Thủ phạm thảm kịch "máu nhuộm quần áo giá rẻ" hầu tòa
Những người liên quan trong thảm kịch thời trang giá rẻ tại Bangladesh phải đối mặt với pháp luật.
Tòa án Bangladesh buộc tội chủ nhân của 2 xưởng sản xuất quần áo bình dân cùng 11 người khác có liên quan tới cái chết của 111 công nhân may mặc.
Những gì còn lại của xí nghiệp sản xuất quần áo giá rẻ Tazreen
Delwar Hossain và vợ là Mahmunda Akter phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi thảm họa gây ra bởi ngọn lửa lớn thiêu rụi xí nghiệp sản xuất hàng thời trang giá bình dân Tazreen đặt tại Dhakar. Nơi đây chuyên cung ứng đồ cho các hãng Walmart, C&A, Enyce. Hỏa hoạn đã chôn vùi dưới đống đổ nát hàng trăm công nhân sản xuất đồ may mặc cho các hãng thời trang “mì ăn liền” ở các nước phương Tây.
“Tòa án buộc 13 người, trong đó có Delwar và vợ anh ta với tội danh vô ý gây chết người” – Công tố viên Khandakar Abdul Mannan chia sẻ với báo giới ở bên ngoài tòa án quận Dhaka.
Tòa nhà 9 tầng Tazreen nơi đặt xí nghiệp của vợ chồng Delwar vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn xây dựng, đặc biệt là phần cầu thang lung lay không an toàn và dễ nứt gãy.
Nạn nhân của vụ việc, hầu hết đều là phụ nữ, chỉ được trả khoảng 37 đô la một tháng (khoảng hơn 800 ngàn đồng) để may quần áo. Họ làm việc 12 tiếng hoặc hơn mỗi ngày, không được ngủ trưa, không có chế độ thai sản và sẽ bị cho thôi việc khi có bầu.
Khi xảy ra tai họa, họ bị ngạt do khói và tìm cách trốn chạy khỏi tòa nhà nhưng bất thành vì cửa bị khóa chặt. Để tự cứu tính mạng, rất nhiều nữ công nhân phải liều mình nhảy từ cửa sổ tầng cao xuống đất. Điều gây phẫn nộ là ngay cả khi khói lửa cuồn cuộn trên từ trên đỉnh của tòa nhà, nhân viên bảo vệ và đốc công vẫn yêu cầu các công nhân tiếp tục công việc của mình.
Nạn nhân hầu hết là phụ nữ, những người làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày với thù lao chưa tới 1 triệu đồng
Theo thông tin từ tòa án, trong trường hợp bị kết án, những người liên quan, trong đó có chủ nhà máy, nhân viên bảo vệ, đốc công sẽ phải đối mặt với tối đa 10 năm tù giam. 8 người đã sẵn sàng ra hầu tòa còn 5 người còn lại đang chạy trốn.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 11.2012 là tiếng chuông cảnh báo đầu tiên về tình trạng cơ sở vật chất tồi tàn và điều kiện làm việc vừa vất vả vừa nguy hiểm tại các xí nghiệp sản xuất tại Bangladesh chuyên cung cấp sản phẩm cho các hãng thời trang giá rẻ. Mặc dù vậy, thảm họa vẫn tiếp nối thảm họa. Chưa đầy 1 năm sau đó, thảm kịch đáng quên nhất trong lịch sử ngành may mặc thế giới đã diễn ra. Tòa nhà Rana Plaza chứa 9 nhà máy sản xuất quần áo giá rẻ đã đổ sập. Nguyên nhân vụ việc đến từ những vết nứt sâu từ lâu không khắc phục. 1,138 ngàn người đã chết trong vụ tai nạn kinh hoàng.
Ngành công nghiệp sản xuất hàng thời trang bình dân của Bangladesh trị giá 25 tỷ đô la đem lại công việc cho hàng triệu người dân ở đất nước đang phát triển này. Những cái chết của công nhân may mặc tại Bangladesh dần trở thành chuyện thường thấy. Nơi đây mạng của họ bị coi rất rẻ, chủ của các nhà máy hiếm khi bị truy cứu trách nhiệm.
Kalpona Akter, giám đốc Nghiệp đoàn người lao động tại Bangladesh cho biết việc pháp luật xử lý thảm kịch Tazreen sẽ là lần đầu tiên những người đứng đầu nhà máy phải bị quy kết trách nhiệm về an toàn lao động trong các xí nghiệp, phân xưởng sản xuất quần áo giá rẻ.