướng một nơi nhưng kinh doanh một nơi, chưa được quản lý về sức khỏe và tập huấn kiến thức ATTP, vì mục đích mưu sinh nên thường bỏ qua hoặc không biết về các yếu tố ô nhiễm, nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm và bệnh tật do sản phẩm mình gây ra, điều kiện kinh doanh không đảm bảo, điều kiện bảo quản không có. Tuy nhiên, rất khó xử lý hoặc xử lý không được bởi đối tượng quá nghèo nên hiệu quả không cao và không có sức răn đe... Như vậy, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, việc nâng cao ý thức cho những người bán thức ăn đường phố và nâng mức độ nghiêm khắc của các chế tài xử phạt là rất cần thiết...”.

Thiết nghĩ, người tiêu dùng không nên coi thường sức khỏe của chính mình mà đồng lõa với thức ăn đường phố bẩn. Người dân chỉ nên ăn ở những hàng quán sạch sẽ, có tủ bảo quản thức ăn, thực phẩm chín và sống để riêng biệt, người bán hàng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về VSATTP...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Dũng (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN