“Yếu bóng vía”: Doanh nghiệp Việt hại mình

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn thụ động, thiếu thông tin, thiếu chiến lược lâu dài giữa dòng mậu dịch tự do (FTAs) của ASEAN và các nước trên thế giới.

Tháng 10-2013 đánh dấu nhiều dấu ấn tốt đẹp của ASEAN trên lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế. ASEAN đã đưa ra nhiều tuyên bố tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Chưa biết tận dụng lợi thế “đắt giá”

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính New Zealand Bill English cho biết: “Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là TPP) mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội nhận đầu tư từ khắp các nước trên thế giới. Đó cũng là thời cơ cho Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn, điển hình là thị trường dệt may tại Mỹ”.

Đối với Việt Nam, khi gia nhập các FTAs, hay TPP thì nông nghiệp sẽ là yếu tố có điều kiện “đổi đời”. Khi thuế suất xuất khẩu bằng 0% thì cơ hội cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam với các nước khác trên thế giới là rất cao. Phát biểu trên báo Hải Quan, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT) TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh: “TPP sẽ xóa bỏ việc bảo hộ cho ngành nông nghiệp nội địa của các nước thành viên TPP. Điều này giúp nông sản Việt Nam có khả năng đẩy lượng xuất khẩu tăng cao”.

“Yếu bóng vía”: Doanh nghiệp Việt hại mình - 1

Ngành dệt may có cơ hội lớn thâm nhập vào thị trường Mỹ khi có Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, TPP sẽ đẩy sự “bất lợi” về các nước yếu nông nghiệp, ví dụ Nhật Bản. Khi đó, những nước này sẽ chuyển hướng đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài, trong đó Việt Nam là một điểm sáng.

FTAs còn mang về cho Việt Nam cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thể chế mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) cam kết trao tặng 15.000 suất học bổng cho các nước ASEAN trong thời gian tới. Còn New Zealand cũng đã ngỏ ý tài trợ nhiều chương trình du học cho học sinh, sinh viên Việt Nam sau Hiệp định TPP.

Ở khu vực khác, Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN-EU, Việt Nam - EU được Việt Nam kỳ vọng rất nhiều bởi EU là một thị trường lớn về nông sản, thủy sản, dệt may.

Trong bối cảnh Việt Nam phải đối diện với “ngành nông nghiệp giá rẻ”, hơn 70% dân số ngành nông thiếu thu nhập cao thì khu vực mậu dịch tự do FTAs sẽ là những cứu cánh.

Tuy nhiên, dường như các thông tin về mậu dịch tự do hiện nay vẫn “chưa đến tai” nhiều doanh nghiệp (DN) Việt. Trao đổi với chúng tôi, một tổng giám đốc công ty thực phẩm lớn ở TP.HCM chia sẻ: “Tôi vẫn chưa cảm nhận được những ảnh hưởng đến từ việc ASEAN ký kết các FTAs”. Thậm chí, vị giám đốc này cũng không có nhận định được những tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO hay các tổ chức liên quan. “Tôi chỉ quan tâm rằng Luật Lao động có thay đổi không vì công ty chúng tôi dùng nhiều lao động” - giám đốc trên cho biết.

Nguy cơ bị DN nước ngoài “thâu tóm”

Nhận định về sự “chậm chân” của DN Việt Nam, nguyên đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần gợi ý tiềm năng về đầu tư ngành thực phẩm và gỗ tại Myanmar. Công nghệ thực phẩm tại Myanmar rất kém. Còn ngành gỗ thì thiếu kỹ thuật gia công. Hai ngành này đều được Myanmar kêu gọi đầu tư với ưu thế xuất khẩu gỗ sang châu Âu là 0%. Tuy nhiên, tâm lý “e ngại” khiến thị trường này bị bỏ lơ. Trong khi DN Việt Nam phải nhập khẩu gỗ, gia công và xuất khẩu chịu thuế”.

Còn chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Quang A nhận định: “các DN phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt và thông minh”. Hơn ai hết DN sẽ hiểu rõ về nguồn lực, tầm nhìn của họ để đưa ra chiến lược đầu tư.

Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy khác với sự chậm chân của DN nội, khu vực FDI đang hoạt động sôi nổi. Hiện nay đã có nhiều DN sợi, dệt, nhuộm vốn FDI của Trung Quốc đầu tư nhiều nhà máy dệt nhuộm lớn tại Việt để chuẩn bị cho TPP và FTA.

Như vậy, FTA cứ ngỡ là niềm vui chung nhưng thực ra chỉ là lợi thế cho các DN FDI vốn có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng, lẫn sản phẩm. Thế nên không lạ gì việc DN nội “lép vế”, thậm chí là bị các DN FDI mua lại vì yếu thế cạnh tranh.

Bài học từ Nhật Bản, Ấn Độ

Một ví dụ rất thực tế là các DN nông nghiệp Nhật Bản. Ngay khi thông tin từ Chính phủ Nhật cho thấy quyết tâm của ông Shinzo Abe trong việc gia nhập TPP, ngay lập tức nhiều DN Nhật Bản đã đến Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ khảo sát, tính toán đến chiến lược “thuê ngoài” để đầu tư ngành nông nghiệp. Dù việc “thuê ngoài” diễn ra một phần, thì vấn đề an ninh lương thực Nhật Bản vẫn sẽ đảm bảo, lợi ích DN xuất nhập khẩu cũng tăng theo.

Trên thị trường phần mềm máy tính, các công ty Ấn Độ tỏ ra năng động. Từ năm 2008, những DN IT lớn hàng đầu Ấn Độ đã tích cực thâm nhập thị trường, đẩy nhanh tốc độ kinh doanh, mở rộng quy mô kinh doanh, hợp tác hoặc mua đứt các công ty IT Nhật Bản. Các DN Ấn đã chuyển công việc lao động trí óc ra nước ngoài. Cụ thể, họ thành lập các trung tâm “offshore” tại Trung Quốc, Đông Âu và Nam Trung Mỹ để tận dụng giá nhân công rẻ.

Đừng có hở chút là “sợ”

Nhiều DN cứ nghe đến Trung Quốc là thấy “hoảng”. Họ trở nên đề phòng quá mức cần thiết. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương tăng, thị trường rộng lớn là những điều mà Việt Nam rất cần. Nếu chủ động, có tính toán thông minh thì được lợi. Còn e dè thì vô tình rơi vào thế “bị động”, khó phát triển lâu dài.

TS NGUYỄN QUANG A

Nhiều người lo ngại hợp tác nông nghiệp với Myanmar sẽ bị mất thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không hợp tác thì Thái Lan, Philippines sẽ nhảy vào. Thế nên ít nhất khi hợp tác với nước bạn, tương lai khi Việt Nam gặp khó về an ninh lương thực do biến đổi khí hậu, hay vì yếu tố nào khác thì cũng được bạn giúp đỡ. DN Việt rất được Myanmar ưu tiên. Tuy nhiên, vì quá “nhát” nên DN Việt đẩy lợi thế về tay người khác.

Đại sứ CHU CÔNG PHÙNG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Thiện (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN