Bệnh viện tuyến dưới cũng quá tải

Không chỉ các bệnh viện tuyến trên mà ngay cả những bệnh viện tuyến quận vẫn có tình trạng bệnh nhân nằm ghép đôi. Đặc biệt hơn, việc quá tải khám ở các bệnh viện này tới mức báo động khi mỗi bác sĩ phải “gánh” hơn 100 bệnh nhân/ngày.

Người bệnh đau đớn, người thân phờ phạc, không khí nóng nực, đã thế mỗi giường bệnh lại "nêm" 2-3 người. Đó là thực trạng chúng tôi ghi nhận tại khoa Ung bướu Bệnh viện Đà Nẵng những ngày hè này. Bác sĩ Nguyễn Hồng Long-Trưởng khoa Ung bướu nói, khoa chỉ có 70 giường, một số giường kê thêm, nhưng số bệnh nhân luôn dao động từ 200 tới 260 người, như vậy tình trạng ghép 2-3 người một giường là thường xuyên. Chưa kể mỗi người bệnh kèm thêm ít nhất một người thân chăm sóc, tính ra ở khoa luôn có khoảng 500 người. Cảnh người bệnh, người nhà nằm, ngồi trên nền nhà, vỉa hè, trông nhếch nhác và mỏi mệt. Nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, cận kề cái chết vẫn phải xoay xở vật vã để có một chỗ nằm.

Bác sĩ Long nói, theo quy định, bệnh viện loại 2 trở lên, có đủ điều kiện mới có khoa Ung bướu. Các bệnh viện tuyến quận, huyện thuộc loại 3, không có khoa này. Mặt khác, BV Quảng Ngãi chưa có khoa Ung bướu, BV Quảng Nam có một khu chữa ung bướu nhưng chỉ có 2 bác sĩ. Như vậy có thể thấy, đa số bệnh nhân ung bướu của 3 địa phương đều đổ về BV Đà Nẵng nên dẫn tới tình trạng quá tải giường bệnh là không tránh khỏi. Không chỉ quá tải về giường bệnh mà còn quá tải cả về khám chữa bệnh. Khoa chỉ có 10 bác sĩ (2 đi học) còn lại tính trung bình mỗi bác sĩ phải điều trị cho khoảng 25-30 bệnh nhân. Theo BS Long, để giải quyết thực trạng quá tải kép này cần đẩy mạnh phát triển các bệnh viện vệ tinh tại Quảng Nam, Quảng Ngãi để có thể điều trị được các bệnh ung bướu. Mặt khác cần đẩy mạnh xây dựng các bệnh viện chuyên khoa, chẳng hạn như BV Ung thư Đà Nẵng.

Bệnh viện tuyến dưới cũng quá tải - 1

BV tuyến trên luôn được áp dụng kỹ thuật cao, máy móc hiện đại nên thu hút đội ngũ nhân lực y tế giỏi và cả bệnh nhân

Tại khoa Nội tim mạch, tình trạng quá tải cũng diễn ra. Phần lớn bệnh nhân tại đây đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi và đều nằm 2-3 người/giường. Chị Phan Thị Nga (trú xã Đại Hồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, ba chị năm nay 85 tuổi, bị tai biến mạch máu não. Sau khi nằm điều trị một tháng ở Bệnh viện H. Đại Lộc nhưng không khỏi, gia đình lo lắng nên đưa ra Đà Nẵng chữa trị. Dù đã nằm hơn 10 ngày nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Chị tâm sự chỉ mong bệnh của cha đỡ phần nào rồi đưa về quê điều trị, chứ nằm ở đây nóng nực, chật chội quá vất vả cho cả bệnh nhân lẫn người chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngoài chuyện chạy tiền nong, anh em trong nhà cứ thay nhau ra đây túc trực, chăm sóc, chẳng yên tâm làm được việc gì. Bác Hoàng Văn Quân, 55 tuổi (trú xã Điện Tiến, H. Điện Bàn) bị bệnh dạ dày, ra điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng được gần nửa tháng. Ngày gặp chúng tôi là ngày bác Quân xuất viện. Khi được hỏi tại sao không điều trị ở Bệnh viện H. Điện Bàn, bác Quân bày tỏ tâm lý không tin tưởng ở bệnh viện nhỏ nên ra Đà Nẵng điều trị cho an tâm. Mặc dù quá tải phải nằm ghép đôi, ghép 3 rất cực, nhưng dường như bệnh nhân, người nhà cũng hiểu đó như thực tế không tránh khỏi.

Bệnh viện tuyến dưới cũng quá tải - 2

Quá tải tại khoa Ung bướu BV Đà Nẵng khi 2-3 người/giường

Nếu ở bệnh viện tuyến trên quá tải cả giường bệnh lẫn bác sĩ khám, thì chuyện quá tải ở các bệnh viện quận, huyện chủ yếu là quá tải khám. BS Võ Thị Lan Phương- Giám đốc TTYT Q.Cẩm Lệ cho biết, tình trạng quá tải khám bệnh ở BV Q.Cẩm Lệ đang diễn ra khá căng thẳng. Đơn cử tại phòng khám nội, mỗi ngày có khoảng 250 bệnh nhân nhưng chỉ có 2 bác sĩ, vượt gấp 4-5 lần quy định. Và đương nhiên, khám nhiều thì thời gian khám cho mỗi bệnh nhân giảm, thật khó mà có chất lượng. Đó là chưa nói những áp lực làm việc căng thẳng, liên tục, sẽ dẫn tới tâm lý nặng nề với các bác sĩ. Tại TTYT Q. Cẩm Lệ hiện có 36 bác sĩ nhưng đảm nhận khám chữa bệnh cho cả Cẩm Lệ, Hòa Vang (chưa có BV), một số xã của Điện Bàn, Nam Giang (Quảng Nam)... nên phải cần ít nhất 12 bác sĩ nữa mới có thể tạm ổn.

Tuy nhiên, để tìm ra được nhân lực cho bài toán quá tải này thật không dễ dàng. BS Phương nói, suốt từ 9 năm nay, không có thêm một bác sĩ nào về TTYT Q. Cẩm Lệ, mặc dù đã đi lùng sục, mời gọi bằng nhiều ưu đãi. Lý do thật đơn giản, bởi về BV quận chỉ có lương "chay", không có các dịch vụ tăng thêm thu nhập, điều kiện kỹ thuật không bằng tuyến trên, không có cơ hội trau dồi kinh nghiệm, tay nghề, làm việc thì luôn áp lực căng thẳng. BS Phương nói, thiếu máy móc có thể mua nhưng có máy móc mà không có người sử dụng thì cũng vô nghĩa. Yếu tố con người vẫn quan trọng nhất. Vì thế  khi ở tuyến quận không có bác sĩ giỏi, bệnh nhân đau nặng không đến chữa, và bài toán quá tải lại quay vòng lặp lại. Có tới 70% bệnh nhân khám vượt tuyến, đồng nghĩa với áp lực quá tải ở BV tuyến trên rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Hậu- Hoàng Táo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN