Apple đã âm thầm thâu tóm công nghệ bằng cách nào?
Kể từ tháng 11 năm ngoái, Apple đã mua lại hơn 20 công ty công nghệ mới, và chỉ có 6 công ty được tiết lộ.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào hôm thứ hai vừa qua, CEO Tim Cook của hãng đã tiết lộ một thông tin khiến giới công nghệ bất ngờ: Apple đã mua 20 - 25 công ty trong 6 tháng qua. Ông cho hay, công ty chủ yếu mua lại các nhân tài và sở hữu trí tuệ; trung bình Apple sẽ mua lại một công ty mới cứ sau 2-3 tuần.
CEO Apple - Tim Cook.
Trong số hơn 20 vụ mua lại đó, nổi bật nhất là việc mua Platoon vào tháng 12 của Apple. Đây là một công ty khởi nghiệp làm việc trực tiếp với các nhạc sĩ để sản xuất và phân phối tác phẩm của họ. Vào tháng 3, Apple đã thông báo có được một công ty khởi nghiệp – start up phát triển giao diện lập trình ứng dụng có tên là Stamplay. Bên cạnh đó, có ít nhất 14 vụ mua lại của Apple chưa được công bố.
Một cửa hàng Apple Store.
Với mức vốn hóa thị trường 952 tỷ USD, hầu hết các thương vụ mua lại mà công ty thực hiện sẽ không ảnh hưởng về mặt tài chính. Điều đó có nghĩa là Apple không phải tiết lộ các giao dịch mua hoặc bất kỳ thông tin nào về quy trình mua lại các công ty của mình.
Dưới đây là 6 thương vụ mua lại của Apple kể từ tháng 11 theo trang tin công nghệ Business Insider:
• Laserlike - công ty khởi nghiệp học máy (machine-learning) ở Thung lũng Silicon (được mua lại vào tháng 3).
• Stamplay – công ty khởi nghiệp phát triển API ( được mua lại vào tháng 3).
• PullString - công ty khởi nghiệp ở San Francisco, tạo ra các ứng dụng giọng nói (được mua vào tháng Hai).
• DataTiger - công ty khởi nghiệp Digital Marketing của Anh ( được mua vào tháng Hai).
• Platoon - startup phân phối âm nhạc ( tháng 12).
• Silk Labs - công ty khởi nghiệp làm về phần mềm trí tuệ nhân tạo "đủ nhẹ" cho các thiết bị tiêu dùng (được mua lại vào tháng 11).
Công ty hiện có 225 tỷ USD tiền mặt và trở thành một trong những doanh nghiệp có nhiều tiền mặt nhất trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, hãng này có rất nhiều cơ hội và động lực để chi tiêu, sở hữu cho mình nhiều công nghệ mới với giá thấp.
Không giống như “gã khổng lồ” công nghệ IBM - đã chi 34 tỷ USD để mua lại Red Hat hay SAP đã chi 8 tỷ USD để mua lại Qualtrics, Apple hiếm khi đặt cược vào các giao dịch lớn. Một số thương vụ mua lại lớn của Apple trong quá khứ có thể kể đến là Shazam trị giá 400 triệu USD vào năm 2017 và Beats với giá 3 tỷ USD vào năm 2014.
Hãng đồ xa xỉ Caviar của Nga vừa giới thiệu mẫu iPhone XS/XS Max với mặt lưng chạm khắc titanium, mạ vàng và gắn kim cương...