5.000 tỷ đồng trái phiếu: Cung đã gặp cầu
Hiện ngân sách TP Đà Nẵng bị sụt giảm nghiêm trọng do các nguồn thu thấp hơn chỉ tiêu đề ra vì khó khăn chung của nền kinh tế. Do đó, phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu địa phương được coi là một trong những giải pháp cân đối ngân sách, đồng thời tạo nguồn vốn cho các DA hạ tầng.
Dù trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhưng việc phát hành trái phiếu cũng đang có tín hiệu lạc quan.
Tín hiệu lạc quan
Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương của TP Đà Nẵng được HĐND thành phố phê duyệt, được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Trái phiếu UBND thành phố phát hành nhằm huy động vốn đầu tư phát triển KT-XH thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước. Đây là trái phiếu nghĩa vụ chung, được phát hành để bổ sung nguồn chi cho đầu tư phát triển của địa phương. Nguồn hoàn trả trái phiếu được đảm bảo từ nguồn thu của ngân sách thành phố.
Đến nay, UBND TP đã chọn và ký hợp đồng với Tổng Cty CP Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) làm đại lý phát hành trái phiếu. Tổng khối lượng phát hành là 5.000 tỷ đồng, mệnh giá phát hành 100.000 đồng/trái phiếu, thời hạn phát hành 5 năm, lãi suất được quyết định tùy vào từng đợt phát hành cụ thể và đối tượng tham gia mua trái phiếu chủ yếu là các tổ chức tài chính, không bán cho các cá nhân. Đợt 1 vừa qua, Đà Nẵng phát hành 1.500 tỷ đồng, với mức lãi suất 11%/năm đã có 2 đối tác đăng ký mua hết là Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) mua 750 tỷ đồng và Cty PVFC mua 750 tỷ đồng. Đây là thành công lớn trước khó khăn chung của nền kinh tế, không chỉ mang lại nguồn vốn bổ sung cho các công trình trọng điểm cấp bách của TP, mà còn chứng tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng của các nhà đầu tư vào Đà Nẵng. Tiếp tục đợt 2 phát hành 3.500 tỷ đồng dự kiến sau Tết Nguyên đán.
Đà Nẵng tập trung vốn ưu tiên cho các công trình trọng điểm, cầu Rồng sẽ về đích đúng tiến độ
Vì sao hấp dẫn nhà đầu tư?
Thực ra, lãi suất trái phiếu 11% trong đợt phát hành này không phải là cao, thậm chí thấp hơn mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở các NHTM, nhưng lại hấp dẫn các nhà đầu tư. Lý do là UBND TP đã có văn bản gửi Thống đốc NHNN đề nghị cho trái phiếu TP Đà Nẵng được niêm yết, giao dịch trên thị trường mở OMO. Từ đó, các NHTM mua trái phiếu Đà Nẵng được phép tham gia vào giao dịch OMO với NH T.Ư. Các NHTM vừa sử dụng trái phiếu để tối ưu mức độ rủi ro phần tài sản của mình, vừa là công cụ quản lý các chỉ số an toàn theo quy định, giúp điều hòa vốn giữa các định chế tài chính, nhất là các NHTM với nhau. Bên cạnh đó, hiện nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH rất thấp, một số NH thừa tiền nhưng không thể cho DN vay vốn vì sợ rủi ro nên buộc phải tìm một kênh đầu tư vừa hiệu quả vừa an toàn là trái phiếu...
Nút thắt vốn được mở
Hiện nay “nút thắt” của các công trình trọng điểm thành phố là vấn đề vốn. Việc phát hành trái phiếu lần này nhằm tập trung vốn để phân bổ đầu tư sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm phục vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị. Cụ thể một số DA sẽ được ưu tiên vốn như: hoàn thành dứt điểm cơ sở hạ tầng các khu TĐC để đảm bảo bố trí TĐC cho các hộ dân giải tỏa; Hoàn thiện các chung cư thuộc chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn, đảm bảo thực hiện mục tiêu có nhà ở; Bố trí vốn đối ứng để đầu tư các DA cơ sở hạ tầng ưu tiên; Đảm bảo đủ nguồn vốn để hoàn thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý theo đúng tiến độ; Đầu tư xây dựng mới SVĐ 20.000 chỗ ngồi tại Hòa Xuân và hoàn thành công trình Trung tâm Hành chính thành phố. Do đó, từ nguồn vốn phát hành trái phiếu đợt 1 là 1.500 tỷ đồng ngay lập tức được UBND TP lên kế hoạch phân bổ cấp phát cho các DA.
Ngoài ra, ngày 6-1, tại cuộc họp giữa các DN với lãnh đạo TP Đà Nẵng và Ngân hàng BIDV, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT đã tỏ ý quan tâm đến trái phiếu phát hành của Đà Nẵng và đưa ra nguyện vọng sẽ mua lại 3.500 tỷ đồng trái phiếu Đà Nẵng phát hành đợt 2 sắp tới.
Như vậy, dù tổng thể bức tranh kinh tế tuy khó khăn, nhưng việc phát hành trái phiếu của TP thời điểm này là khá phù hợp và khả năng huy động sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra.