Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều bất lợi

Trong 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2011. Xét về mặt giá trị, mức tăng trưởng trên là khả quan nhưng trước thực trạng khó khăn và nhiều bất cập khiến cho lợi nhuận của ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam sụt giảm.

Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), 5 tháng đầu năm nay chỉ có 473 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản, giảm rất mạnh so với 800 doanh nghiệp cùng kỳ năm 2011. Trong đó, 327 doanh nghiệp năm ngoái từng xuất khẩu thủy sản đã không xuất khẩu trong quý I năm nay với tổng giá trị giảm 59.691.942 USD. Số doanh nghiệp không xuất khẩu trong quý I hầu hết là những doanh nghiệp thương mại có doanh số rất thấp, nên chỉ làm giảm đi khoảng 5% doanh số so với 1.148.811 nghìn USD quý I năm trước.

Sở dĩ số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu giảm mạnh nhưng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng vẫn tăng 9,8% là do doanh số của các doanh nghiệp lớn tăng lên so với năm 2011.

Mới đây, VASEP có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp những khó khăn nổi cộm trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, cần các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ. Đó là châu Âu, thị trường lớn nhất trong 129 thị trường tiêu thụ thuỷ sản Việt Nam bị thu hẹp do khủng hoảng tài chính. xuất khẩu sang EU đã sụt giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ trọng giảm từ 24,2% xuống 19,7%. Hai mặt hàng chủ lực sang EU là tôm và cá tra đều giảm mạnh, giảm 21,8% và 12,4%.

Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản đạt 1.051 ngàn tấn, tăng 3,0% và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.016 ngàn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản vẫn tăng nhưng ngành chế biến và xuất khẩu thuỷ sản chưa thoát khỏi tình trạng thiếu nguyên liệu.

Nguyên nhân bởi sản lượng 2 loài nuôi chính là tôm và cá tra không ổn định, dịch bệnh trên tôm, diện tích nuôi cá tra giảm do nông dân thiếu vốn và giá cá bất ổn. Các doanh nghiệp khó thu mua nguyên liệu vì nông dân không bán chịu trong khi vòng quay vốn chậm do thị trường tiêu thụ khó khăn về tài chính. Một số doanh nghiệp lớn duy trì sản xuất ổn định nhưng lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng và có đến 30% số doanh nghiệp có nguy cơ ngừng sản xuất vì thiếu vốn và nguyên liệu chế biến.

Xuất khẩu thủy sản gặp nhiều bất lợi - 1

Trong 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD - Ảnh: HVG

Đồng thời, với mức lãi suất quá cao 19 – 20% trong các tháng đầu năm, cả nông, ngư dân và doanh nghiệp đều khó duy trì sản xuất và chế biến khi các chi phí đầu vào tăng mạnh từ 5 - 10%. Vốn vay định mức thấp cùng với việc siết chặt tín dụng của các ngân hàng đối với ngành thuỷ sản khiến cho nhiều doanh nghiệp không còn vốn duy trì sản xuất. Tình trạng thiếu vốn xảy ra nghiêm trọng nhất đối với ngành cá tra. Theo khảo sát, hơn 90% số doanh nghiệp mong muốn tăng hạn mức vay vốn, thấp nhất 10 tỷ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chính sách còn nhiều bất cập đã làm tăng chi phí, đội giá thành sản xuất và giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Các doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí như thuế bảo vệ môi trường, phí công đoàn, phí kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu, phí kiểm dịch thú y...

Cụ thể, bao bì túi PE, PA các loại là vật tư không thể thiếu trong chế biến thủy sản xuất khẩu, được sử dụng đa dạng và thông dụng. Khoản chi phí này tương đương 0,1 USD/1kg sản phẩm thủy sản trong giá thành xuất khẩu. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đã tăng trung bình 1,5 - 2 lần so với trước đây. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát khiến đa phần các lô hàng phải chờ 7 - 10 ngày trước khi xuất khẩu, dẫn đến doanh nghiệp phải chịu thêm phí lưu kho bãi.

Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng nhưng thủ tục nhập khẩu lại nhiêu khê. Quý 1/2012, Việt Nam nhập khẩu thủy sản từ 72 thị trường với trị giá trên 157 triệu USD, trong đó, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và tái xuất chiếm khoảng 80%, còn lại là con giống và tiêu thụ nội địa. Tình hình dịch bệnh khiến tôm nuôi chết hàng loạt buộc các doanh nghiệp chế biến phải tính tới nhập khẩu tôm nguyên liệu hiện đang chịu thuế 10%, góp phần gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Phí kiểm dịch thú y năm nay đã tăng 300%, ảnh hưởng không nhỏ tới việc nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam đang bị sụt giảm do giá thành sản xuất cao. Hiện giá tôm Ấn Độ và Indonesia trên thị trường thế giới thấp hơn 15 - 25% so với giá tôm Việt Nam. Trong khi khó khăn về vốn là vấn đề nổi cộm thì chính sách ân hạn thuế nhập khẩu 275 ngày có nguy cơ bị xóa bỏ sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến doanh nghiệp.

Với kiến nghị của ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 gói tín dụng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra với tổng kinh phí khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, dành 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và 2.400 tỷ đồng tiếp sức cho doanh nghiệp nuôi cá tra với thời hạn vay 4-6 tháng đồng thời đề nghị Nhà nước hỗ trợ lãi suất chênh lệch ước tính khoảng 80 tỷ đồng.

Nhằm giảm bớt chi phí do các thủ tục hành chính, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay đổi cách tiếp cận kiểm soát chất lượng thủy sản xuất khẩu phù hợp với Luật An toàn thực phẩm, thông lệ quốc tế. Đề xuất theo hướng kiểm soát sản xuất là điều kiện chính và không áp dụng lấy mẫu kiểm nghiệm bắt buộc lô hàng làm điều kiện cấp Chứng thư xuất khẩu. Không yêu cầu các doanh nghiệp phải có Chứng thư của Nhà nước khi nước nhập khẩu không đòi hỏi cũng như không áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm mang tính trừng phạt và vượt quá các nội dung của Luật An toàn thực phẩm. Cần thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro an toàn thực phẩm theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chu Khôi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN