Chuyện nhà thiết kế Việt “mắc nợ” cô học trò 16 tuổi

Cô gái 16 tuổi nhỏ bé đã sát cánh bên NTK Tiến Lợi trong suốt 13 năm đầu gây dựng sự nghiệp.

Nhắc đến Tiến Lợi, người ta nhớ ngay tới một nhà thiết kế “lão làng” với 20 năm hoạt động trong ngành thời trang Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, anh còn là một giáo viên dạy thiết kế và stylist đầy nhiệt huyết.

Chuyện nhà thiết kế Việt “mắc nợ” cô học trò 16 tuổi - 1

Tiến Lợi không chỉ là một NTK "lão làng" mà còn là một giáo viên nhiệt huyết

Thuở vào nghề của nhà giáo “tay ngang”

Khi được hỏi về nghiệp giáo, nhà thiết kế Tiến Lợi mới “giật mình” nhận ra, anh bén duyên với nó khá lâu, mà chỉ do quá “say sưa” nên quên bẵng mất. “Nhóm học sinh đầu tiên của tôi về công nghệ và thiết kế thời trang là nhóm học viên tự do, từ những năm 1994 – 1996. Họ giờ đã mở những nhà may, trung tâm thời trang khá nổi tiếng và thành công.” – Tiến Lợi hồi tưởng.

Thậm chí, nhiều học viên của Tiến Lợi còn đi du học và định cư ở nước ngoài trước cả khi thày sang châu Âu học tập. Cũng vì vậy, NTK Hà Nội cho rằng mình khá “mát tay” trong nghề giáo.

NTK được mời giảng dạy một số hệ ngắn hạn về chuyên ngành Thiết kế thời trang ở các trung tâm mỹ thuật đương đại, trường Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn.... Anh cũng bắt đầu đào tạo các người đẹp, nghệ sĩ, doanh nhân xây dựng hình ảnh cá nhân, hay nói cách khác chính là công việc stylist ngày nay.

Vừa thiết kế, vừa giảng dạy, Tiến Lợi luôn tìm cách dung hòa để làm tốt cả hai công việc. Hơn nữa, anh cho rằng chính công việc thiết kế thời trang hàng ngày cũng giúp anh trau dồi thêm kiến thức, cách truyền đạt trong giảng dạy. “Với khách hàng, tôi tôn trọng sở thích của họ, đưa thế mạnh từ chuyên môn để thiết kế, tìm ra một mẫu dung hòa được cả thẩm mỹ cá nhân lẫn yếu tố chuyên môn. Tôi cũng tư vấn nhẹ nhàng để họ đẹp lên bằng kiến thức của mình.”

Chuyện nhà thiết kế Việt “mắc nợ” cô học trò 16 tuổi - 2

NTK Tiến Lợi từng đào tạo nhiều lớp học sinh về nghề thiết kế và stylist

Tiến Lợi cho rằng, chính việc hằng ngày đưa ra lời khuyên cho khách hàng đã “gỡ” giúp anh khâu truyền đạt cho học viên. “Việc sắp xếp công việc đi dạy cũng giống như tập hợp một nhóm đông khách hàng lại để tư vấn vậy. Chỉ khác là ở lớp, kiến thức sẽ chuyên sâu hơn, mọi vấn đề được mổ xẻ, phân tích cơ bản và thấu đáo.” Trên tất cả, Tiến Lợi thổ lộ mỗi khi thấy học trò vui vẻ, gật đầu, nở nụ cười tin tưởng, anh quên sạch cả mệt mỏi, bận bịu.

Nhiều nơi đang đào tạo thời trang kiểu “màu mè, hoa lá”

Nghề giáo vui là vậy nhưng cũng không hề nhàn nhã, dễ dàng. Chưa từng được học qua trường sở về sư phạm, nhà giáo “tay ngang” gặp ngay vấn đề về… cổ họng. “Kỹ năng sư phạm, cách giữ hơi, tiết chế giọng nói sao cho âm vang, rõ nét vô cùng quan trọng. Sau một thời gian ngắn giảng dạy, dây thanh đới của tôi có vấn đề, nói không rõ, khê, đôi khi thấy lực bất tòng tâm”. – Tiến Lợi hồi tưởng.

Khá sợ hãi, anh hỏi han bạn bè làm ca sĩ, giáo viên và được chỉ cách nói của một giáo viên đứng lớp. “Lúc đó, tôi mới thấu hiểu, và thấy thương thày cô vô bờ, chứ không chỉ là những lời sáo rỗng thuở học trò, nói mà đôi khi chưa hiểu được hết”.

Nếu như ở thời của Tiến Lợi, thiết kế, stylist còn là một nghề mới mẻ thì giờ đây, công việc này đã trở thành một “mốt” mà không ít người muốn chạy theo.

Trước việc những trung tâm đào tạo cứ mọc lên “như nấm sau mưa”, nhà thiết kế Việt cũng có không ít trăn trở: “Bây giờ, mọi thứ mang tính thông tin đại chúng và cập nhật cực kỳ nhanh. Bạn chỉ cần gõ google là có thể thấy mọi thứ mình cần thiết. Tuy nhiên, thứ kiến thức mang tính cá nhân lại không phải cứ gõ ra mà có được. Nó cần được ngấm một cách thấu đáo, chủ động và sàng lọc.

Chuyện nhà thiết kế Việt “mắc nợ” cô học trò 16 tuổi - 3

Nghề giáo đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm khó quên

Có lẽ nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ công việc đó là dễ dàng, chỉ cần qua loa và ‘màu mè hoa lá’ là có thể tìm ra một chân lý hay kiến thức cho mình. Những nơi đào tạo kiến thức cho họ kiểu như vậy thật là đáng sợ!” Cũng theo anh, một số bạn trẻ bây giờ chỉ đang lao vào công việc này vì tính “thời thượng” mà không hiểu nó là gì, đòi hỏi những gì. “Họ nghĩ chỉ cần đọc một chữ ‘sờ-tai-lít là xong” – Nhà thiết kế bộc bạch.

Chuyện cô học trò 16 tuổi và bó hoa đáng giá gần bằng chiếc xe đạp

Nghề giáo khó khăn, vất vả, lắm ưu tư, nhiều trăn trở như vậy, nhưng cũng để lại cho người làm nghề không ít kỷ niệm khó quên. Trong ký ức của Tiến Lợi, người khiến anh ấn tượng nhất, thậm chí “mang ơn” là một cô học trò nhỏ. Năm cô gái 16 tuổi, còn Tiến Lợi mới là anh sinh viên, sắp tốt nghiệp Đại học, cô đã đến xin Tiến Lợi dạy nghề.

“Tôi đắn đo vì em trẻ và bé nhỏ quá, không biết có theo nổi công việc này không rồi nói cô bé cân nhắc, quay lại sau 3 tháng nếu còn yêu thích công việc”. Ba tháng sau, người học trò 16 tuổi ấy đã quay lại, xin được học và theo đuổi nghề đầy đam mê.

Trong hồi ức của Tiến Lợi, cũng chính cô gái ấy đã giúp anh gây dựng những gì làm nên tên tuổi như bây giờ. “Cô ấy đã theo sát bên tôi, thực hiện hầu như toàn bộ các bộ sưu tập trong những năm tháng đầu của sự nghiệp thiết kế, giúp tôi quản lý, xây dựng thương hiệu ở thị trường phía Bắc. Cô học trò 16 tuổi năm nào cũng đã thay mặt tôi làm từ việc nhẹ nhàng tới nặng nhọc khi tôi đi công tác xa…”

Trong suốt 13 năm ròng rã, người học trò nhỏ bé ấy không bước đi độc lập mà gắn bó và cống hiến toàn bộ niềm đam mê thời trang của mình cho thương hiệu của người thày. Có lẽ cũng vì vậy, mà trong anh, cô gái ấy còn hơn cả một học trò. “Tôi giúp cô ấy bước vào nghề, nhưng lại mắc nợ cô ấy trong những bước đi của sự nghiệp. Tiếc là bây giờ, tôi muốn trả ơn cũng không còn cơ hội. Cô ấy đã đi về một nơi xa, xa lắm…”

Chuyện nhà thiết kế Việt “mắc nợ” cô học trò 16 tuổi - 4

NTK gốc Hà Nội không bao giờ ngại ngần khi truyền hết nhiệt huyết, "lửa nghề" cho thế hệ sau

Như bất cứ ai từng bước vào sự nghiệp giảng dạy, Tiến Lợi cũng có những kỷ niệm đẹp về ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Có một năm, ở thời mà chiếc xe đạp cũng còn là một thứ xa xỉ, Tiến Lợi nhận dạy một học trò bằng tuổi mình – một người để lại dấu ấn khó quên trong anh.

“Khi ấy, cô vừa sinh con xong, cuộc sống khó khăn và bí bách. Mỗi sáng, cô ấy đều dậy sớm, bán buôn nhỏ lẻ kiếm cháo, sữa cho con, trưa lại kỳ cạch đạp xe đi học. Giữa trưa hè, mồ hôi và sữa mẹ ướt đẫm trên áo…” Nhưng cô học trò đó vẫn quyết tâm theo học thiết kế thời trang.

Ngày 20.11 năm ấy, vợ chồng cô học trò chở nhau tới nhà thày Tiến Lợi. Người vợ bước vào, tặng thày bó hoa và nói những lời mà Tiến Lợi mãi không bao giờ quên: “Bó hoa này, xin anh hãy nhận như một cơ hội để em đóng học phí nhé.” Nhà thiết kế Hà Nội nhớ lại, ở thời đó, một bó hoa có khi đắt gần bằng cái xe đạp, nhưng cô học trò nhỏ đang trong cảnh khó khăn ấy vẫn không tiếc tiền cho một thứ những tưởng quá phù hoa, xa xỉ đó.

“Học phí gần bằng cái xe máy, anh còn cho không em, thì giờ em chỉ có cái xe đạp, có gì là lớn đâu anh” - học trò của NTK thổ lộ. Bây giờ, cô học trò nghèo khó năm nào đã trở thành bà chủ của một chuỗi kinh doanh khá thành công và Tiến Lợi thì vẫn tiếp tục được tận hưởng niềm vui bất tận, mà tiền bạc khó lòng mua được của nghề dạy: “Tôi vẫn được nhận hoa của họ, cho dù đôi khi không phải ngày 20.11. Đời giáo vui vậy đó!”  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Vũ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN