Đập tan bẫy mua sắm
Thường xuyên mua sắm quần áo, giày dép, túi xách… để giải tỏa tâm trạng buồn bực? Không kiểm soát được chỉ tiêu? Coi chừng bạn đã trở thành một fashionista nghiện shopping nhé.
Nếu từng đọc loạt tiểu thuyết Shopaholic (Tín đồ Shopping) của nhà văn Sophie Kinsella, bạn sẽ bắt gặp cô nàng Becky Brandon mua sắm thả ga mà vẫn không thỏa mãn với tủ quần áo toàn Prada với Marc Jacobs. Mua sắm mất kiểm soát như Becky không chỉ có trong tiểu thuyết. Nhỏ bạn của tôi, Minh Anh, 26 tuổi, thủ quỹ, là bản sao của Becky đấy. Cô ấy đang chạy đôn chạy đáo kiếm tiền trả ngân hàng, hậu quả của việc shopping quá đà bằng thẻ tín dụng.
Lương của Minh Anh đâu có thấp. Trên 10 triệu một tháng nhé, vì thế bạn ấy được ngân hàng ưu ái cấp cho thẻ tín có hạn mức gấp hai lần mức lương. Minh Anh có đến ba thẻ như thế của ba ngân hàng khác nhau. Số nợ lần này đã lên tới hàng trăm triệu.
Các shopaholic không hề biết mình đang mắc một căn bệnh có tên hẳn hoi: Bệnh rối loạn mua sắm cưỡng bức
Căn bệnh rối loạn mua sắm cưỡng bức
Đừng vội chê Minh Anh không biết kiểm soát chi tiêu nhé. Bạn có thể hỏi Minh Anh: Bạn có thực sự cần mua những sản phẩm đó không? Lúc mua sắm bạn có nghĩ đến những chi phí sẽ phải trả cho ngân hàng không?
Bạn có thể đặt thêm nhiều câu hỏi khác nữa, Minh Anh không trả lời được đâu. Cứ tưởng tượng bạn là một shopaholic chính hiệu đi, bạn cũng chưa chắc đã tìm ra câu trả lời cho mình.
Các shopaholic không hề biết mình đang mắc một căn bệnh có tên hẳn hoi: Bệnh rối loạn mua sắm cưỡng bức (CSD – Compulsive Shopping Disorder).
CSD có thể bắt đầu bằng việc bạn đi mua sắm mà không có danh sách mặt hàng cụ thể nào. Khi vào cửa hàng, bạn bị hoa mắt với muôn vàn quần áo, phụ kiến cuốn hút.
Biểu hiện của bệnh cũng có thể là đôi khi bạn thấy tự ti. Việc mua sắm giúp bạn tận hưởng quyền lực chi tiêu và cảm giác sở hữu những sản phẩm mua được. Khi mua những sản phẩm mới nhất, đúng xu hướng của thế giới, bạn lại có cảm giác thỏa mãn trong cuộc đua thời thượng.
Căn bệnh này đặc biệt thường xuất hiện khi bạn lâm vào tình trạng trầm cảm, buồn bực, lo âu và nhờ mua sắm làm thuyên giảm căng thẳng.
Nghiện mua sắm giống như nghiện rượu hay thuốc lá. Khi cơn nghiện được đáp ứng, chất endorphin (hoóc môn có tác dụng giảm đau) và dopamine (hoóc môn tạo cảm giác hưng phấn trong não) sẽ tiết ra, giúp bạn cảm thấy được thoải mái. Cảm giác này có thể khiến bạn lệ thuộc vào việc mua sắm.
Các nghiên cứu cho biết phụ nữ có thể nghiện sắm giày dép, quần áo, túi xách, trang sức. Đừng tưởng chỉ phụ nữ mới mắc bệnh này nhé. Đàn ông cũng nhiễm đấy. Các chàng thường say mê sở hữu các món đồ công nghệ hoặc sách. Những món đồ mua về có thể chẳng bao giờ được sử dụng.
Bệnh CSD bắt đầu nhen nhóm từ những năm thiếu niên và ảnh hưởng đến 5,8% những người ở lứa tuổi trưởng thành. Trong số đó, phái đẹp chiếm đến 80%.
Letty Workman, trợ lý giáo sư của Đại học Utah Valley, Mỹ cho biết: “Nhu cầu thỏa mãn cơn mua sắm cũng hệt như những chứng nghiện rượu hay ma túy. Bạn sẽ không nao núng chạy ngay đến các cửa hàng thời trang và bỏ qua những hậu quả tiêu cực như mất khả năng chi trả”. Người bình thường khi gặp chiếc áo quá đắt sẽ tự nhủ: “Thôi, đắt quá”, nhưng khi mắc bệnh nghiện mua sắm, bạn sẽ không nhận ra giới hạn ngân sách của mình.
Hậu quả của mua sắm quá đà là nợ nần và stress
Chuyên gia tâm lý cho biết, Eve thường nghĩ: “Phụ nữ là phải mua sắm”. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Tin vào điều đó khác nào mang tình yêu đặt lầm người. Cảm giác sau khi mua sắm cảm thấy thỏa thích cũng hồ hởi như bạn vừa trải qua cuộc “mây mưa”. Sau đó bạn sẽ rơi vào thất vọng, trầm cảm như vừa phạm sai lầm nghiêm trọng.
Tâm lý hối hận chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và bạn tiếp tục đi mua sắm cám dỗ.
Mua sắm thích mắt, thỏa tay thì chỉ khổ cho chiếc ví xẹp lép. Helga Dittmar, giản viên khoa Tâm lý, Đại học Sussex, Anh, cho biết: “Hậu quả mua sắm quá đà có thể đưa bạn vào tình trạng phá sản hoặc đánh mất lòng tin của mọi người. Thậm chí nó còn phá vỡ các mối quan hệ, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình và khiến bạn bị suy sụp trong công việc nữa”.
Trong loạt tiểu thuyết Shopaholic, Becky Brandon bị nhân viên đòi nợ của ngân hàng theo sát, hạ nhục cô trước nhiều người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và hạnh phúc của cô. Sau khi hỏi vay khắp nơi mà không được, vì ai cũng biết tính chi tiêu quá đà của nhỏ, Minh Anh suýt nữa kiếm tiền trả nợ bằng cách “mượn tạm” ngân quỹ công ty. May có gia đình đứng ra giúp giải quyết hậu quả, nhưng tinh thần của bạn suy sụp nghiêm trọng, mối quan hệ với gia đình cũng trở nên căng thẳng.
Những chiếc bẫy nghiện mua sắm
Trong guồng quay vội vã của cuộc sống thành thị, bạn khó tránh khỏi căng thẳng, lo âu và tìm đến mua sắm như một cách thư giãn. Trở thành người nghiện mua sắm rất dễ. Amy Twain, tác giả của cuốn sách Surviving Moderm Living (Sống sót trong thời hiện đại), cho biết: “Một shopaholic có thể sở hữu đến hơn 100 đôi giày, túi xách, mắt kính, các loại phụ kiện… Cô ta thường xuyên bị ám ảnh và lo lắng làm sao để hạn chế số lượng của những đồ vật đó, nhưng cô ta lại tiếp tục ra sức mua sắm mà không ngừng lại được”.
Tiện ích của thẻ tín dụng càng góp phần khiến bạn bị “vung tay quá trán”.
Hầu như mức thu nhập hàng tháng đều làm mọi người có giới hạn nhất định về tiền bạc để tiêu xài, nhưng sự hỗ trợ từ thẻ tín dụng hiện nay đã giúp bạn mở rộng giới hạn ấy.
Nó tạo điều kiện cho việc mua sắm thoải mái hơn và đương nhiên cũng khiến bạn dễ mắc chứng CSD hơn.
Mặt khác, việc marketing, quảng bá sản phẩm được các cửa hàng, trung tâm mua sắm thực hiện quá tốt. Ngoài quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khuyến mãi sản phẩm, họ còn khai thác các dịch vụ từ điện thoại, e-mail, bưu điện… để thu hút sự chú ý của bạn, khiến bạn không thể ngó lơ.
Hiện nay, kênh mua sắm qua mạng vừa tiện lợi vừa nhanh gọn cũng đang cuốn hút mạnh mẽ các tín đồ mua sắm. Chỉ cần dạo một vòng qua các cửa hàng online, ưng ý với một món đồ nào đó, bạn dễ dàng trở thành khách hàng thân thiết của họ.
Kể từ đó, họ sẽ tích cực cập nhật hàng mới cho bạn.
Khi đã lỡ là một shopaholic, bạn sẽ rất khó kềm lòng bắt gặp một món đồ mà mình yêu thích.
Khi đã lỡ là một shopaholic, bạn sẽ rất khó kềm lòng bắt gặp một món đồ mà mình yêu thích
Chia sẻ từ người trong cuộc
Ngọc Uyên, chủ cửa hành kinh doanh phụ kiện Ngọc Uyên, TP. HCM cho biết bạn thường mua sắm khi gặp căng thẳng, chán nản. Có cơ hội là Uyên lập tức đi mua sắm để giảm căng thẳng, có khi hết cả tháng thu nhập. Cô rất thích giày sặc sỡ. Trong tủ của cô có hơn 200 đôi giày, từ Zara, Catwalk đến Guess. Nhiều đôi vẫn chưa bóc tem. Cô chữa mãi chứng đó mới hết bằng cách rủ người thân cùng đi mua sắm để ngăn cản mình.
Thu Trang Giám đốc kinh doanh Công ty Bao bì Quang Minh chia sẻ: “Mình từng mất kiểm soát chi tiêu vì thẻ tín dụng. Có tháng mình mua sắm đến hơn 100 triệu đồng. Sau đó, mình phải đăng ký tin nhắn thông báo giao dịch bằng thẻ tín dụng để nắm được số dư. Mình cũng đặt ra giới hạn giá tiền cho mỗi món đồ muốn mua và luôn giữ lại hóa đơn thanh toán. Khi xem lại, với hóa đơn quá đắt, mình sẽ dán lên tường, để nhắc nhở bản thân kiềm chế lần sau”.
Nói vậy chứ không dễ dàng. Bạn phải trải qua quá trình lâu dài để kiềm chế bản thân trước cơn nghiện và kiểm soát việc mua sắm.
Dấu hiệu của CSD
- Khi giận dữ, buồn bã, bạn đi mua sắm |
Bí quyết cho shopaholic
Các mẹo sau đây sẽ giúp bạn kiềm chế chứng nghiện mua sắm của bản thân - Trả tiền mặt khi mua sắm thay vì quẹt thẻ tín dụng. |
10 “lời răn” dành cho tín đồ shopping
1. Sale! Sale! Sale! Tìm hiểu ngay lịch giảm giá của các nhãn hiệu, cửa hàng mình yêu thích. Shopping từ đầu mùa sale giúp bạn mua được những món đẹp với giá hời. 2. Còn gì tệ hơn khi xách hàng nặng mà còn phải cưỡi lên đôi giày cao lênh khênh. Hãy mang giày đế bằng khi bạn cần shopping suốt cả ngày. 3. Việc thì nhiều mà các shop cứ treo bảng “Sale off” đầy cám dỗ. Thế nên, sẽ không thừa đâu khi bạn lập trước một danh sách các cửa hàng mình nhất định phải ghé qua sau khi xong việc. Bạn sẽ tiết kiệm không ít thời gian đấy. 4. Sao bạn không rủ cô bạn thân cùng đi shopping nhỉ? Bạn vừa có chuyên gia tư vấn miễn phí, vừa có “phụ tá” đắc lực để xách đồ nếu lỡ tay mua sắm quá đà. 5. Dạo qua cửa hàng này đến cửa hàng khác để săn đồ đẹp cũng mệt lắm đấy. Cứu tinh đây: một chai nước nhỏ trong túi xách giúp bạn tiếp nước cho cơ thể. 6. Nếu không muốn thức trắng đêm hối hận vì lỡ mua những món “cổ vật”, bạn đừng quên kéo cô bạn fashionista nhập hội shopping cùng mình nhé. 7. Sẽ rất mất thời gian khi bạn thích shop A trong khi cô bạn chỉ muốn vào shop B. Vì vậy, hãy chọn “cạ cứng” hợp gu thẩm mỹ và ngân sách cho shopping. 8. Hãy thuộc lòng thứ tự mua sắm như sau nhé: quần áo, phụ kiện, giày dép. Hẳn bạn cũng không muốn đôi tay mỏi nhừ vì phải khuân vác đôi giày nặng trịch suốt cả buổi shopping đâu nhỉ? 9. Quý cô sành điệu đừng quên cầm trên tay một ly cà phê hay sinh tố khi dạo bước trong trung tâm thương mại. Đó đích thị là phong cách của các ngôi sao Hollywood. 10. Nhiệt tình trả giá có thể giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền đấy. Khi mua đồ với số lượng lớn, đừng quên đề nghị cửa hàng bán với giá sỉ. |