Xuất khẩu trái cây chưa xứng với tiềm năng

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều thị trường khó tính trên thế giới ưa chuộng trái cây nhiệt đới, nếu đáp ứng tiêu chuẩn của những nước này thì xuất khẩu trái cây Việt Nam sẽ tăng vọt.

Nhiều loại trái cây Việt Nam được đánh giá là ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái cây trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đúng với tiềm năng cũng như lợi thế sẵn có. Cốt lõi của vấn đề vẫn xoay quanh yếu tố lâu nay chưa được giải quyết triệt để, đó là an toàn vệ sinh thực phẩm. Làm thế nào để tạo ra trái cây sạch, cao hơn nữa là trái cây hữu cơ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Kế đến là vấn đề bảo quản sau thu hoạch, để tránh thất thoát quá cao làm ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Thị trường rộng lớn

Theo TS Lương Ngọc Trung Lập, Viện Cây ăn quả Miền Nam, khu vực ĐBSCL hiện có nhiều loại cây ăn trái ngon, đặc sản của vùng miền như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, bưởi năm roi, thanh long (ruột đỏ, trắng, tím hồng), sầu riêng ri 6, nhãn xuồng cơm vàng, chôm chôm nhãn, sapo lồng mứt, đu đủ tím, quýt đường không hạt, cam sành không hạt, chanh bông tím... Đặc biệt, nhiều loại trái cây chỉ có ở Việt Nam như vú sữa Lò Rèn, sơ ri, quýt hồng... Đây là lợi thế rất lớn cho việc xuất khẩu đem lại nguồn lợi lớn nếu biết đầu tư sản xuất bài bản.

Để xuất khẩu được trái cây đi các nước đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng nhiều vấn đề như bảo đảm số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản xuất tập trung. Một số vùng sản xuất trái cây tập trung ở ĐBSCL cũng đã được Cơ quan Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) cấp mã code xuất khẩu sang thị trường Mỹ như chôm chôm Bến Tre, thanh long Tiền Giang, nhãn, xoài, vú sữa. Nhiều loại trái cây còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Nhật Bản...

Thị trường Mỹ là thị trường khó tính, người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao nhưng luôn đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là thị trường lớn, có nhu cầu cao về nhập khẩu trái cây, nhất là trái cây nhiệt đới, như trái cây Việt Nam. Tương tự, thị trường châu Âu là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập khẩu 13-15 triệu tấn. Các loại trái cây nhiệt đới được nhập vào các nước này có xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long. Thị trường khó tính khác là Nhật Bản, hiện cũng có nhu cầu nhập khẩu trái cây với số lượng lớn, mỗi năm nhập đến vài triệu tấn. Họ nhập các mặt hàng như chuối, cam, xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, thanh long.

Xuất khẩu trái cây chưa xứng với tiềm năng - 1

Vườn trái cây manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến giá thành cao

Còn nhiều hạn chế trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản

Tuy nhiên, sản xuất trái cây của Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Đặc biệt là chưa phát triển sản xuất cây ăn trái theo định hướng thị trường, kể cả tín hiệu của thị trường cũng không được chú ý. Do đó khi vào mùa thu hoạch rộ, sản lượng cung ứng cho thị trường quá lớn nên thường xảy ra ứ đọng, giá cả giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của nhà vườn. Cũng chính vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, quy mô sản xuất chủ yếu hộ gia đình... nên chưa thống nhất được quy trình chăm sóc, kỹ thuật canh tác, thời gian thu hoạch... Từ đó dẫn đến chất lượng trái cây trên cùng một loại không đồng đều, sản lượng cung ứng thấp, không ổn định.

Các chuyên gia Viện Cây ăn quả Miền Nam còn cho biết đa số các loại trái cây chưa xây dựng được vùng chuyên canh có diện tích lớn, dẫn đến năng suất thấp, mức độ đầu tư và giá thành sản phẩm cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh thị trường. Chưa có vùng sản xuất chuyên canh nên một số loại trái cây ngon như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, nhãn xuồng cơm vàng, quýt đường, chuối cau... cho sản lượng cung ứng thấp nên có mức giá quá cao. Công nghệ thu hoạch, chế biến chưa theo kịp thị trường; thu hoạch, phân loại, đóng gói, bao bì, bảo quản chủ yếu còn thủ công... từ đó dẫn đến tỉ lệ hư hỏng do dập nát, hư thối quá cao.

Cũng theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều nhà vườn vẫn chưa thật sự chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng trái cây trong quá trình sản xuất; chưa tuân thủ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 3 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian cách ly); thu hoạch trái cây sớm khi chưa đủ độ già làm ảnh hưởng đến chất lượng. Chưa tạo được mối liên kết 4 nhà (nông dân - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp) trong sản xuất và tiêu thụ trái cây trên cơ sở tự nguyện. Nhà vườn chưa chú trọng đến mối liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc tiêu thụ sản phẩm. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là cơ sở hạ tầng ở vùng trồng cây ăn trái còn yếu kém nên thời gian vận chuyển trái cây bị kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng. Hệ thống nhà đóng gói, sơ chế, kho lạnh chưa được đầu tư đúng mức..

Theo giới chuyên môn, các loại trái cây của Việt Nam thường có giá thành cao hơn so với trái cây cùng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc. Do chưa có vùng chuyên canh cũng như phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng giá thành; chi phí vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không cao hơn so với các nước làm giảm khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới. Phần lớn trái cây vẫn còn tình trạng xuất khẩu dưới nhãn mác và bao bì của khách hàng nước ngoài do chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá trái cây đến người tiêu dùng trên thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hải (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN